Thứ Sáu, 24/01/2025 08:44 SA
Côn Sơn vào hội
Thứ Bảy, 12/02/2011 09:00 SA

Hàng năm, bắt đầu từ mùng 10 tháng Giêng, Côn Sơn (huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) đón khách thập phương trẩy hội. Theo tục xưa, lễ hội bắt đầu từ rằm tháng Giêng đến ngày 22 thì kết thúc song ngày nay, bắt đầu từ mùng 10 đến hết tháng Giêng, hầu như ngày nào nơi đây cũng là ngày lễ hội.

 

Con-Son110212.jpg

Quang cảnh lễ hội ở Côn Sơn.

 

Hấp dẫn du khách thập phương trước hết vì Côn Sơn gắn bó mật thiết với cuộc đời của Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi (1380 - 1442), và là một vùng danh lam cổ kính nổi tiếng. Từ 600 năm trước, Nguyễn Phi Khanh (thân phụ Nguyễn Trãi) đã mô tả: Khói đầu non, ráng ngoài đảo, gấm vóc phô bày, hoa dọc suối, cỏ ven rừng, biếc hồng phấp phới. Bóng mát để nghỉ, chỗ vắng để ngồi, mùi thơm để ngửi, sắc đẹp để xem. Phàm những hình ảnh trong mát, hợp với tai mắt người ta ở đây đều có cả. Sau đó, Nguyễn Trãi lại mô tả bằng thơ:

 

Côn Sơn suối chảy rì rầm

Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai

 

Ngày nay, di tích Côn Sơn được tu tạo, khiến phong cảnh càng thêm thơ mộng. Ngôi đền thờ Nguyễn Trãi được tỉnh Hải Dương xây dựng và khánh thành vào mùa thu năm 2002 càng làm cho khu thắng cảnh này thêm hùng vĩ.

 

Đường vào Côn Sơn từ nhiều ngả, đều được đầu tư kinh phí trải nhựa, chung quanh chùa có rừng thông cổ kính, ngoài ra còn có vườn thực vật với nhiều giống cây quý hiếm. Cổng chùa có hồ Bán Nguyệt, xa hơn nữa có hồ Rừng Sành là nơi vui chơi du lịch hấp dẫn. Cây vải thiều Thanh Hà được các nhà sư trồng kín quanh vườn chùa, tỏa bóng sum suê. Du khách đến Côn Sơn vào bất cứ mùa nào cũng thấy không khí mát lành, bởi nơi đây tấm thảm thực vật che kín cả không gian. Vào những ngày đầu xuân mưa lất phất, nắng hửng nhẹ, mây nhởn nhơ bay thấp, cây cối đua nhau nảy lộc, không gian ở Côn Sơn càng mát dịu tưởng như trời đất hòa quyện với nhau. Đi dưới mặt đất mà tay có thể với được những giải mây bồng bềnh. Nếu bạn leo lên sườn núi thì người bạn có thể lẫn trong mây.

 

Chùa Côn Sơn ở dưới chân núi Kỳ Lân. Ngày xưa dân trong vùng thường lên núi lấy củi mang xuống chân núi gần chùa đốt than, quanh chùa khói luôn nghi ngút, nên chùa còn được gọi là chùa Hun. Qua mái tam quan vào sân chùa, du khách còn gặp những cây đại già mà các nhà sử học cho rằng có từ thời Trần Nguyên Đán. Những cây đại này không đứng thẳng mà nằm gần như ngang với mặt đất, bởi vì những thân chính đã quá già nên gãy đổ, chỉ còn những nhánh mới phát triển sau này, nhưng giờ đây cũng đã là cổ thụ. Tại sân chùa này, du khách được chiêm ngưỡng những tấm bia dựng từ thời cổ, trong đó có một tấm bia Bác Hồ đã đọc khi Người về thăm Côn Sơn vào mùa xuân năm 1962.

 

Đã đến Côn Sơn, du khách không thể không leo lên sườn núi Kỳ Lân thơ mộng. Chẳng biết từ bao giờ đỉnh núi này được gọi là Bàn Cờ Tiên. Tương truyền nơi đó có một bàn cờ bằng đá, vào những ngày đẹp trời, cả một bầy tiên nữ từ trên mây hạ xuống chơi cờ. Còn sườn bên phải núi Kỳ Lân, nơi Nguyễn Trãi dựng nhà dạy học, nay vẫn còn dấu tích nền nhà xưa cùng với phiến đá lớn mà nhân dân địa phương thường gọi là Thạch Bàn, hay còn gọi là hòn đá năm gian (rộng bằng 5 gian nhà), nơi Nguyễn Trãi từng ngồi ngâm ngơ, đọc sách.

 

Sau chùa Côn Sơn có một vườn tháp, là nơi an nghỉ của nhiều vị sư từng trụ trì tại chùa. Lên cao hơn một chút bạn gặp một giếng nhỏ có tên là giếng Ngọc. Ở ngang sườn núi nhưng nước giếng lúc nào cũng gần đầy và trong vắt. Cạnh đó là tháp Huyền Quang, nơi đặt xá lỵ của Huyền Quang, vị tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm. Thiền sư Huyền Quang tên thật là Lý Đạo Tái, năm 1275 ông thi đỗ Thái học sinh, được chọn Tam khôi và ra làm quan dưới triều vua Trần Thánh Tông. Về cuối đời, do có duyên đạo nên năm 1305 ông xin vua cho từ quan, xuất gia tu hành. Năm 1305, ông được thiền sư Pháp Loa - vị tổ thứ hai trao cho thiền pháp. Từ đó, ông trở thành vị tổ thứ ba của phái Trúc Lâm. Ngày 22 tháng Giêng năm Giáp Tuất (1334), thiền sư viên tịch tại Côn Sơn. Vua Trần Minh Tông cấp 10 lạng vàng để xây tháp và đặc phong là Huyền Quang tôn giả. Ngày giỗ tổ của chùa Côn Sơn và cũng là nguồn gốc ra đời lễ hội mùa xuân Côn Sơn, một lễ hội thu hút rất đông Phật tử và khách thập phương đi dâng hương, niệm Phật cầu phúc, cầu tài, cầu lộc và vãn cảnh chùa.

 

Nếu như Côn Sơn có lễ hội vào mùa xuân thì đền Kiếp Bạc có lễ hội vào mùa thu. Lễ hội được xem có quy mô lớn nhất châu thổ sông Hồng này diễn ra tại đền Kiếp Bạc - nơi thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Ông thuộc dòng dõi tôn thất nhà Trần. Ông sinh ra trong thời kỳ đầu nhà Trần khởi nghiệp. Suốt cuộc đời, ông đã phụng sự 4 đời vua thịnh trị, mở ra một thời đại rực rỡ - nhà Trần - trong lịch sử dân tộc. Ông đã góp phần quan trọng làm nên thắng lợi cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông của nhân dân nhà Trần ở thế kỷ thứ XIII, giữ vững nền độc lập cho dân tộc. Ông là người văn võ song toàn, trung hiếu tiết nghĩa, luôn là tấm gương sáng cho muôn đời sau học tập. Thời chiến ông dựa vào địa thế Vạn Kiếp để canh giữ cửa ngõ Đông Bắc cho kinh đô Thăng Long. Ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý, tức năm Hưng Long thứ 8 (1300) Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn mất tại tư dinh Vạn Kiếp. Vua Trần cho lập đền thờ ông ngay trên nền vương phủ, gọi là Hưng Đạo Vương từ. Nhân dân thập phương quen gọi là đền Kiếp Bạc.

 

YÊN LAN (tổng hợp)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek