Con đường gai nhọn là tuyển tập kịch bản phim truyện điện ảnh và truyền hình (tập 1) của nhà biên kịch - đạo diễn Phạm Thùy Nhân vừa ra mắt công chúng cuối năm 2020. Đúng như tên gọi của cuốn sách, những thăng trầm trong cuộc đời của tác giả hay của các nhân vật trong kịch bản của ông đã đối mặt với bao sóng gió cuộc đời để hướng đến những giá trị chân, thiện, mỹ.
Người đi qua gai nhọn…
Nhân hậu mà quyết đoán, lịch lãm nhưng khiêm nhường, thông minh, sắc sảo… đó là những ấn tượng mà ai tiếp xúc với ông cũng cảm nhận, dù già hay trẻ, thân tình hay lần đầu. Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân nổi danh từ thời Ban kịch Thụ Nhân, Viện đại học Đà Lạt trước năm 1975. Từ đó đến nay, dù đã vào tuổi thất thập, ông vẫn thủy chung với niềm đam mê và có sức sáng tạo không ngừng, trở thành một trong những nhà biên kịch xuất sắc nhất của điện ảnh và truyền hình Việt Nam, mang lại nhiều giải thưởng danh giá cho Việt Nam…
Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân quê ở làng Cổ Lão, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông sinh ngày 5/8/1951 tại Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Con đường đến với nghề của ông cũng lạ thường, gia đình mong muốn ông du học tại Pháp và trở thành bác sĩ. Nhưng năm 1969, ông đã ghi danh vào Trường đại học Văn khoa thuộc Viện đại học Đà Lạt. Trong buổi ra mắt tác phẩm Con đường gai nhọn tại Đà Lạt, ông chia sẻ, khi còn học tiểu học ở Phan Rí Cửa, ông khá thành công trong việc kể chuyện cổ tích ở giờ sinh hoạt học đường. Bạn bè rất thích nghe, ông còn được thầy lớp trên mời kể chuyện cho đàn anh, đàn chị nghe. Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân còn chịu sự ảnh hưởng từ người mẹ biết đánh đàn mandolin, thích hát bài Xuân và tuổi trẻ của nhạc sĩ La Hối. Tuổi thơ ông còn sống trong âm hưởng của điệu hò bả trạo vùng biển Phan Rí Cửa. Đây là những hạt mầm đầu tiên để sau này ông gieo vào khu vườn điện ảnh, truyền hình những tác phẩm với lối kể chuyện luôn hấp dẫn công chúng…
Dẫu chỉ là một sân chơi văn nghệ của sinh viên, học sinh nhưng Ban kịch Thụ Nhân lại là vườn ươm tạo nên những hạt giống cho kịch nghệ, điện ảnh trước và sau năm 1975 như Lê Cung Bắc, Phạm Thùy Nhân, Thanh Lan, Lê Kim Ngữ, Phạm Văn Lại… Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân cho rằng, trong bối cảnh xã hội miền Nam đầy rẫy hận thù, bạo lực, đau thương…, thế hệ ông đã “cháy” hết mình với nghệ thuật, với tâm hồn trong sáng của những “nghệ sĩ sinh viên”. May mắn lớn nhất của nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân là khi ông bước vào giảng đường đại học và gặp được GS Vũ Khắc Khoan. Những bài giảng về kịch nghệ, sân khấu, nhân cách và tài năng của vị giáo sư qua những vở diễn như Thành Cát Tư Hãn, Thằng Cuội ngồi gốc cây đa, Những người không chịu chết, Ga xép… đã dẫn dắt ông đi vào con đường kịch nghệ, điện ảnh...
Nhưng con đường ông đi qua không chỉ có những điều may mắn. Trở ngại đầu tiên trong cuộc đời khiến ông không thể học lên bậc cao học sau khi tốt nghiệp Cử nhân Ban Hán - Nôm, Việt văn mà nguyên nhân chính là sự thiếu công tâm của người khác. Ông nói, mình cảm thấy tuyệt vọng nhưng khi bình tĩnh lại, ông quyết định phải sống, phải minh chứng cho sự bất công đó. Sau này, nhiều lần trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, trở thành một nhà biên kịch điện ảnh chuyên nghiệp, ông còn tiếp tục đối mặt với nhiều chua cay khác. Nhưng rồi mọi thứ cũng qua đi chính nhờ nghị lực và tài năng của ông.
Nhà biên kịch Phan Thùy Nhân ký tặng sách cho đồng môn và Thư viện tỉnh Lâm Đồng nhân dịp ra mắt tác phẩm Con đường gai nhọn tại Đà Lạt. Ảnh: THÙY DUYÊN |
Và thông điệp nhân bản
Kịch bản điện ảnh Trò ảo thuật là cột mốc quan trọng nhất trên bước đường sáng tác của ông, là tác phẩm mà ông yêu quý nhất. Bởi, nó gần như là một tự truyện của ông.
Kịch bản kể rằng, có một làng chài xác xơ vì biển động; dân làng đói khát, sống lây lất qua ngày nhưng hy vọng ơn trên sẽ độ trì rồi sóng yên, biển lặng cho tôm cá đầy khoang. Nhưng niềm hy vọng đó dần trở thành tuyệt vọng cho đến một hôm có gánh xiếc bất ngờ xuất hiện. Gánh xiếc giúp họ biến niềm hy vọng thành hiện thực nhờ cô gái làm xiếc biến cái thùng không thành cái thùng đầy cá. Từ đó, câu chuyện về gánh xiếc được lan truyền ra cả làng, những người nghèo khổ nhất cũng bán đi những đồ đạc có được để lấy tiền đi xem xiếc. Trong số đó có một thằng bé, nó cho rằng đây không phải là một trò ảo thuật mà là một phép màu, mang lại cơm áo cho nó và gia đình, cho cả làng biển nghèo. Nó lân la làm quen với cô gái làm ảo thuật, và trước sự ngây thơ của thằng bé, cô gái đã chỉ ra cho nó đây chỉ là trò ảo thuật mà thôi. Nhưng thằng bé không tin. Nó tìm cách thử bằng cách bán cho gánh xiếc một cặp cá mú mà một lão ngư cho nó để bán lấy tiền, lo em nó đang bệnh nặng. Trong đêm diễn sau đó, nó đã phát hiện ra sự thật: cặp cá mú của nó nằm cùng những con cá khác sau khi cô gái đổ chiếc thùng xuống để biến chiếc thùng không thành chiếc thùng đầy cá. Thằng bé giận dữ bỏ ra khỏi rạp xiếc. Nó bất ngờ gặp đứa em gái đang đứng trước rạp chờ nó và báo hung tin: em nó đã chết vì không có tiền đi nhà thương. Nó lập tức chạy về nhà với những ray rứt trong lòng. Hành động của thằng bé khiến cô gái làm xiếc dằn vặt, cô chủ động tìm nó để nói rõ mọi việc. Nhưng nó không muốn gặp cô gái. Bấy giờ, dân làng cũng kéo nhau đến gánh xiếc để yêu cầu cô gái làm xiếc chỉ cho họ phép màu. Chủ gánh xiếc đành hứa hẹn giải quyết yêu cầu của dân làng vào sáng hôm sau. Nhưng, hôm sau khi dân làng kéo đến, gánh xiếc đã biến mất! Mọi người tức giận chửi bới, nguyền rủa bọn lừa đảo rồi buồn bã ra về. Còn thằng bé, nó vừa căm hận, vừa nuối tiếc những hình ảnh, âm thanh của gánh xiếc đã gieo vào tâm hồn thơ ngây của nó…
Trong tác phẩm, nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân luôn đau đáu về sự khổ đau, hạnh phúc của con người, những mối quan hệ phức tạp giữa người với người, với môi trường sống quanh họ. Song, điều đọng lại tất cả đó chính là tình thương yêu đã làm nên sức mạnh vô biên để con người vượt qua những “gai nhọn” trong cuộc đời.
Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân đã sống hết mình cho sân khấu và điện ảnh, ông đau khổ và hạnh phúc với từng nhân vật của mình, đôi khi cũng chính là cuộc đời ông vậy.
Nhà báo Nguyễn Tường Văn đã viết về người bạn đồng môn của mình: “… Ông bạn Phạm Thùy Nhân gửi tặng tôi tác phẩm Con đường gai nhọn tập I gần tháng rưỡi trước khi sách được tổ chức phát hành tại Đà Lạt. Tôi vội vàng đọc ngấu nghiến 600 trang sách kịch bản phim truyện điện ảnh và truyền hình của bạn. Ngay phần đầu Ngôi trường, Ban kịch và Những người thầy như một cuốn phim tài liệu làm tôi vô cùng xúc động vì Phạm Thùy Nhân đã cho gặp lại thầy xưa trường cũ sau gần nửa thế kỷ xa cách, nhất là được gặp Nhân, người bạn sinh viên sau tôi một khóa nhưng có chung“máu” văn nghệ, báo chí. Thuở ấy khi anh em làm tập san Về Nguồn trong sinh viên, tôi rất mê truyện ngắn Rừng lá thấp của Nhân, ngược lại Nhân thích bài thơ Bông cau cho niềm tin của tôi cùng đăng trên tập san này. Rồi những lần ngồi sau chiếc Vespa của Nhân chở tôi vòng vèo qua hồ Xuân Hương, lên khu Hòa Bình, ra Viện đại học Đà Lạt, bạn nói về niềm đam mê mai sau của mình. Tôi tin tưởng một anh chàng đầy đủ các tiêu chí “con nhà giàu, học giỏi, đẹp trai” như Phạm Thùy Nhân nhất định tương lai sẽ hanh thông thăng tiến. Vậy mà đọc xong kịch bản phim truyện điện ảnh Trò ảo thuật (Gánh xiếc rong) của Nhân, tôi thấy bàng hoàng thương bạn, lòng dằn vặt khôn nguôi về trò đời…
Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân là tác giả của các kịch bản phim truyện điện ảnh: Gánh xiếc rong (1988), Xương rồng đen (1991), Dấu ấn của quỷ (1992), Đoạn cuối thiên đường (1993), Nhịp đập trái tim (1995), Mùa dưa (1998), Mê Thảo - thời vang bóng…; tác giả kịch bản các phim truyện truyền hình: Dòng đời (52 tập), Vó ngựa trời Nam (37 tập), Bình Tây đại nguyên soái (40 tập) và nhiều tác phẩm khác. Nhiều phim do ông viết kịch bản đã mang lại cho điện ảnh Việt Nam nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, tiêu biểu là Gánh xiếc rong với 6 giải thưởng quốc tế, Dấu ấn của quỷ - Giải đặc biệt Liên hoan phim Châu Á - Thái Bình Dương, Mê Thảo - thời vang bóng - Bông hồng Vàng Camuna, Liên hoan phim Quốc tế Bergamo lần thứ 21, Italia, 2003… |
TRẦN THANH HƯNG