Sau một năm miệt mài với những chuyến điền dã, nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Nguyễn Ðình Chúc hoàn tất công trình Văn hóa dân gian huyện Ðồng Xuân. Sau NXB Tự điển bách khoa, công trình này tiếp tục được NXB Ðại học quốc gia Hà Nội giới thiệu đến bạn đọc cả nước.
Lễ hội đâm trâu của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đồng Xuân - Ảnh: L.MINH |
Tập sách Văn hóa dân gian huyện Đồng Xuân dày gần 550 trang, khổ 14,5 x 20,5cm. Sau phần giới thiệu khái quát về Đồng Xuân, huyện miền núi ở phía tây bắc Phú Yên, hậu cứ của phong trào Cần Vương chống Pháp, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc lần lượt giới thiệu về các di tích văn hóa lịch sử, văn hóa sinh tồn, văn hóa xã hội, văn hóa nghề nghiệp, đời sống tinh thần, văn nghệ dân gian, tri thức dân gian và trò chơi dân gian. Ở đề mục Di tích văn hóa lịch sử, nhà nghiên cứu 74 tuổi này đưa người đọc đi từ các đình, chùa, miếu, mộ, nhà thờ ở Đồng Xuân, sức lan tỏa của phong trào Tây Sơn đến huyện Đồng Xuân, với những “đội quân ở trần đóng khố, đi đầu xung trận”, đến căn cứ Hòn Ông và Nguyễn Bá Sự, căn cứ La Hiên với Võ Trứ và Trần Cao Vân trong phong trào chống Pháp, di tích lịch sử Nơi thành lập chi bộ đầu tiên, di tích lịch sử Suối Cối, những ngôi trường, những chợ phiên buổi đầu.
Phần Văn hóa sinh tồn nghiên cứu về nếp sống của người Kinh và đồng bào dân tộc Chăm H’roi, Ba Na sống trên vùng đất tựa lưng vào dãy Trường Sơn. Phần Văn hóa xã hội nói về tổ chức làng xã của đồng bào Kinh và các dân tộc thiểu số, những nhân vật - sự kiện. Những phong tục - tín ngưỡng và các lễ tá thổ (cúng đất), rước sắc thần, tế thần đình làng và cúng tiền hiền được đề cập khá chi tiết ở phần Đời sống tinh thần.
Điểm nhấn của Văn hóa dân gian huyện Đồng Xuân nằm ở 3 nội dung: Văn nghệ dân gian, Tri thức dân gian và Trò chơi dân gian. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc đã dày công sưu tầm những chuyện kể dân gian về vùng đất và con người Đồng Xuân, như chuyện kể về dinh Ông và Nguyễn Hào Sự - người đã cùng 12 bộ tướng quyết không đầu hàng khi bị giặc bắt, bị xử tử ở bãi Cát Tuần và bêu đầu ở bến Cây Dừa, chuyện sông Kỳ Lộ và huyền thoại về vua Chi Lới… Song song đó, ông còn sưu tầm rất nhiều câu ca dao được lưu truyền trong dân gian: “Đồng Xuân núi tiếp xây thành/ Suối xanh nước biếc như tranh họa đồ”, “La Hai thung lũng mù sương/ Sáng sớm ra ngõ rét run cả người”, “Tiếng đồn chợ Xổm nhiều khoai/ Đất đỏ nhiều bắp, La Hai nhiều đường”, “Quê tôi có chợ Đông Thành/Có hòn Núi Một đứng canh giữa đồng”, “Chiều chiều mây phủ Gò Gà/ Lòng ta thương bạn, nước mắt và lộn cơm”…
Cùng với đó là những câu hò chào (đối đáp) dí dỏm có, suy tư có, qua đó những đôi trai gái ngày xưa thổ lộ lòng mình với người thương: “Ngọn gió thổi qua xiêu ba hàng cột/ Ngọn gió thổi vào thương một mình em/ Em mồ côi anh cũng mồ côi/ Hai cha chết sớm còn đôi mẹ già/ Biết làm sao ăn ở một nhà/ Anh cày, em cấy, mẹ già đem cơm…”. Những câu hát tưởng như bị lãng quên trong lớp lớp thời gian, đã được cựu giáo viên Văn (Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh) sưu tầm, đưa vào các trang sách. Những câu hát giúp cho thế hệ sau hiểu được phần nào cuộc sống lao động cũng như tâm tư, tình cảm của người xưa.
Sau phần Trữ tình dân gian với rất nhiều câu hát là phần Trí tuệ dân gian, sưu tầm nhiều câu tục ngữ, bài vè, câu đố. Đó là những minh chứng cho trí tuệ, tư duy sắc sảo của người xưa.
Phần Diễn xướng dân gian đề cập đến nghệ thuật tuồng, bài chòi, hát ru, hò đưa linh của người Kinh, chuyện kể, trường ca… của đồng bào Chăm H’roi, Ba Na. Âm nhạc của các dân tộc và các loại hình nghệ thuật: điêu khắc, hội họa, múa… được đề cập chi tiết ở phần Nghệ thuật dân gian.
Văn hóa dân gian huyện Đồng Xuân không chỉ giúp độc giả hiểu thêm về văn hóa dân gian của một vùng đất, mà còn tích lũy thêm tri thức dân gian qua kinh nghiệm của đồng bào các dân tộc sống trên mảnh đất này, qua những bài thuốc chữa bệnh. Bênh cạnh đó, các trò chơi dân gian, từ những trò chơi gắn với đồng dao, những trò chơi rèn luyện trí tuệ, thể lực và sự dẻo dai, sự chính xác, khéo léo, nhanh nhẹn đến những trò chơi trong hội làng cũng được nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc sưu tầm và mô tả chi tiết.
Người thầy nặng lòng với vốn quý của người xưa thổ lộ: “Điều tôi tâm đắc khi thực hiện công trình này là hiểu hơn về phong tục tập quán của người Việt và đồng bào các dân tộc thiểu số, hiểu được phong trào cách mạng ở Phú Yên trong những buổi đầu”.
Văn hóa dân gian huyện Đồng Xuân là công trình nghiên cứu thứ năm của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc. Công trình này thuộc dự án Công bố và phổ biến tài sản văn hóa - văn nghệ dân gian các dân tộc Việt
Nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Nguyễn Đình Chúc sinh năm 1937, ở làng Phú Nông, xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa, là hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, hội viên Hội Văn nghệ dân gian và Văn hóa các dân tộc tỉnh Phú Yên. Ông đã đoạt nhiều giải thưởng cao của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trong các năm 1997, 1998, 1999, 2001; giải thưởng VHNT tỉnh Phú Yên lần thứ nhất (1975-2000) và lần thứ hai (2000-2005), đoạt giải A của Ủy ban toàn quốc các hội VHNT Việt Nam năm 2003. Ông có các công trình nghiên cứu: Lược sử Phật giáo và các chùa Phú Yên (đồng tác giả Huệ Nguyễn, xuất bản năm 1999), Câu đố Việt Nam (đồng tác giả Huệ Nguyễn, xuất bản năm 2000), Tìm hiểu địa danh qua tục ngữ, ca dao Phú Yên (xuất bản năm 2001, tái bản lần thứ hai năm 2007), Hò khoan Phú Yên (xuất bản năm 2003, tái bản năm 2010)... cùng nhiều tập thơ, ký in chung.
LÂM VY