Nhà tôi cũng như mọi nhà ở quê, sau khi thu hoạch lúa, phơi khô thì bán đi một phần để nộp thuế, trả tiền cày bừa, phân bón…, còn lại trước khi cất dự trữ thì dành riêng một hai thúng lúa để xay gạo nấu cơm. Nồi cơm đó mọi người thường gọi là cơm gạo lúa mới hay cơm đầu mùa.
Gạo lúa mới tròn đều, mây mẩy, trắng tinh và thoảng mùi thơm khó tả. Với tôi, mùi thơm ấy là mùi thơm của ấm no, của nắng của gió, của tinh khiết đất trời và là mùi thơm của mồ hôi lao động cần mẫn của cha của mẹ, của bao người nông dân.
Ngày ấy, gạo vừa xay về, bụm bốn năm bụm gạo cho vào nồi, bắc lên bếp củi nấu cơm chiều, mẹ nói: “Để mùa sau được mùa, khi nấu nồi cơm lúa mới, không nên lấy lon hay chén đong gạo và khi đơm cơm ăn thì phải đơm cho thật đầy chén…”.
Chẳng mấy chốc nồi cơm đã sôi ùng ục, mẹ mở nắp vung vừa lấy đũa xới cơm vừa chỉ chị tôi cách nấu cơm gạo lúa mới: “Khi cơm sôi, dụi bớt lửa chứ không thì gạo lúa mới nó trền…”. Ngửi mùi thơm ngào ngạt phả ra từ nồi cơm, tôi mong cơm mau chín để ăn chén cơm gạo lúa mới sau mấy tháng ròng chờ từ lúc lúa gieo sạ cho đến khi thu hoạch.
Bữa cơm chiều, cả nhà quây quần bên mâm cơm lúa mới cùng những món ăn dân dã miền quê: canh cải tép khô, dưa môn kho cá sặc thơm lừng… Bữa cơm đạm bạc thế mà hấp dẫn, anh em chúng tôi ăn no rồi nhưng vẫn thòm thèm. Thấy vậy, mẹ nói: “Thôi, ăn nhiều phát ách, tối đau bụng. Trưa mai mẹ nấu cho ăn tiếp!”. Khi lớn lên, tôi mới ngẫm ra rằng, dù hoàn cảnh còn khó khăn nhưng bao giờ cha mẹ cũng chăm lo từng bữa ăn cho anh em chúng tôi. Những bữa cơm quê như vậy, tôi cứ nhớ mãi, nhớ đến ứa nước mắt, thương cha mẹ vô cùng.
Nhớ lại chuyện ngày trước gia đình tôi đông con, nên cái ăn cái mặc luôn thiếu trước hụt sau, cả nhà chỉ trông vào mấy sào ruộng khoán của hợp tác xã, theo đó những bữa cơm thường ngày phải độn thêm sắn, bắp… Thế nên, anh em chúng tôi lúc nào cũng trông ngóng mau đến ngày gặt lúa để được ăn bữa cơm lúa mới thật no nê.
Có đợt, nhà hết lúa, mẹ tôi bưng thúng chạy đi mượn lúa, mượn gạo khi lúa ngoài đồng mới vừa ngậm sữa. Cả nhà ngóng trông bữa cơm gạo mới. Thế mới thấy thơm nồng, hạnh phúc khi bưng chén cơm đầu mùa…
HOÀNG HÀ THẾ