Thứ Sáu, 04/10/2024 12:29 CH
Chợ búa thời giãn cách...
Chủ Nhật, 29/08/2021 06:21 SA

Tôi không thuộc mẫu phụ nữ ngày nào cũng đi chợ. Công việc bận nên hàng tuần lễ mới một lần ra chợ. Vậy nên mỗi lần đi là “sỉ” ôi thôi bọc lớn bọc nhỏ móc lùm lùm xung quanh xe máy chạy về hệt như cái chợ di động, ai thấy cũng ngạc nhiên. Không sao, giờ nhà có tủ lạnh, khoản đồ ăn tươi (thịt, cá, rau, quả…) mua về nhiều cứ chất hết trong tủ lạnh, ăn tới chừng nào… sạch tủ thì lại đi mua! Ngày thường đã vậy nói chi tới mùa dịch COVID này thì chuyện chợ búa lại càng thưa hơn.

 

Từ hôm có lệnh giãn cách xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị 16, phường phát phiếu đi chợ cho từng hộ dân. 3 ngày một lần đi chợ. Chồng tôi nhìn xấp phiếu bỏ trống chỗ điền tên bật cười: số phiếu này có nước em đem… bán bớt cho người ta, chứ nhà mình xài sao cho hết? Chồng tôi nói đúng, trước tuần đi chợ một lần nay còn giảm hơn: mười hoặc mười lăm ngày mới một lần đi thì số phiếu kia đúng không biết làm gì cho hết! Không riêng gia đình tôi “sợ đi chợ”, vẻ như các gia đình khác trong cộng đồng cũng chung quan điểm. Dịch bệnh lây lan kiểu chóng mặt, phải đi đến những chỗ tiếp xúc nhiều người (lại có phần hơi “phức tạp”) như chợ búa là chuyện cùng bất đắc dĩ.

 

May, mạng internet phát triển cùng với khả năng xoay xở linh hoạt của những tiểu thương người Việt đã đáp ứng, giải quyết được một phần khó khăn cho cái nhu cầu chợ búa thời giãn cách: “chợ online”! Giá đắt hơn, còn phải trả thêm phí ship (giao hàng) nhưng bù cái hàng được giao tận nhà, hạn chế tiếp xúc bán - mua đến mức tối thiểu nên tính an toàn khá cao. Thôi, đắt hơn vài giá cũng đành, để mua lấy sự an toàn thì tính ra cái giá kia vẫn còn là rẻ! Vậy nhưng, không phải hàng gì cũng có thể lên chợ online kêu ship. Có thứ đặt hàng không có. Có thứ có hàng nhưng người bán ở xa, đường đi (giao) vướng các chốt chặn không được “duyệt” cho qua.

 

Đó đây không ít điều tiếng eo sèo về chuyện những người đứng chốt “khó khăn”, máy móc hoặc thiếu kiến thức pháp luật… Vâng, chắc cũng có, nhưng nghĩ lại cuộc sống làm sao đòi hỏi sự vẹn toàn khi những anh em gác chốt cũng là con người, trình độ văn hóa có giới hạn (bởi đâu có ông cử nhân hoặc… tiến sĩ nào ra gác chốt?) và, quan trọng hơn, đều là những “tân binh” lần đầu ra trận chống thứ “giặc” cực kỳ nguy hiểm - và càng nguy hiểm hơn bởi chúng vô hình. “Chặn lầm hơn bỏ sót”, đó là cái giá (nghiệt ngã) mà chúng ta phải chấp nhận nếu không muốn phải trả giá đắt hơn rất rất rất nhiều lần. Hãy nên thông cảm và biết ơn những anh em đang phải ngày đêm dang dưới nắng lửa mưa dầm giữ lấy bình yên cho chúng ta, lãnh thứ công việc mà - nói thật - nếu có được giao cũng chẳng mấy người trong số chúng ta đủ hào hứng lãnh!

 

*

 

Hôm qua hết mấy thứ nhà cần mà không thể đặt mua online nên tôi buộc lòng dắt xe đi chợ. Không dám tới chợ trung tâm, tôi chấp nhận đi xa hơn, chọn cái chợ quê nhỏ xíu họp buổi chiều, chuyên bán mấy thứ sản vật địa phương chứ hiếm có hàng hóa từ xa mang tới. Chồng kêu: đi chợ thì nhớ mang phiếu, tôi gạt: “chợ cóc”, họp có nhúm người mà ai đâu chặn, phiếu phung gì! Chồng nhẫn nại: cẩn thận thì cứ mang theo. Chính quyền đã phát phiếu tận tay đương nhiên không phải để chơi. Có nhỏ cũng là cái chợ… Có lý. Thôi, cứ cầm phòng xa, có mất gì đâu, không có khi lại phải… quay về tay không thì rách việc! Té ra chồng tôi nói đúng: cái chợ nhỏ bữa trước trống trơn giờ được kéo lưới sắt chắn ngang ba mặt. Duy nhất một mặt chừa là cổng chợ nhưng cũng bị căng dây thừng cho hẹp bớt, chừa đúng cái cổng vào ra.

 

Bốn nhân viên nam có nữ có mặc đồ y tế ngồi chặn cổng, chia nhau làm nhiệm vụ thu phiếu đi chợ và đo thân nhiệt. Tôi chìa tấm phiếu. Cô nhân viên dòm thấy phiếu ghi ngày hôm qua nhẹ nhàng bảo: bữa sau chị nhớ đi đúng ngày được ghi trên phiếu nhé. Cơ quan chức năng ghi ngày cụ thể là để điều phối số lượng người từng ngày tới chợ… Hiểu rồi, cám ơn em, bữa sau chị sẽ chú ý! Quay sang xìa trán cho cậu nhân viên nam đo nhiệt độ. Chết rồi, chị ơi, sao thân nhiệt chị tới 37,50? Tôi hốt hoảng: sao lại vậy được? Cô đồng nghiệp kêu: có thể chị ấy mới đi ngoài nắng, cho ngồi nghỉ xíu xong đo lại! 5 phút sau tôi lại xìa trán. Đúng, giờ thì xuống 370. Mô Phật, cậu nhân viên thở phào và tôi cũng thở phào…

 

Chợ búa thời giãn cách hàng gì cũng đắt gấp rưỡi tới gấp đôi lúc thường. Hỏi, người bán nói: Thông cảm, dịch giã lấy hàng không có còn chuyên chở khó khăn cô ơi. Nói thiệt tình, chị em tui cũng đâu ham có dịch để được bán giá cao? Ra chợ ngồi vừa bán vừa run… Nghe giọng thiệt thà, nhìn những bộ mặt lùm lùm che hai ba lớp khẩu trang giữa tiết trời cuối hạ nóng như thiêu tự nhiên muốn ứa nước mắt! Phải rồi, ai đâu muốn? Dịch giã chắc cũng có người hưởng lợi nhưng số đó hẳn là ít, rất ít - và càng không phải là những chị em tiểu thương đang ngày ngày mua gánh bán bưng đầu chợ sớm cuối chợ chiều! Bình thường đi chợ tôi hay trả giá nhưng hôm nay thì không. Người bán nói bao nhiêu đưa bấy nhiêu. Thôi thì kiếp nạn chung của cả cộng đồng, người ta “liều mạng” với hiểm nguy ra chợ ngồi bán để có đồ mình mua là mừng rồi. Họ có tính cao hơn vài giá (miễn đừng tới mức “cứa cổ”) cũng chấp nhận được. Mong sao chị em mãi bình an để còn tiếp tục việc mưu sinh nuôi sống gia đình, bản thân và phục vụ cộng đồng…

 

Y NGUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek