Tên thật của ông là Lưu Văn Dự. Nghệ danh Đoàn Dự là do những người bạn cùng thời đặt để gợi nhớ đến một nhân vật lãng mạn trong tiểu thuyết Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung - một cuốn sách thịnh hành lúc bấy giờ. Nhân vật này vốn là bậc vương tử, từ bỏ ngôi vị để suốt đời lặn lội tìm kiếm người mình yêu trong khắp chốn giang hồ. Cái tên tưởng bạn bè đặt chơi, không ngờ một bữa nọ mời ông diễn ở rạp Quốc Thanh, bạn bè viết “nghệ sĩ Đoàn Dự” thay cho Lưu Văn Dự trên tấm băng rôn quảng cáo to đùng treo trước rạp. Nghệ danh Đoàn Dự theo ông từ đó.
Nghệ sĩ Đoàn Dự với tiết mục chơi đàn guitar bằng miệng - Ảnh: T.DÂN |
NGHỊ LỰC CỦA MỘT NGƯỜI TẬT NGUYỀN
Năm lên 6 tuổi, sau một cơn sốt bại liệt, đôi chân của cậu bé Lưu Văn Dự bỗng dưng teo dần rồi liệt hẳn. Sinh trưởng trong một gia đình đông anh em, bố mẹ ngày đêm cần mẫn, lao lực mà cuộc sống vẫn không khấm khá trong khi bản thân lại tật nguyền khiến Đoàn Dự tự thấy mình như là gánh nặng của người thân, nhiều lần ông mang nỗi mặc cảm, bất lực dày vò tìm đến cái chết. Để rồi sau những lần tự vẫn không thành, Đoàn Dự càng thu khép mình hơn với cuộc sống buồn tẻ trên căn gác nhỏ của gia đình, tránh giao du, tiếp xúc với bạn bè, người lạ.
Bấy giờ, người anh ruột của Đoàn Dự là nhạc sĩ Dũng Đạt thi thoảng mời bạn bè tụ tập tại nhà để cùng nhau chơi đàn. Ngồi trên gác xép, không biết làm gì nên Đoàn Dự nằm tập trung nghe lén tiếng đàn của các anh. Càng nghe càng cuốn hút và mê mẩn, để rồi tranh thủ khi mọi người vắng nhà, Đoàn Dự lấy trộm chiếc guitar của anh ra tập luyện. Sau nhiều lần bắt gặp, thương em, các anh của Đoàn Dự hướng dẫn em luyện tập từng nốt nhạc. Cộng với sự mày mò, chịu khó, tiếng guitar của Dự mỗi ngày một điêu luyện hơn. Tiếng đàn ấy trở thành người bạn thân của Dự, giúp tìm thấy niềm vui và như trút bỏ hết nỗi tủi thân, buồn bực. 14 tuổi, Đoàn Dự đã được các anh dẫn theo biểu diễn tại các rạp hát và phòng trà ca nhạc, được giới thiệu gảy đệm cho ca sĩ hát. Dù vậy, mặc cảm với đôi chân tật nguyền, Đoàn Dự hầu như không bao giờ chịu ra đứng trước sân khấu mà ngồi ôm cây đàn, nép mình trong cánh gà để biểu diễn các ngón đàn tuyệt kỹ. Mãi sau này, khán giả mới nhìn thấy bóng dáng của Dự - một cậu bé nhỏ nhắn với đôi nạng gỗ, ôm guitar ra biểu diễn. “Đó là lúc tôi nhận ra mình không nên xấu hổ với khuyết tật của mình. Khán giả biết tiếng đàn của tôi thì cũng có quyền được biết tôi trong bộ dạng ấy”, Đoàn Dự chia sẻ.
Cuộc sống nghệ thuật tưởng sẽ dừng lại đó. Thế nhưng, một ngày bạn bè tỏ ý lo ngại cho Đoàn Dự khi nghệ sĩ đánh guitar ngày càng nhiều, tiếng đàn của Dự sẽ “lẫn trong đám đông” nếu không có sự mới lạ và đột phá. Trằn trọc, nghĩ suy. Cuối cùng Dự quyết định nghe theo “độc chiêu” của một người bạn: học đánh đàn bằng răng. Nhưng để đàn bằng răng đâu phải chỉ ngày một ngày hai. Đó là cả một sự khổ luyện và kiên nhẫn.
Kể về những ngày đầu tập luyện, Đoàn Dự cho biết: “Đó là chuỗi ngày cực khổ khi dùng hàm răng của mình cắn trên những dây đàn để cho ra nốt nhạc. Thời gian ấy, chuyện bị điện giật ê răng không ăn uống được và dây đàn bị đứt bắn lên miệng, làm toét môi, chảy máu là bình thường”. Vậy nhưng niềm khát khao được mang tiếng đàn cống hiến, được biểu diễn trước công chúng khiến Đoàn Dự chưa một lần có ý nghĩ nản lòng hay bỏ cuộc, ông vẫn ngày đêm tập luyện, ngày nào “bị thương” thì nghỉ tập, đỡ đau lại mang đàn ra luyện tiếp. Ban đầu, ông chỉ đánh được vài ba nốt, sau đó chơi được đến nửa bài, một bài… Và bây giờ, cái tên Đoàn Dự với tiết mục đánh guitar bằng răng trở nên nổi tiếng. Ông được mời tham dự các chương trình đại nhạc hội và được mời đi biểu diễn nhiều nơi trong cả nước.
HẠNH PHÚC HIỆN TẠI
Đoàn Dự là một nghệ sĩ khá… điển trai. Vì vậy, trong suốt những năm tháng hành nghề, ngoài những lá thư của người hâm mộ là nguồn động viên quý giá, ông còn nhận được không ít lời… tỏ tình, ngỏ ý thương yêu của nhiều nữ khán giả. Tự thấy mình cũng vài ba lần vương mang với những mối tình dọc đường lưu diễn, thế nhưng, mỗi khi về đến nhà, nhìn người vợ thân yêu đã cùng gắn bó, sẻ chia và vượt qua biết bao gian khó, Đoàn Dự thấy mình có lỗi, ông dặn lòng phải gạt hết bao xúc cảm xao lòng bên ngoài bằng cách… khai ra với vợ. Sự sẻ chia chân thật ấy kéo ông về với gia đình, vợ chồng thêm khắng khít giúp ông không một lần vấp ngã. Đoàn Dự kể về vợ với tất cả sự trân trọng, biết ơn: “Người ta đã không chê mình nghèo và tật nguyền mà tìm đến thì không lý gì mình lại làm tổn thương người ta. Có được một người vợ chịu thương chịu khó và cả chịu… thiệt như vậy thì sao mình nỡ…”. Đoàn Dự chia sẻ, cái nghề của ông không kiếm được nhiều tiền, cuộc sống đôi lần rơi vào túng quẫn nên vợ ông phải đôi lần đi làm thuê làm mướn, đi nấu ăn trên tàu để xoay xở khiến ông đau lòng. Và 3 lần bà trở dạ đau đớn, hẳn thấy tủi thân khi không được chồng đưa đến bệnh viện bởi ông bất lực với đôi chân của mình.
Bây giờ, trong ngôi nhà nhỏ trong con hẻm hẹp nằm trên đường Pasteur (quận 1, TP Hồ Chí Minh), nghệ sĩ Đoàn Dự có một cuộc sống khá bình dị. Ngoài việc biểu diễn chính ở một nhà hàng tiệc cưới tận quận Thủ Đức có con trai đưa đón, Đoàn Dự còn mở các khóa dạy đàn tại nhà cho các em thiếu nhi. Lớp học ấy không những dạy đàn mà còn dạy cả nghị lực, sự quyết tâm và biết vươn lên để không bị khuất phục bởi tật nguyền, mặc cảm... Căn nhà chưa đến 20m2 của anh có đến… 3 thế hệ cùng sinh sống, “Chật một chút nhưng vui, ngoài tiếng đàn còn có tiếng bi bô con trẻ. Cuộc đời vậy là hạnh phúc!”, Đoàn Dự nói.
TUYẾT DÂN