Cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật chủ đề “Vì cuộc sống bình yên” do Công an tỉnh Phú Yên phối hợp Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức đã khép lại. Từ tháng 11/2009 đến hết tháng 7/2010, ban tổ chức nhận được 151 tác phẩm của 67 tác giả trong và ngoài tỉnh tham gia. Hình ảnh của người chiến sĩ công an được các tác giả khắc họa một cách rõ nét, sinh động ở nhiều khía cạnh khác nhau, trong công tác cũng như trong đời thường.
Trao giải cho các tác giả đoạt giải nhất - Ảnh: N.KHANG |
Ở thể loại bút ký, hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân “vì nước quên thân - vì dân phục vụ” được khắc họa rõ nét. Bút ký đoạt giải nhất Người đi bắt “ma lai” ở nhiều buôn làng của Phan Văn Lương khắc họa chân dung một sĩ quan công an thuộc dân tộc ít người đang công tác ở địa bàn miền núi tuy vất vả về nhiều phương diện, nhưng bằng tấm lòng đối với đồng bào mình, dân tộc mình, anh đã lặn lội ngược xuôi chiến đấu trên một mặt trận không tiếng súng nhưng vô cùng gian nan: hủ tục lạc hậu. Đó là tệ “bắt ma lai” được hình thành từ những tư duy mơ hồ, không có căn cứ nhưng đã ăn sâu vào nếp nghĩ của nhiều người dân. Vậy nhưng người cán bộ công an này đã kiên trì từng bước xóa dần hủ tục ấy.
Những nhà văn, nhà báo chuyên nghiệp như Bạch Lê Vân Nguyên, Lâm Vy, Văn Tài… đã “kể” và “vẽ lại” để chúng ta thêm hiểu và yêu mến những chân dung người chiến sĩ công an rất nguyên tắc trong công việc nhưng cũng rất ấm áp tình người trong các bút ký Người con rể của quê hương Phú Yên, Chuyện về một quản giáo, Alô-114 xin nghe!... Còn tác giả Trần Lê Kha ở huyện Sơn Hòa gợi nhắc một quá khứ hào hùng tình sâu nghĩa nặng của những chiến sĩ công an đã hy sinh vì Tổ quốc qua tác phẩm Giữa xóm nhỏ có ngôi mộ lớn.
Bút ký là thế mạnh của các tác giả trong ngành, và các chiến sĩ công an làm báo tham gia rất nhiệt tình. Họ đã cung cấp cho người đọc những hình ảnh đẹp trong các tác phẩm: Sống mãi những kỳ tích (Hoa Siêm), Một tấm gương kiên trung và bất khuất (Minh Hoàng), Người thương binh công an với giấc mơ làm giàu (Hồng Nhung), Điều kỳ diệu giữa cơn lũ dữ (Đặng Vinh)…
Khác với bút ký, các tác phẩm truyện ngắn gửi tới cuộc thi này không phản ánh những xung đột gay gắt, những đấu tranh trực diện với cái xấu cái ác, mà thể hiện những ưu tư, dằn vặt của đối tượng phạm tội. Bên cạnh đó là những đắn đo cân nhắc của các chiến sĩ công an khi xử lý tình huống hoặc giải quyết vụ việc, hoặc trong cuộc sống riêng tư và cuộc đời chiến sĩ sao cho trọn vẹn đôi đường. Đọc truyện ngắn đoạt giải nhất Đối mặt của Hoàng Kim, người đọc phải nín thở theo dõi từng tấc nước, khi cơn lũ lớn đe dọa ngôi nhà hai mẹ con, “hậu phương” của một chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ cứu dân không về kịp. Tuy truyện kết thúc có hậu là cả hai mẹ con đều an toàn, nhưng vẫn gợi lên nhiều day dứt khi ta thấy nhân vật không có bàn tay chăm sóc của chồng, của cha trong lúc họ đang cần anh hơn bao giờ hết. Ở đây, sự hy sinh của người chiến sĩ công an không chỉ ở bản thân, mà còn ở hạnh phúc gia đình.
Với đối tượng tội phạm, các chiến sĩ công an được phản ánh trong các truyện ngắn luôn cảm hóa họ bằng tình thương, bằng sự cảm thông và chia sẻ. Các truyện ngắn: Bông huệ trắng của Phan Thế Hữu Toàn, Trở về của Nam Phương, Công dân mới của thôn của Nguyễn Ngọc Lâm, Tàn tro của Nguyễn Văn Học và các truyện đoạt giải khác đều không tạo sự căng thẳng thường thấy ở những tác phẩm đề tài hình sự, mà nhẹ nhàng, thấm thía nhiều khi đến rơi nước mắt.
Ở cuộc thi này, thơ thu hút sự tham gia của đông đảo tác giả nhất. Tuy nhiên, sự lắng đọng là điều khó của thơ. Trong một thời gian ngắn, điều đáng mừng là các tác giả đã thể hiện thành công đề tài được phản ảnh. Đó là niềm tin vào cuộc sống bình yên vì đã có các chiến sĩ công an ngày đêm làm nhiệm vụ. Bài thơ đoạt giải nhất Hạnh phúc cùng dân của Lê Văn Hảo cho thấy rất rõ điều đó:
“Ngủ đi các mẹ các cha
Ngày mai còn ra đồng lên rẫy
Ngủ đi các chị các anh
Ngày mai còn vào nhà máy xí nghiệp công trường
Ngủ đi con ngày mai còn đến trường học tập”
Vì sao có sự yên tâm đó, tác giả viết:
“Khi đêm gọi đêm
Ngày gọi ngày
Đồng đội ta sẵn sàng quên mình vì dân vì nước”
Trong bài thơ “Lẫn”, tác giả Thạch Bi Sơn cũng ngợi ca người chiến sĩ công an với công việc vinh quang mà thầm lặng:
“Lẫn vào những buồn vui của đời thường sinh nở
Không ồn ào, chẳng chói lóa vinh quang
Không tính toán thiệt hơn hay được mất
Cần mẫn, lặng thầm giữ cuộc sống bình an
Anh-người con trung hiếu của nhân dân”.
Ở thể loại ca khúc, số lượng tác phẩm gửi về tham gia nhiều hơn hẳn so với dự đoán của ban tổ chức, nhiều tác giả đang sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh, Bình Phước, Vĩnh Long đã gửi tác phẩm tham gia cuộc thi cùng với các tác giả ở Phú Yên. Hầu hết các tác phẩm có nội dung tốt, bám sát chủ đề cuộc thi, nhiều ca khúc có giai điệu đẹp và khúc thức hoàn chỉnh. Qua cuộc thi này, ngành Công an Phú Yên có ít nhất trên 10 ca khúc hay để sử dụng.
Cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật Vì cuộc sống bình yên đã khép lại với 41 tác phẩm của các tác giả đoạt giải ở bốn thể loại theo cơ cấu giải cho mỗi thể loại là 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 5 giải khuyến khích. Ngành Công an Phú Yên có một “vụ mùa” bội thu.
Nhạc sĩ NGỌC QUANG
Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Phú Yên