Thứ Sáu, 17/01/2025 06:54 SA
Anh Toàn thanh niên – truyện ngắn của NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN
Chủ Nhật, 31/03/2024 15:00 CH

Minh họa: PV

Mới đó đã gần mười năm, sau khi tôi và Hoa Sim rời xóm núi. Nay cô đồng nghiệp cũ gả con có chồng, tôi rủ Hoa Sim, đương nhiên nàng ấy đồng ý, còn hớn hở với kế hoạch ở lại xóm núi một đêm cho đã nhớ.

 

Tiệc cưới kết thúc từ trưa, chúng tôi đến khu nội trú thăm bác bảo vệ và vợ chồng thầy Phạm, đang trò chuyện vui vẻ mà Hoa Sim có vẻ nôn nóng, hối mau mau còn đi khám phá buôn Diêm. Ôi trời, buôn Diêm có gì ngoài rừng núi và tiếng chim muông khắc khoải thâu đêm. Chỉ một điều đặc biệt là buôn nằm bên hồ nước rộng. Hồi đó tôi làm nhiệm vụ dạy phổ cập buổi tối ở đây. Ký ức thuở khó khổ vẫn lẩn quẩn trong tâm trí nên giờ nói đến buôn Diêm tôi chẳng có ý niệm tươi sáng nào. À, chỉ ấn tượng mỗi chuyện có chàng thanh niên đêm đêm đến mở cửa trụ sở thôn cho mấy cô trò. Nghe bảo anh là bí thư đoàn của thôn. Tôi có thấy thoáng qua một lần. Suy nghĩ vẩn vơ thì xe bất ngờ dừng. Hoa Sim bảo tới nơi rồi, bí mật xin được bật mí từ lúc này.

 

Thật là một điều thú vị, tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

 

Đã có sự can thiệp của con người nhưng khéo léo chứ không thô bạo. Cảnh quan vẫn giữ được vẻ tự nhiên. Hồ vẫn nguyên vẹn với những túp lều cỏ để thưởng thức cà phê, nhạc và sách. Đẹp. Mọi thứ giao hòa như những nốt nhạc êm ái giữa cái nền hùng vĩ của núi rừng. Hồi đó, mỗi lần ngắm hồ, tôi tiếc đến nao lòng, ở nơi người ta còn mãi vật lộn với từng miếng ăn thì cái đẹp bị bỏ quên. Thật may, “cô gái ngủ trong rừng” giờ chẳng những đã được đánh thức mà còn được trang điểm tinh tế nên vẻ đẹp càng rực rỡ cuốn hút.

 

Khách đến đây vui chơi, buổi tối có tiết mục cắm trại, đốt lửa, những cô gái trong trang phục sơn nữ sẽ nhảy a ráp, và khách cũng được mời vào đứng thành vòng tròn, nhịp chân theo điệu nhảy dưới ánh lửa hồng. Kiểu du lịch này dễ truyền cảm hứng.

 

Nhưng tiết mục này chỉ có vào mỗi tối cuối tuần, vì đạo diễn là anh Toàn thanh niên. Nếu ảnh bận thì chẳng thể huy động được các cô gái uyển chuyển cùng điệu xoang và các chàng trai gõ cồng chiêng cùng đội thanh niên xung kích trực đêm để bảo vệ khách. Chẳng biết Hoa Sim đã tìm hiểu hồi nào mà nói thuần thục như hướng dẫn viên du lịch của buôn Diêm.

 

Đang định trêu nhưng chưa kịp nói thì con bạn lại vang vang:

 

- Gọi Toàn thanh niên vì cùng tuổi anh, còn có hai anh Toàn nữa, một học đại học công nghệ về mở cửa hàng kinh doanh máy tính, một con nhà giàu, sinh ra đã ngậm muỗng vàng nên chỉ mãi lao vào những trò chơi bị phê phán. Gọi để phân biệt, và cũng gọi để thể hiện sự yêu mến, cả ngấm ngầm ngưỡng mộ chàng thanh niên này.

 

Chẳng lẽ đó là chàng thanh niên mở cửa hội trường thôn và từng được đoàn thanh niên xã chia về giúp đỡ lớp tôi trong đợt cắm trại năm ấy. Năm ấy tôi chân ướt chân ráo đi dạy vùng cao, được chia chủ nhiệm còn được khuyến mãi cho một thông báo đến 26/3, trường sẽ tổ chức hội trại. Một cô nàng hậu đậu thì làm sao lo ăn cho gần bốn mươi cái “tàu há mồm”, rồi thêm làm trại làm trùng, nghĩ đến thôi đã phát hoảng. Chuyện tôi sợ nhất là làm cổng trại và lều trại trong cái nắng khủng khiếp ở vùng lõm. Đem chuyện này tâm sự với chàng thanh niên hơn tôi hai tuổi về hỗ trợ, Toàn đề xuất dùng cây đủng đỉnh làm cổng trại, sẽ rất hoang dã mà cũng thật trữ tình. Rồi lều trại cũng dùng đủnh đỉnh, sẽ tha hồ mát.

 

Sáng sớm hôm sau, cô trò cơm đùm cơm túm leo lên cộ bò do chàng “cầm cương” vào rừng chặt đủng đỉnh. Đủng đỉnh nhìn giông giống cây đác, gân lá xếp hình nan quạt, phiến lá dài, mỗi chùm hoa là buồng, khi mang trái thì đặc sệt, trổ dài xuống, màu đỏ xanh chen nhau đẹp mắt. Dáng cây đủng đỉnh lơ thơ, nhởn nhơ như tên gọi của nó. Học trò tự hào kể rằng ở nơi đây, người ta dùng cây đủng đỉnh để trang trí cổng chào, lá đủng đỉnh dùng làm chổi quét sân vườn, có nhà còn treo buồng đủng đỉnh trước cửa chuồng gia súc gia cầm với ý niệm trừ đi điềm xui rủi, cũng có một hai nhà treo đủng đỉnh trước hiên với ý trừ tà ma đột nhập. Đồng bào dân tộc thiểu số dùng đủng đỉnh để làm rượu, trái đủng đỉnh còn dùng làm thuốc chữa bệnh đau nhức…

 

Tôi đang rất hứng thú nghe lớp trưởng thuyết minh về cây đủng đỉnh thì nghe một tiếng “á”, chúng tôi ùa lại chỗ phát ra âm thanh ấy thì thấy trò Đông đứng bên cây đủng đỉnh, mặt mày tái mét, khóc hu hu cùng bàn tay với ngón áp út lủng lẳng như sắp rớt. Đông mừng quá khi gặp cây đủng đỉnh có thế đẹp nên nôn nóng bập mạnh một phát, bập luôn ngón tay. Nhìn cảnh em máu me, tim tôi như muốn rớt khỏi lồng ngực. Tôi bủn rủn đứng trân ra. Anh Toàn lật đật cõng em băng rừng…

 

Đông được chuyển vào viện kịp thời. May thay ngón út đã được cứu chữa. Đợt trại đó lớp hơi buồn vì cậu học trò sôi nổi nhất vắng mặt nhưng cũng có một niềm vui để bù sớt là anh Toàn thay cô làm tổng chỉ huy, lớp hoàn thành tốt các phần thi và vui chơi an toàn. Nhưng nguyên đợt trại hai ngày một đêm, Toàn luôn tìm cách lảng tránh cô giáo, nếu phải bất ngờ đối mặt, anh rụt rè, giọng nói bình tĩnh nhưng lộ vẻ thiếu tự tin trong đôi mắt.

 

Khi cha lâm bệnh và mất, mẹ con Toàn lâm cảnh cùng túng. Từ thành phố biển xinh tươi, hai mẹ con chuyển vào vùng kinh tế mới sinh sống. Về tới nơi mới biết đây là nơi “chó ăn đá gà ăn sỏi” chứ không phải miền đất hứa như những người trúng vàng kể. Rừng và những đám đất hoang mọc đầy gai mắc cỡ. Gia đình Toàn được ông trưởng thôn chỉ cho miếng đất ông đã phát dọn để định cư. Không chỉ thế, ông còn kêu trai tráng trong thôn góp ngày công. Chắc nhờ vậy mà sau này làm thủ lĩnh thanh niên trong xã, Toàn chú trọng giúp đỡ những hộ khó khăn.

 

Không cần nghe con bạn thao thao nữa, tôi vẫn nhớ như in ký ức đó. Tôi từng đến nhà anh thăm học trò bị ốm nặng. Là anh trai của cậu em lớp tôi chủ nhiệm, hiểu được hoàn cảnh gia đình nên Toàn giỏi từ nhỏ - mẹ anh kể. Vừa học vừa chực sẵn để người ta thuê mướn, kêu gì làm đó, việc ruộng rẫy, Toàn làm được tất. Lại nói Toàn có nước da ngăm ngăm, sống mũi cao thon, đôi mắt nhỏ nhưng ánh nhìn mênh mang, đôi chân mày rậm làm nổi bật vầng trán cao.

 

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Toàn về quê, làm đầu tàu thanh niên của xã. Không chỉ tình nguyện giúp bà con khi cần, giữ trật tự thôn xóm, văn nghệ thể thao, anh còn huy động thanh niên xã khai khẩn đất hoang để sản xuất, tăng nguồn vốn cho thanh niên hoạt động. Sau đó, Toàn còn mở trang trại, bán cây cao su sau khi thấy hai cây cao su mình trồng thử nghiệm phát triển tốt ở vùng đất đỏ. Ban đầu Toàn chỉ trồng cao su trên đất rẫy nhà mình nhưng sau có nhiều người hỏi, anh quyết định mở trang trại và bán cây giống cho bà con. Diện tích trồng cây cao su trong vùng ngày càng tăng, bà con các vùng lân cận cũng tìm đến mua và nhờ anh tư vấn kỹ thuật trồng. Trang trại làm ăn khấm khá, Toàn bắt đầu mua đất. Khi Nhà nước mở con đường xuyên qua những thửa đất anh đứng tên, số tiền đền bù đó Toàn đầu tư cho du lịch sinh thái, lấy hồ nước trong xanh giữa lòng núi và buôn Diêm làm tâm điểm.

 

* * *

 

…Tất cả cầm chặt tay nhau, xếp thành vòng tròn xung quanh đống củi. Khi tiếng cồng chiêng nổi lên, một mồi lửa được đặt vào giữa, tiếng nhạc nổi lên, lửa bừng cháy cũng là lúc những bước chân trần nhịp nhàng, đong đưa bước tới, bước lui đều đặn, vòng tròn uyển chuyển xoay xung quanh đám lửa đỏ rực. Tôi vô thức bị cuốn vào vòng a ráp một cách hớn hở, chan hòa giữa những gương mặt xa lạ. Bất ngờ có một người chen vào, một bàn tay rời ra, thay vào đó là một bàn tay khác.

 

Tôi còn mãi đong đưa theo nhịp nhạc thì nghe: “Hồi xưa tôi từng có ý nghĩ muốn “bắt” một cô giáo biết nhảy a ráp về làm vợ nhưng chưa kịp “ra tay” thì nàng ấy đã trốn mất về xuôi”. Nói thật to, giọng anh vang lên phong thái tự tin. Lòng tay tôi đang nằm trọn trong lòng tay anh, nó rịn mồ hôi và bắt đầu run rẩy…

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek