Chương trình nghệ thuật phục vụ lễ mít tinh Phú Yên 400 năm sẽ diễn ra sáng 1/4, do Đoàn Ca múa nhạc dân gian Sao biển thực hiện, với quy mô hoành tráng, đậm chất sử thi.
Một tiết mục hát múa của đoàn ca múa nhạc dân gian Sao Biển tham gia đại lễ - Ảnh: M.NGUYỆT |
Với thời lượng 16 phút, chương trình nghệ thuật do nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc, Trưởng đoàn Ca múa nhạc Dân gian Sao Biển biên kịch và tổng đạo diễn, gồm 2 phần: Một thời mở cõi và Rạng rỡ Phú Yên.
Trong tiếng đàn đá, kèn đá dạo đầu, một giọng nói vang vọng: “Bia đá, sử xanh nghìn thu lồng lộng/Yên ngựa câu thơ vạn thuở chẳng mờ”. Màn hát múa đã tái hiện lại thời mở đất. Đó là đoàn người hành hương về vùng đất, nơi vua Lê Thánh Tôn lưng kiếm túi thơ, vó ngựa uy phong, rừng nghinh biển đón, phất cờ mở rộng biên cương. Hình ảnh xuất hiện đầu tiên là núi Đá Bia - trụ đá trời trấn biên Tổ quốc, nơi Chúa Nguyễn Hoàng dừng chân uống nước sông Ba, nhìn núi Chóp Chài, Nhạn Tháp. Đây chính là nơi Phù Nghĩa Hầu Lương Văn Chánh cùng lưu dân lập ấp, khẩn hoang... Với phục trang dân tộc Kinh, Chăm, H’Roi, Ê Đê, Ba Na, quân sĩ..., lớp lớp, người người tay kiếm, tay cờ lẫm liệt lao mình; tay cuốc tay cày khẩn hoang vùng đất mới, chân ngăn từng dòng nước lũ, vật vã kiên trì chống chọi với thiên nhiên để ổn định sản xuất. Các ca khúc thể hiện nội dung này gồm: Dấu tích thời mở cõi của nhạc sĩ Đức Trịnh, Hành phương
Nội dung chủ đề Rạng rỡ non sông diễn cảnh quân và dân Phú Yên đã anh dũng đi qua hai cuộc chiến tranh để có hòa bình ngày nay và xây dựng quê hương. Các bài hát được thể hiện gồm: Bài ca Phú Yên của nhạc sĩ Văn Chừng, Tuy Hòa thành phố phía mặt trời của nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc, Duyên thắm Phú Yên của nhạc sĩ Thanh Hải. Thêm một lần nữa, hình ảnh di chuyển qua sân khấu là cảnh sắc gành Đá Dĩa nối với cánh đồng lúa xanh. Kết thúc chương trình là hình ảnh xe hoa lộng lẫy, diễn viên biểu diễn xung quanh hình tượng này với phục trang của công, nông, binh, sinh viên, trí thức... cùng hoa, quạt, dải lụa tạo một không gian sự hùng tráng.
Chương trình được dàn dựng và tổ chức công phu do nghệ sĩ ưu tú Hữu Từ biên đạo, với sự tham gia của 150 diễn viên của Đoàn Ca múa nhạc dân gian Sao Biển cùng với các cộng tác viên Trường Đại học Phú Yên, Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên... sẽ đem đến cho người xem một không gian toàn diện, sống động với những cảm xúc thực tế để được hòa mình sống lại những thời khắc đã từng ghi dấu ấn trong thời kỳ bảo vệ và xây dựng quê hương Phú Yên.
Nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc cho biết: “Nếu chương trình diễn ban đêm thì có sân khấu, ánh đèn và những thứ hỗ trợ như phong cảnh, phục trang... Còn chương trình này diễn ban ngày, lại khống chế chỉ 15 phút nhưng nội dung nói về Phú Yên 400 năm thì rất khó. Do thời lượng ngắn nên chương trình không thể tạo điểm nhấn riêng mà cả chương trình là sự xuyên suốt, thể hiện những gì súc tích, cô đọng nhất trong 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển”.
LÊ MAI