Chủ Nhật, 12/01/2025 11:06 SA
Cảm hứng mang tên Đà Lạt
Chủ Nhật, 29/11/2020 11:00 SA

Văn nghệ sĩ Phú Yên tại Nhà sáng tác Đà Lạt. Ảnh: YÊN LAN

Hơn 10 ngày tham gia Trại sáng tác Văn học nghệ thuật, văn nghệ sĩ Phú Yên hoàn thiện tác phẩm đã phác thảo và sáng tác mới, kết quả thật đáng trân trọng. Trở về với gia đình, với cơ quan và công việc thường ngày, trong mỗi người chúng tôi chắc chắn sẽ còn đọng lại nhiều cảm xúc khó phai, và những tác phẩm được khơi nguồn từ Nhà sáng tác sẽ không chỉ dừng lại ở trại này.

 

Trại sáng tác Văn học nghệ thuật Phú Yên 2020 bế mạc vào sáng 29/11. Chuyên ngành Văn học có 11 bài thơ của 3 tác giả; 3 truyện ngắn và một tùy bút của 2 tác giả. Nghệ sĩ Nhân dân - nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc có một bài thơ lắng đọng về Đà Lạt bên cạnh các ca khúc mới hoàn thành. Chuyên ngành Âm nhạc có 3 ca khúc của một tác giả; chuyên ngành Sân khấu có 2 bài dân ca bài chòi của 2 tác giả; chuyên ngành Nhiếp ảnh có 15 ảnh của 3 tác giả; chuyên ngành Mỹ thuật có 6 tranh của 3 tác giả.

Với văn nghệ sĩ thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên, Nhà sáng tác Đà Lạt đã trở thành nơi thân thiết tự bao giờ. Tính từ năm 2006, đây là lần thứ 3 Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên đăng ký mở trại sáng tác tại địa chỉ này và đã được Trung tâm Hỗ trợ sáng tác Văn học nghệ thuật (thuộc Bộ VH-TT-DL) ra quyết định mở trại sáng tác. Đoàn văn nghệ sĩ Phú Yên gồm 14 người từ 5 chuyên ngành: Văn học, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Âm nhạc và Sân khấu đã tham gia trại sáng tác này từ ngày 18-29/11.

 

Điều kiện ăn ở và khâu phục vụ tại Nhà sáng tác có cảm giác gần gũi với sự thoải mái, tiện nghi như khách sạn. Mỗi phòng hai người. Bữa ăn luôn thay món hàng ngày. Các bạn phục vụ tuy ít người nhưng rất chu đáo và thân thiện. Vấn đề còn lại là tác phẩm trong đoàn như thế nào?

 

Nếu như văn học là lĩnh vực cần có độ lùi khá lâu để thẩm thấu về đất và người nơi mình đến, thì Nhiếp ảnh lại là lĩnh vực sở trường thu vào ống kính ngay những khoảnh khắc đẹp nơi vừa mới đặt chân. Tham gia đoàn lần này có 2 nghệ sĩ nhiếp ảnh mà phương tiện sáng tác là máy ảnh và các công cụ hỗ trợ được đầu tư khá chuyên nghiệp, đó là các tay máy Lê Hồng Nguyễn và Nguyễn Văn Thu.

 

Để có những bức nghệ thuật đẹp, các nghệ sĩ nhiếp ảnh phải vượt qua cái lạnh chớm đông và có phần thất thường của Đà Lạt đểvác máy ảnh cùng đồ nghề lỉnh kỉnh ra khỏi phòng từ 4-5 giờ sáng và trở về lúc tối mịt khi sương lạnh buốt da cùng bụng rỗng, nhằm chọn thời điểm có ánh sáng đẹp cùng với phong cảnh tuyệt vời nơi xứ sở ngàn hoa. Các tay máy đã chọn lọc 15 tác phẩm ảnh của 3 tác giả nộp lại Nhà sáng tác. Đây là nỗ lực không nhỏ của người nghệ sĩ tham gia trại.

 

Ở chuyên ngành Mỹ thuật, tham gia trại lần này có 3 họa sĩ với 3 phong cách không phải là “dữ dội” nhưng thuyết phục được các anh chị em trong đoàn ở tinh thần làm việc nghiêm túc, sáng tạo cần mẫn, nâng niu từng ý tưởng thể hiện qua từng nét vẽ và sắc màu. 6 tác phẩm tranh của 3 họa sĩ nộp cho Ban tổ chức Trại sáng tác đã thể hiện điều đó. Người trẻ nhất đoàn là họa sĩ Kpă Tý (sinh 1984) đã chắt chiu từng điều kiện làm việc nơi đây và cho ra đời bức Trưa Đà Lạt đẹp như một bài thơ với màu vàng nhẹ của nắng và màu xanh thẫm hơi tối của rặng thông, tạo cảm giác buổi trưa nơi đây không giống một buổi trưa “truyền thống” theo gam màu chói gắt và cảm giác oi nồng. Kpă Tý đã nắm bắt được cái hồn của Đà Lạt qua “buổi trưa” yên bình và se lạnh này. Người 8x “trẻ nhì” là Trương Quốc Mỹ có 2 bức Hoa bất giao Hoa dại cũng làm toát lên một cảm nhận “đặc sệt” Đà Lạt qua ngôn ngữ hội họa.

 

Sự tương phản giữa khối lớn sần sùi của gốc thông già cận cảnh và của cả rừng thông viễn cảnh, với những chấm nhỏ vàng tươi của vạt hoa dại bé bỏng trong rừng thông tạo cảm giác cái đẹp ở bất cứ đâu dù khiêm nhường vẫn không bị chìm khuất; ở khía cạnh khác, bức tranh là thông điệp về vẻ đẹp “ngàn hoa” luôn hiện hữu trong mọi không gian Đà Lạt! Khác với hai bạn trẻ, Góc hồ Xuân Hương Mùa hoa dã quỳ của Huỳnh Ngọc Minh được nhìn từ góc độ truyền thống qua gam màu lạnh và bố cục quen thuộc.

 

Khi đang gõ những dòng này, chúng tôi nghe rộn tiếng đàn và lời ca của Nghệ sĩ Nhân dân - nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc đang tập bài hát mới cùng hai nghệ sĩ sân khấu là Trình Thị Liên và Hứa Thị Gởi. Hai nghệ sĩ sân khấu vốn sở trường về biểu diễn, nay dự trại cũng “nộp quyển” 2 sáng tác dân ca bài chòi, một ngợi ca hình tượng người lính biển và một ngợi ca nét đẹp Đà Lạt. Riêng nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc nộp 3 ca khúc mới toanh bởi còn nguyên nét chữ chép tay trên khuôn nhạc. Ca từ trong ca khúc về Đà Lạt của ông đã chạm nhẹ vào sương khói nơi đây:

 

Đà Lạt mênh mang chiều sương khói

Đà Lạt ru tôi đường không mỏi…

(Bối rối đêm Đà Lạt)

 

Điều bất ngờ là ngoài những ca khúc, nhạc sĩ đã bắt gặp một Đà Lạt của hôm nay trong những vần thơ đầy ngẫu hứng:

 

…Giờ sương đã bỏ đi rồi

Còn tôi với cỏ bên đồi mùa đông.

 

Đó cũng là một trong những cảm nhận về Đà Lạt trong các tác phẩm văn học của các hội viên chuyên ngành này. 5 bài thơ của Lê Tấn Nghĩa đều là thơ tình trong không khí Đà Lạt, trong đó có những câu khắc họa rõ Đà Lạt của hôm nay nhiều sôi động và bớt mơ màng:

 

Thành phố mộng mơ trời tháng mười hanh quá

Nhữnh chiếc lá thông gầy mảnh mai đến lạ

Thành phố tình yêu bốn mùa xanh mát

Còn đọng lại chút tình trong sợi nắng treo nghiêng

 

Nếu Lê Tấn Nghĩa “chuyên trị” về thơ tình trong bối cảnh hiện tại ở Đà Lạt, thì tác giả Lưu Phúc lại thiên về hoài niệm những chuyện tình xưa qua 2 truyện ngắn mà anh nộp trại. Trong truyện của anh, Đà Lạt không rõ rệt là hôm nay hay hôm qua, mùa này hay mùa trước, bởi chạm vào một chút gì của Đà Lạt là bao ngẫm ngợi từ kỷ niệm xưa lại ăm ắp ùa về: “Trong màu nắng nhạt và se lạnh buổi chiều bên bờ hồ Than Thở, chúng tôi ngồi nhâm nhi giọt cà phê nhìn buổi chiều qua thật nhẹ, không biết tâm lý tha hương ngộ cố tri đã xóa mờ ranh giới của sự giữ kẽ hay là già rồi còn gì mà giữ, biết bao giờ mới có lại như hôm nay… nên tôi mơ hồ như đã nghe hơi thở của nhau. Tôi chỉ tay về phía Đồi thông hai mộ, kể cho Thanh nghe về cuộc tình đẹp và đức thủy chung của người con gái ấy, rồi mượn câu nói của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn kết thúc cuộc hội ngộ: Sống trên cuộc đời này chỉ có tình yêu và thân phận, thân phận thì hữu hạn mà tình yêu thì vô cùng, vậy ta hãy làm thế nào để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời…”. (Chút duyên còn lại)

 

Các tác phẩm tùy bút và truyện ngắn của nhà văn Trịnh Thị Phương Trà dạt dào cảm xúc; hai tác phẩm về nghiên cứu phê bình của PGS-TS Nguyễn Thị Thu Trang được viết công phu và tâm huyết, nhưng trong khuôn khổ bài viết này chủ yếu tập trung về bối cảnh ở Đà Lạt nên không đề cập chi tiết ở đây.

 

Rời xa Nhà sáng tác Đà Lạt, văn nghệ sĩ Phú Yên trở về với gia đình, với cơ quan và công việc thường ngày. Trong mỗi người chúng tôi chắc chắn sẽ còn đọng lại nhiều cảm xúc khó phai, và những tác phẩm được khơi nguồn từ Nhà sáng tác sẽ không chỉ dừng lại ở trại này.

 

HUỲNH VĂN QUỐC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek