Từ xa xưa, người Hà Nội đã sáng tạo ra nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật độc đáo, mang đậm sắc thái văn hiến Kinh Kỳ, trong đó có các điệu múa. Múa đã trở thành di sản, được hình thành và phát triển trên cơ sở văn hóa làng xã. Thế nhưng, những điệu múa cổ đó đã từng ngày theo các nghệ nhân về cát bụi. Trước Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhiều nghệ sĩ có tuổi đã dốc sức đi tìm và phục hồi những điệu múa cổ đó.
Múa Bồng
Trong khuôn khổ của Dự án “Phục hồi và phát triển múa cổ Thăng Long - Hà Nội”, được khởi động từ năm 2006, có 30 điệu múa đã được tìm thấy và phục hồi. Nhiều vũ điệu cổ, đặc sắc như múa “Bồng”, làng Triều Khúc, xã Tân Triều (Thanh Trì); múa “Bài Bông”, làng Phú Nhiêu, xã Quang Trung (Phú Xuyên); múa “Giảo Long”, xã Việt Hưng (Gia Lâm); múa “Thị Hồ Huỳnh Cân”, chùa Đống Lim, Long Biên; múa “Tứ linh” làng Lỗ Khê; múa “Giải oan thích kết”, chùa Đào Xuyên, Long Biên; múa “Vật”; múa “Chạy cờ”, làng Triều Khúc...
Nhưng theo các nghệ sĩ, nhạc sĩ, Hà Nội có đến hơn 80 điệu múa cổ, gồm tất cả các hình thái múa Tín ngưỡng, múa Tôn giáo, múa Cung đình. Các nghệ sĩ, nhạc sĩ vẫn đang tiếp tục tìm kiếm, phục hồi để chọn ra những điệu múa tiêu biểu, biểu diễn trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ba cuộc liên hoan múa cổ đã được tổ chức tại vườn hoa Lý Thái Tổ vào ba mùa xuân (2007, 2008, 2009) chứng minh cho những nỗ lực kiếm tìm của các nghệ sĩ cao tuổi và là những bước thành công lớn.
NSND Lê Ngọc Canh, Chủ nhiệm dự án cho biết, nhóm của ông đã chia mỗi người đi đến một ngôi làng, ngõ xóm ở các huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Phú Xuyên, Thanh Trì, các quận: Tây Hồ, Đống Đa, Long Biên, Hoàng Mai... để đánh thức những điệu múa đang đi vào quên lãng. Có những ngôi làng, khi các nghệ sĩ nói đến điệu múa cổ thì cán bộ cứ lắc đầu quầy quậy, nói rằng mình chưa từng nghe nói. Khi được đưa ra các cứ liệu, thì họ giúp đỡ nhiệt tình. Cũng từ đó, những người có tâm huyết với múa cổ lại tận tình dạy lại cho dân làng những điệu múa cổ đó. Nhiều ngôi làng đã vang lên tiếng trống, tiếng nhạc ngay giữa sân đình. Cứ như thế, các điệu múa cổ đã dần dần được hồi sinh.
Phục hồi rồi, bảo tồn ra sao? Đây là bài toán khó đối với múa cổ Hà Nội, khi mà các nghệ nhân thuần thục các vũ điệu thì thưa vắng dần, mà người kế thừa thì chưa có. Lớp trẻ lại không có nhiều người có tâm huyết. Cũng có ý kiến cho rằng, múa cổ rất khó và không phải ai cũng học được. Để học được, phải mất rất nhiều thời gian. Ít có người trẻ nào đủ kiên nhẫn để học cho đủ 3 năm, để lĩnh hội đầy đủ bản chất của một điệu múa cổ. Hơn nữa, trải qua thời gian, nhiều điệu múa đã bị cải biên, rất khó tìm thấy “bản gốc”, nhiều vũ điệu đã bị biến dạng. Ví như múa “Bồng” của làng Triều Khúc. Để múa thêm sôi nổi, người ta tăng số vũ công từ 2 người lên thành 4, hoặc thay vũ công nam bằng nữ. Nói về múa “Bồng” làng Triều Khúc, người dân có câu thơ: “Thân giai làm đĩ đánh Bồng/ Làng này còn mỗi đĩ Hồng đấy thôi”. “Đĩ” Hồng là nghệ nhân Triệu Đình Hồng - nghệ nhân cuối cùng của múa “Bồng” ở Triều Khúc. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, khi điệu múa Bồng bị lãng quên thì ông Hồng đã đầu tư tiền của, công sức mua sắm trang phục và “nuôi” nghề. Nhờ đó, đội múa Bồng Triều Khúc hiện có gần 30 người.
Điều khó khăn đối với việc phục sinh vũ điệu cổ Hà Nội, là các vũ điệu cổ vốn chỉ có thể bộc lộ hết vẻ đẹp khi được biểu diễn trong môi trường sinh hoạt văn hóa truyền thống, gắn với làng xã. Đa phần, chúng được sáng tạo ra để phục vụ trực tiếp cho các lễ hội của làng, rất khó đứng trình diễn độc lập trên sân khấu lớn hiện đại. NSND Chu Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt
Các nhà phục sinh vũ điệu cổ cũng hết sức băn khoăn, vì nhiều vũ điệu đã bị tam sao thất bản. Để “copy” được như cũ không hề đơn giản. Về điều này, nhạc sĩ Thao Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc truyền thống chia sẻ: “Tôn trọng các giá trị truyền thống là điều chúng ta nên làm. Các nghệ sĩ sưu tầm, phát triển cũng nên biết rằng, nhiều vũ điệu chỉ có thể sống được sau lũy tre làng”. Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội Hồng Thắng tỏ ra nghi ngại: “Trước hết phải đặt các điệu múa cổ trở lại cái nơi - loại hình, thể loại hoạt động văn hóa đã sinh ra nó, sau đó mới có thể di chuyển sang những hình thức sinh hoạt khác như biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp, biểu diễn kết hợp trong các chương trình ca nhạc... Sự dịch chuyển múa cổ sang môi trường khác, nếu không thận trọng sẽ biến điệu múa thành một sản phẩm vô tính, vô hồn”.
NGUYỄN VĂN HỌC