Quê tôi, nhà nông mỗi năm hai vụ lúa, lấy nước từ đập Đồng Cam. Để chuẩn bị cho mùa sạ vụ Tám, bà con thường vỡ đất, chải bờ, băm góc từ đầu tháng tư âm lịch; đợi nước về tới trổ ruộng là bắt đầu ngâm, ủ giống… Vừa theo dõi con nước từ kênh mương vừa nhìn trời xem xét những đụn mây “Tháng tám ngó ra, tháng ba ngó vào”. Nếu mưa đủ nước, xuống giống đồng loạt sẽ thuận lợi hơn, giảm phần chuột bọ đánh tỉa, cấy dặm, đón đòng, thu hoạch cũng vui vẻ và khí thế hơn…
Nhà tôi ở xóm đồng, mở cửa là nhìn thấy ruộng Đồng Cờ (Hòa Mỹ Đông). Chiều nay nhiều người đang cày cuốc vội bước lên bờ, chạy vô xóm, ngồi nhìn ra. Trời làm giông, mây đen quần vũ, sấm dội đì đùng, những tia chớp sáng lóe...
Trời mùa hè, nắng như lửa đốt, nóng như kim châm, vậy mà hôm nào càng đốt càng châm thì mấy lão nông càng biết chắc mưa giông. Trưa nay, ông Tám (làm ruộng gần nhà tôi) móm mém đôi môi trong chiếc khẩu trang ướt đẫm mồ hôi, nhìn tôi: “Cháu mày dám tin chú lấy giống ra ngâm không? Chú bảo đảm tối nay sẽ có mưa to”. Và đúng như dự đoán, chiều nay đã có trận mưa…
Mưa giông có báo động trước chứ không đến bất ngờ. Trước khi nghe những giọt nước lộp độp trên mái tôn là những trận cuồng phong mịt mù. Hồi còn học phổ thông, đi xe đạp giữa cơn giông phải xuống xe, cúi đầu là chuyện thường gặp; mấy nữ sinh áo dài nón lá thì vất vả hơn, vội vã tìm mái hiên nhà gần nhất; tay ôm nón, tay vịn đôi tà áo… Nhưng giông lốc cũng nể nang việc học hành, đã chọn mùa hè nên chỉ còn làm khó những học sinh năm cuối cấp đạp xe đi về để luyện thi…
Thường lệ, trời tháng tư tháng năm, cứ đến thời điểm chuẩn bị gieo sạ là có mưa giông. Từ sự trùng hợp ngẫu nhiên, lặp đi lặp lại qua nhiều thế hệ nên người quê tôi hay nói: Đập Đồng Cam mở nước là trời mưa, ý trời làm hội tụ những hương vị và âm thanh đặc trưng của đồng ruộng... Tuy nhiên, cũng có khi giông lốc dữ dội mà mưa chỉ vài hạt như tạt gáo nước vừa đủ săn bũn, các cụ lại nói: “Gầm hù thì có, mưa gió thì không”…
Với mùa thu hoạch thì hương đồng rất phong phú, từ lúa chín, rơm rạ, khói đốt đồng... Nhưng chỉ có hương chứ không phải vừa hương vừa nhạc như mùa mưa giông. Cả cánh đồng rộng đang phơi khô, đất cày lởm chởm, sau cơn mưa giông, hương của đất lan tỏa bay xa; nhắc ta nhớ tuổi thơ có đôi lần tạt gáo nước lên vách đất rồi cúi đầu hít lấy hít để mỗi khi dang nắng bị chảy máu cam.
Hương đất cùng với dàn nhạc đồng quê đa âm đa sắc thái, tiết tấu rộn ràng như một bản giao hưởng thiên nhiên ban tặng rất thú vị.
Qua những ngày nắng, đồng khô cỏ cháy, bao nhiêu loài côn trùng nép mình trong hang, dưới rơm rạ, chờ đêm xuống ra ngoài nếm hạt sương; chiều nay, gặp cây mưa xối xả, nước tràn qua đường nẻ; mừng vui, lũ lượt trồi ra, tấu nhạc rộn ràng, vang vang cả cánh đồng, vọng đến xóm làng.
Sau trận mưa giông đầu mùa, đêm về ta nghe vô số những tiếng kêu vui nhộn từ côn trùng chứ đâu chỉ ếch nhái, ễnh ương; tiếng dế mèn rỉ rả bên lối cỏ, tiếng chim sấm giăng ngang giữa trời, tiếng vạc ăn đêm vụt qua hơi vội… Dàn nhạc giao hưởng đồng quê ngày nay có giảm bớt một vài nhạc cụ nhưng vẫn còn hay mê mẩn.
Bà con đang làm đồng, nghe trời làm giông giật mình, vội vã tìm nơi an toàn. Nhưng đến khi lúa đang thì con gái, ruộng đồng đón trận mưa giông như được món quà của thiên nhiên vậy:
“Lúa chim lấp ló đầu bờ
Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên” (ca dao).
NGÔ TRỌNG CƯ