Thứ Ba, 28/01/2025 08:56 SA
Đình Phú Nông: Nơi lưu giữ những giá trị văn hóa tín ngưỡng cộng đồng
Thứ Sáu, 19/07/2024 14:39 CH

Đình Phú Nông có vị trí, vai trò rất quan trọng trong đời sống tín ngưỡng, một biểu tượng mang tính cộng đồng của người dân thôn Phú Nông, xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa.

 

Lãnh đạo Sở VHTT&DL và huyện Tây Hòa trao bằng xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Đình Phú Nông cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Hòa Bình 1. Ảnh: THIÊN LÝ

 

Đình Phú Nông vừa được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc tôn vinh các giá trị văn hóa mà cha ông đã để lại ở vùng đất soi bãi ven sông Đà Rằng, đồng thời nhắc nhở các thế hệ hôm nay về việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

 

Ngôi đình trăm tuổi

 

Vào đầu thế kỷ XIX, làng Phú Nông có tên là Phú Nông Tân Hội thôn thuộc tổng Trung, huyện Tuy Hòa. Theo địa bạ lập dưới thời vua Gia Long, truy dụng dưới thời vua Minh Mạng, thôn Phú Nông Tân Hội có 2 giáp là Giáp Nhất và Giáp Nhị.

 

Giáp Nhất giới cận được xác định: Đông, Nam và Bắc giáp sông; Tây giáp xã Phước Lộc. Còn Giáp Nhị: Đông giáp thôn Phước Bình, Tây giáp thôn An Thạnh và thôn Phụng An, Nam giáp thôn Cảnh Tiên và thôn Đường An, Bắc giáp sông. Năm 1832, thôn Phú Nông Tân Hội đổi thành thôn Phú Nông thuộc tổng Hòa Lạc, huyện Tuy Hòa và năm 1899 thuộc tổng Hòa Lạc, phủ Tuy Hòa.

 

Đến năm 1920, thôn Phú Nông chia tách thành 2 thôn là Phú Nông và Phước Nông. Năm 1949, thôn Phú Nông thuộc xã Hòa Bình, huyện Tuy Hòa. Năm 1981, xã Hòa Bình chia tách thành 2 xã Hòa Bình 1 và Hòa Bình 2; thôn Phú Nông thuộc xã Hòa Bình 1, huyện Tuy Hòa. Năm 2005, chia tách huyện Tuy Hòa thành huyện Đông Hòa và huyện Tây Hòa, thôn Phú Nông thuộc xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa từ đó cho đến nay.

 

Khi thôn Phú Nông được hình thành thì các công trình kiến trúc phục vụ tín ngưỡng tâm linh như đình, miếu, lẫm... cũng lần lượt được xây dựng. Trên địa bàn thôn Phú Nông còn dấu tích bến đò ngang trên sông Đà Rằng từ Phú Nông đi qua thôn Vĩnh Phú ở bờ Bắc. Ngay tại bến sông xưa còn có miếu Song Thờ, đây là di tích thờ thần Thiên Y A Na. Mục đích xây dựng ngôi miếu này là để thần bảo vệ vùng đất soi bãi ven sông và che chở cho người qua sông trong mùa mưa bão.

 

“Đình Phú Nông được xây dựng năm 1871, ở khu vực Gò Chợ, cách vị trí đình hiện nay khoảng 200m về hướng đông bắc. Trong 2 cuộc kháng chiến, do không có người trông coi, chăm sóc nên đình xuống cấp, hư hại. Những năm 70 của thế kỷ XX, đình được xây dựng lại gần khu vực miếu Đông Lý và tồn tại cho đến nay”, cụ Cao Sĩ Linh, 80 tuổi cho biết.

 

Cũng theo vị cao niên này, đình Phú Nông được hình thành như một thiết chế tổng hợp đa chức năng vừa là nơi thờ cúng, vừa là nơi diễn ra các hoạt động của làng. Chính vì vậy, bên cạnh sự uy nghiêm, đình làng còn có sự gần gũi ấm áp và thân quen đối với mỗi người dân. Trải qua bao thăng trầm của thời gian và lịch sử, đình Phú Nông vẫn là nơi để người dân gửi gắm niềm tin sau những tháng ngày lao động vất vả.

 

Đình Phú Nông. Ảnh: QUANG LÊ

 

Sợi dây gắn kết cộng đồng

 

Trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt, đình làng không chỉ đơn thuần là nơi thờ cúng linh thiêng, là không gian sinh hoạt văn hóa, tâm linh mà còn là sợi dây gắn kết cộng đồng, là thiết chế văn hóa tín ngưỡng trong dân gian. Đình chính là ngôi nhà chung của cộng đồng làng xã người Việt đã xuất hiện từ rất lâu đời. Ở Phú Yên, đình Phú Nông cũng mang đầy đủ những ý nghĩa đó.

 

Đình Phú Nông xây kiểu nhà cấp 4, gồm có 3 gian, tường gạch, cột và xà đúc bê tông cốt thép, mái lợp ngói tây. Chiều cao đình tính từ nền lên đến giọt tranh là 3,2m, lên đến đình nóc là 3,98m. Diện tích 4,86m (ngang) x 4,26m (dọc), nền láng xi măng. Mặt tiền của đình Phú Nông không có hành lang, vì thế cửa đình mở thẳng ra sân.

 

Đình mở 3 cửa tương ứng với 3 gian. 3 cửa có kích thước bằng nhau, rộng 1,2m, cao 2m, phía trên cuốn hình vòng cung. Phía trên cửa chính có 3 chữ Hán lớn “Phú Nông đình”, phía dưới 3 chữ Hán ghi năm 1871. Các trụ hai bên cửa đều trang trí câu đối bằng chữ Hán. Trên bờ nóc mái đình đắp hình rồng theo mô típ “lưỡng long tranh châu”. Đình có vai trò quan trọng là nơi thờ Thành hoàng làng, nơi tổ chức tế lễ cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi, để Thành hoàng cũng như các vị thần hiển linh giúp đỡ, phù hộ người dân bình an, no ấm.

 

Đình Phú Nông cùng với các di tích lẫm Phú Nông, miếu Song Thờ và một số tài liệu Hán Nôm, như hệ thống sắc phong, tài liệu về địa bạ của thôn Phú Nông được lập từ năm Gia Long thứ 9 (1811) là những chứng tích vật chất phản ánh quá trình hình thành cộng đồng dân cư người Việt ở thôn Phú Nông, xã Hòa Bình 1 nói riêng và vùng đồng bằng Tuy Hòa nói chung trong tiến trình lịch sử. Đình Phú Nông được xếp hạng di tích văn hóa - lịch sử cấp tỉnh là minh chứng cho sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của những người đi trước, của cán bộ và người dân thôn Phú Nông, xã Hòa Bình 1 trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của di tích.

 

Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Bình 1 Lương Tấn Ngãi, người dân thôn Phú Nông rất phấn khởi và tự hào khi đình Phú Nông được xếp hạng di tích văn hóa - lịch sử cấp tỉnh. Thời gian tới, xã và các thôn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, để nơi đây sẽ là điểm đến tham quan, giáo dục truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam cho các thế hệ mai sau, góp phần chung tay cùng ngành VHTT&DL giữ gìn và phát huy hiệu quả các di tích ở địa phương.

 

Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa Phan Công Trinh cho biết: Cũng như nhiều nơi khác, lễ tế đình hằng năm là hoạt động văn hóa, tín ngưỡng quan trọng nhất ở thôn Phú Nông. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hoạt động thờ cúng tại đình bị gián đoạn. Từ sau năm 1975, lễ tế đình Phú Nông được người dân tổ chức trở lại vào ngày 21 tháng Giêng hằng năm.

 

Thông qua hoạt động này, người dân bày tỏ sự tri ân với những vị thần và những người đi trước, cầu mong bình an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, thể hiện tính gắn kết cộng đồng. Tại đình Phú Nông có 6 sắc phong, trong đó 2 sắc thuộc đời vua Tự Đức, 1 sắc thuộc đời vua Đồng Khánh, 1 sắc thuộc đời vua Duy Tân và 2 sắc thuộc đời vua Khải Định.

 

Những sắc phong này có nội dung liên quan đến phong tục, tín ngưỡng của người dân địa phương, là nguồn tư liệu có giá trị về nhiều mặt để nghiên cứu về lịch sử, văn hóa của thôn Phú Nông, xã Hòa Bình 1 nói riêng cũng như của vùng đất Phú Yên nói chung.

 

Đảng ủy, UBND xã Hòa Bình 1 tiếp tục chỉ đạo, thực hiện tốt công tác bảo vệ nguyên trạng di tích Đình Phú Nông, từng bước trùng tu, tôn tạo nhằm đảm bảo tính bền vững và tồn tại lâu dài của di tích. Địa phương cũng quan tâm gìn giữ các sắc phong từ thời nhà Nguyễn, vì đây là những cổ vật có giá trị về lịch sử văn hóa.

 

Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa Phan Công Trinh

 

THÙY THO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Quê hương Phú Yên tươi đẹp
Thứ Năm, 11/07/2024 14:00 CH
Đến với Phú Yên
Chủ Nhật, 07/07/2024 08:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek