Về thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), qua cầu Kiên Mỹ bắc qua con sông Kôn đến với Bảo tàng Quang Trung, ai cũng có thể cảm nhận được linh khí núi sông của vùng đất từng sinh ra những anh hùng áo vải Tây Sơn.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Thuận biểu diễn trống trận Tây Sơn tại Bảo tàng Quang Trung - Ảnh: T.Q |
Với 11.057 tư liệu hiện vật gốc và hàng trăm hiện vật phục chế về nhà Tây Sơn, Bảo tàng Quang Trung được coi là nơi sở hữu kho tư liệu, hiện vật phong phú nhất về một thời đại lừng lẫy và vị vua kiệt xuất trong lịch sử dân tộc. Thế nhưng, sau hơn 200 năm, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể lý giải những điều bí ẩn về người anh hùng “áo vải cờ đào” Quang Trung - Nguyễn Huệ như bí mật của cuộc hành quân thần tốc ra Bắc đánh 29 vạn quân Thanh xâm lược hay cái chết bất ngờ của ông khi đại sự còn dang dở…
Các giáo sĩ phương Tây mô tả cách hành binh đánh trận của Nguyễn Huệ như sau: Tướng như từ trên trời rơi ruống, quân thì như dưới đất chui lên, hành quân như nước thủy triều dâng. Chỉ trong vòng 40 ngày đêm, Quang Trung Nguyễn Huệ đã lập nên kỳ tích chuẩn bị binh lực, hành binh thần tốc ra đến Thăng Long để đánh đuổi quân Thanh, chấm dứt họa xâm lược phương Bắc. Quang Trung được so sánh với các vị tướng tài ba lỗi lạc trên thế giới như Alexan đại đế, Napoleon… Lịch sử cho thấy, Nguyễn Huệ chưa thất bại một trận đánh nào, đã ra quân là đánh thắng và thắng một cách thần tốc: đánh bại quân Xiêm ở phía Nam chỉ trong một đêm với trận Rạch Gầm - Xoài Mút và đập tan quân Thanh phương Bắc chỉ 5 ngày với trận Ngọc Hồi - Đống Đa.
Đến thăm Bảo tàng Quang Trung, không thể không thưởng thức tiết mục “Trống trận Tây Sơn”. Võ thuật và trống trận là hai di sản phi vật thể lớn của nhà Tây Sơn. Tương truyền, Nguyễn Huệ sáng tạo Yến phi quyền, Độc lư thương, Nguyễn Lữ sáng tạo Hùng kê quyền, được coi là những độc chiêu của võ thuật Bình Định. Chính Nguyễn Huệ đã chủ trương đưa nhạc trống vào khích lệ ba quân chiến đấu, còn truyền lại ngày nay với tên gọi Trống trận Quang Trung. Bởi vậy, biểu diễn võ, nhạc đã trở thành một phần không thể thiếu của Bảo tàng Quang Trung. Nhạc và võ hòa chung, trong nhạc có võ, trong võ cũng đầy chất nhạc.
Ngày nay, đến thăm Bảo tàng Quang Trung, du khách được nghe kể về chuỗi chiến thắng hào hùng của vị vua kiệt xuất thao lược Quang Trung - Nguyễn Huệ, tham quan những chứng tích, sử liệu, những binh khí thô sơ nhưng hiệu quả của nghĩa quân, công trạng của bá quan văn võ triều Tây Sơn…
Càng xúc động hơn khi vẫn còn đây cây me xanh um, giếng nước đá ong rêu phủ và bến Trường Trầu bên dòng sông Kôn, nơi anh em nhà Tây Sơn dấy binh mưu nghiệp lớn. Theo những người dân địa phương, dù nắng hạn đến đâu, sông Kôn không còn nước thì nước trong giếng vẫn không bao giờ cạn. Nước giếng trong vắt, uống vào mát lạnh. Người dân nơi đây tin rằng uống nước với tất cả lòng thành kính có thể chữa được bệnh và gặp nhiều may mắn.
QUỲNH MAI