Thứ Ba, 04/02/2025 07:41 SA
Lễ hội bài chòi:
Nét đẹp văn hóa dân gian
Chủ Nhật, 29/08/2010 07:30 SA

Một lễ hội bài chòi truyền thống vừa được phục dựng tại thôn Phú Ân, xã Hòa An (huyện Phú Hòa), thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân trong huyện và cán bộ văn hóa các huyện đồng bằng.      

 

 

bai-choi-2100828.jpg

Người hô hiệu trong hội bài chòi - Ảnh: K.CHI

 

“SỐNG” LẠI CẢNH “NGỒI CHÒI” TRUYỀN THỐNG

 

Sáng 22/8, vùng quê yên bình ở xã Hòa An trở nên rộn ràng bởi rất lâu mới có một hội bài chòi đúng nghĩa được tổ chức. Ngay từ tờ mờ sáng, các cụ cao niên cùng lớp trẻ ở Phú Ân và các thôn lân cận như Ân Niên, Phú Lộc (xã Hòa Thắng) rủ nhau đi bộ xuống sân kho thôn Phú Ân. Nơi diễn ra hội bài chòi là một bãi đất trống bằng phẳng, bất cứ ai đi ngang qua đều có thể ghé vào xem và tham gia.

 

Khởi đầu, các vị bô lão trong làng làm lễ tế thần Nông với cơm trắng, muối và ngũ quả. Thầy lễ cũng sẽ khấn, cung thỉnh thành hoàng, thổ địa… về chứng kiến. Sau đó, thầy lễ xin các đẳng thần cho phép khai hội. Một bô lão trong làng đánh 3 hồi trống khai hội bài chòi. Tiếng trống vừa dứt, đờn, kèn, mõ, trống con, trống cái… nổi lên rộn rã.

 

Được “ngồi chòi” đúng nghĩa, nhiều người lớn tuổi rất thích thú. Bà Phan Thị Điền, 65 tuổi, ở thôn Phú Ân, nói: “Vui lắm! Lâu lắm mới có một hội bài chòi bài bản như vậy, mấy người hát hay quá! Thường thì tết cũng có bài chòi nhưng họ chỉ hô như hô lô tô và ngồi trên đất chứ không có chòi như thế này”. Cụ Nguyễn Thị Lợi, 64 tuổi, “ngồi chòi” nhưng mỗi lần thấy chòi bạn trúng liền vui vẻ gõ mõ tre để chúc mừng. Cụ nói: “Nếu năm nào cũng có hội bài chòi như thế này chắc là vui lắm!”.

 

NÉT ĐẸP VĂN HÓA DÂN GIAN

 

Ông Dương Thái Nhơn, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian và Văn hóa các dân tộc Phú Yên cho biết: Bài chòi được hình thành và phát triển trên đất Bình Định và Phú Yên từ sau những năm Nam tiến (tức sau năm 1470) đến những năm 60 của thế kỷ XX, đã đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa của vùng đất Nam Trung bộ. Những năm gần đây, có một vài nơi tổ chức khác đi, từ cách dựng chòi đến cách hô hiệu, cách chơi…, có khả năng làm cho lớp trẻ hiểu sai lệch về nét văn hóa đặc sắc của hội bài chòi. Với mong muốn gìn giữ hội bài chòi truyền thống đúng nghĩa để bà con nhân dân ở các địa phương có một trò chơi dân gian bổ ích, đồng thời bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể ở Phú Yên có nguy cơ mai một, chúng tôi đã nhờ Quỹ Bảo tồn nghệ thuật văn hóa dân gian hỗ trợ để phục dựng lại lễ hội bài chòi truyền thống, không để người dân hiểu bài chòi cứ như là hô lô tô, mất hết ý nghĩa nhân văn của hoạt động văn hóa này.

 

Sau gần 5 tháng Hội Văn nghệ dân gian và Văn hóa các dân tộc Phú Yên cất công sưu tầm, tìm kiếm, hội bài chòi truyền thống đã được phục dựng. Ông Dương Thái Nhơn cho biết: Theo truyền thống, hội bài chòi chỉ được tổ chức vào mùa xuân, dịp tết hay vào lúc nông nhàn. Hội phải được tổ chức trên một bãi đất rộng. Và để có một hội bài chòi, phải có 9 hoặc 11 hoặc 13 chòi làm bằng tre; bộ bài được làm bằng cách chẻ tre làm thẻ, cắt từng con bài để dán lên. Ngoài ra còn phải chuẩn bị cờ thưởng, người chạy hiệu, ban nhạc, khay, bình và chén rượu để dâng khi có chòi trúng; định ra thể lệ chơi bài chòi.

 

bai-choi.100828.jpg

Tặng quà và rượu cho người trúng - Ảnh: K.CHI

 

Tên các chòi được đặt theo bát quái đồ trong Kinh Dịch: Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài, Càn và chòi trung. Nếu có 11 chòi thì sẽ đặt tên theo thập can: Ất, Giáp, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quí và chòi trung. Chòi trung rất đặc biệt, là chòi chủ đạo, chỉ để dành cho các hương chức, những người có vai vế hay các bô lão trong làng mua thẻ ngồi chơi cùng (đẳng cấp được phân biệt khá rõ nét trong lối đánh bài chòi ngày trước). Chòi luôn được dựng theo hướng đông (hướng của quẻ Đoài, có nghĩa vui vẻ, hòa thuận); ở khoảng đất giữa các chòi, người ta dựng một cây tre cao còn đọt lẫn lá, trên đó treo lá phướn, có gắn ống xóc để người hô hiệu bốc các lá bài, xóc và rút ra rồi hô tên bài thông qua các câu thai (lời hát).       

 

Hô bài chòi là phần rất khó, đòi hỏi người hô phải có tài ứng biến linh hoạt và có khiếu văn chương, am hiểu văn hóa địa phương. Anh Phùng Long Ẩn, 47 tuổi, người hô hiệu cho biết, anh làm công việc này đã gần 30 năm. Trước khi hát, anh phải tìm hiểu văn hóa, đặc trưng của địa phương nơi sẽ diễn hội bài chòi rồi ứng biến vào trong các câu thai để gần gũi và sinh động hơn, thu hút được sự chú ý của bà con hơn. Và điều đặc biệt là có thể làm cho người chơi hội bài chòi thấy được tài ứng biến linh hoạt, thấy được hình ảnh quê hương mình trong một trò chơi văn hóa đầy ý nghĩa. Theo lời anh Ẩn, cách hô bài chòi dựa vào 4 làn điệu như: xuân nữ, xàng xê, cổ bản, hò Quảng. Với những làn điệu này, người hô dựa vào hoàn cảnh, tính chất, tình cảm, nội dung và đối tượng để sử dụng cho phù hợp và ứng với các con bài.

 

Trong hội bài chòi truyền thống, tính thắng thua rất ít, thưởng chủ yếu vẫn là rượu. Chòi nào đủ 3 lá trúng thì dùng mõ gõ một hồi để báo mình tới. Người trúng sẽ được chủ bưng khay rượu tới chúc mừng và hoàn lại số tiền bỏ ra mua lá bài. Sức hấp dẫn, lôi cuốn của bài chòi chính là sự kết hợp một cách hài hòa giữa nghệ thuật biểu diễn sân khấu dân gian và tính giải trí trên nền nhạc dân tộc, đệm bằng tiếng trống chầu, đờn cò, kèn.     

 

Ông Đoàn Việt Hùng, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phú Yên, nói: Những hoạt động văn hóa truyền thống như bài chòi, nếu được gầy dựng và tổ chức một cách bài bản, chắc chắc sẽ thu hút giới trẻ và họ sẽ nhận ra giá trị đích thực của di sản văn hóa phi vật thể này.

 

KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek