Không biết tự thuở nào, chắc là lâu mèm, nó có mặt ở đây, có lẽ trước khi tui mở mắt chào đời khá lâu. Có nơi gọi nó là hoa giấy, ở quê tui gọi là bông giấy, còn tui thích gọi nó là giấy.
Với giấy, tui có nhiều kỷ niệm. Hình như giấy với tui có duyên có nợ hay sao đó.
Tui còn nhớ, năm học lớp 5, cô giáo cho bài tập làm văn, đề bài là tả loài hoa em yêu thích nhất. Gần như cả lớp tả hoa mai, hoa đào, một số bạn thì tả hoa hồng, chỉ có tui là tả về giấy. Tui nhập đề, kết thúc thấy rất hay, theo kiểu nghĩ đâu tả đó, viết đó, không lớp không lang gì hết. Làm xong bài, từ dãy bàn cuối đi lên bàn cô giáo để nộp bài, lòng tui khoan khoái vô cùng. Bài này lạ, không giống ai, chưa có trong sách, cô cũng chưa giảng... và hình như mình viết ra được những gì mình nghĩ, cảm giác nó nhẹ nhẹ trong lòng (sau này chơi với anh nhà văn lớn tuổi, tui có nói về cái cảm giác nhẹ nhẹ này, ảnh nói kiểu này là mày dính nghiệp văn chương rầu đó!). Cô giáo nhận bài tui, xem lướt qua, mắt cô tròn hẳn ra, cô nói chứ hết hoa rồi hay sao mà em tả bông giấy? Hết biết với em! Tui về lại bàn, người cứ ngây ra, à mà hết hoa hay sao lại đem giấy ra tả. Mình đúng là điên. Chắc bởi lẽ...
... Nhà tui khi đó khá rộng. Ba tui hồi trước có dạy sinh vật cho trường tư thục gần nhà, ông yêu thích cây lắm, cây trồng dưới đất, trồng trên chậu, treo trên tường, trên rào, trên cây, ông trồng xung quanh nhà, rồi cả trên sân thượng. Nhà tui như lọt thỏm giữa hoa và lá. Đủ các loại cây; cây chơi lá như các loài gấm; cây chơi hoa như các loại hoa hồng, mai, cúc, dạ thảo...; cây chơi hương như lài, ngâu, lý dạ hương; cây chơi thân như vạn tuế; cây ăn trái như mận, ổi, khế, mãng cầu... Nhiều loài, nhiều loại lắm. Cả vườn cây, hoa ở xứ mưa ít nắng dài, nên chuyện tưới nước cho tụi nó không hề đơn giản. Hồi đó, việc nhà, ngoài việc nấu ăn, quét nhà, cho heo ăn, đi mua thực phẩm bằng tem phiếu, đưa đón má đi làm, là mấy anh em thay phiên nhau nhưng riêng cái vụ tưới cây, ba giao hẳn cho tui. Có lẽ ba thấy tui có tâm hồn nghệ sĩ, biết yêu cái đẹp ngay từ nhỏ hay sao đó... chứ giao cho mấy ông anh kia, đang tuổi lớn nhồng, ham chơi hơn ham làm, giao tưới cây có khi bữa đực bữa cái, cây chắc chết liền liền… Trời ơi là trời, chậu lên cả trăm, gốc thì không đếm hết. Không có ống dẫn nước, chủ yếu là xách từng thùng nước đi tưới. Mà ngoài kia, tụi bạn í a í ới rủ chơi đủ trò, mới thấy chuyện tưới cây đúng là cực hình.
Có nhiều loại cây, trông đẹp thiệt, thấy có vân có vện cứng cáp, thoạt nhìn bên ngoài thấy vạm vỡ đầy sức chịu đựng lắm, vậy mà thiếu tưới nước cho tụi nó hai ngày là lá, là bông ỉu xìu, co rúm. Tui biết hết, chỉ có giấy là không ỏng a ỏng ẹo kiểu đó, giấy vẫn xanh, vẫn ra nụ, ra hoa, vẫn đong đưa trước gió, dù thiếu nước năm đến bảy ngày, trong khắc nghiệt vẫn rực rỡ khoe sắc. Phát hiện ra điều này, tui đi tìm đủ loại giấy trong vùng về thay thế dần các nàng yểu điệu thục nữ kia. Ba biết, nhưng do giao tui chăm sóc cây, nên để mặc tui toàn quyền. Giấy, ngó vậy mà nhiều loài, nhiều giống lắm, hoa hồng bao nhiêu loại thì giấy cũng có bấy nhiêu và chắc nhiều hơn nữa. Ai nói hồng đẹp hồng mới có gai, tui lại thấy giấy cũng đâu có thua hoa hồng cái phần gai góc này!
Nghĩ cũng thương cho giấy, cùng thời với hoa hồng, cùng chung ông Tây mũi lõ đem qua xứ An Nam mà giấy lại vất va vất vưởng ở ngoài rào, ngoài cổng. Ở chỗ tui, phần lớn là trồng ngoài đường, thành đám thành bụi. Trồng ở mấy chỗ này, giấy mọc tự do, hướng nào cũng nhánh cũng cành, tạo thành một lùm cây. Mới đây, con gái đi học xa về, thấy ban công toàn là giấy. Con nói, đâu thấy có hương, có màu sắc đặc biệt gì đâu mà ba trồng nhiều dữ. Sao ba không trồng hoa hồng như trước nữa?
Hình như không phải riêng con mình cảm nhận về giấy như vậy. Nhiều người lâu nay vẫn nghĩ thế. Mà sao với tui, giấy có mùi hương, một mùi rất xưa, rất xưa đó. Giấy có màu rất riêng, là màu nhớ kia kìa...
Phải không tui, phải không ai?
LÂM PHÚ LINH