Sao vội thế một lần về Đà Lạt/ Áo măng-tô chưa dạo phố cơ mà/ Ly cà phê chưa kịp truyền hơi ấm. Thi sĩ, ký giả Nguyễn Thanh Đạm - người viết những câu thơ ám ảnh này vừa nhẹ nhàng rời cõi tạm vào chiều tối 29/10.
Có những người quen mà khi nghe họ in thơ, tôi có cảm giác bất ngờ xen lẫn… hiển nhiên! Bởi họ không bao giờ xưng mình là người thơ, ngồi đâu… đọc thơ đó, không hề mưu cầu danh phận nhà thơ, muốn có tác phẩm… để đời. Thế nhưng lắng sâu trong cuộc sống của họ là một niềm yêu đời, yêu người, một tâm hồn thi sĩ bất tận.
Nguyễn Thanh Đạm là một trường hợp như thế. Sống bằng nghề báo (từ phóng viên đến Tổng Biên tập Báo Lâm Đồng), đặc biệt đam mê nhiếp ảnh, viết ký sự. Thế nhưng lặng sâu trong anh là một tâm hồn thi sĩ đa cảm, đa mang. Năm 2008, từ Đà Lạt, anh gởi tặng tôi tập thơ “Ngọn lửa” (NXB Hội Nhà văn). Anh nói qua điện thoại: “In tập thơ để kỷ niệm tuổi 50, chủ yếu cũng là do mấy ông bạn Uông Thái Biểu, Phạm Vũ, Hoàng Đình Quang, Lê Anh Dũng… xúi giục!”.
Nguyễn Thanh Đạm người Thái Bình nhưng đã gắn bó đời mình hơn bốn mươi năm với thành phố hoa Đà Lạt. Tập thơ “tặng chơi” này in đẹp, mở đầu là cái “tuyên ngôn” da diết:
Chân dung nhà báo Nguyễn Thanh Đạm. Ảnh: CTV |
Áo quần lụa lĩnh người ơi
Có che đậy hết phần đời gió sương…?
Câu thơ cúi hái bên đường
Nổi chìm ngọn gió mấy phương bạt về.
Nguyễn Thanh Đạm lúc nào cũng dốc lòng với đời, với người và đã ngộ ra “lụa lĩnh” chả phải là điều quan trọng nhất trong cuộc đời này. Quen biết anh nhiều năm, tôi biết đó cũng là một quan niệm hành xử như nhất trong anh, để rồi những âm trầm sâu xoáy chỉ có thể gởi gắm trong thơ. Nguyễn Thanh Đạm rất mực chân thành khi đặt bút làm thơ, bày tỏ cõi lòng.
Những năm cuối đời, khi chuyển sang làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng, sức sáng tạo văn chương trong anh lại càng bùng lên mãnh liệt, anh sống và viết đến kiệt cùng. Anh đi nhiều và để lại dấu ấn thơ lắm địa danh trong và ngoài nước nhưng những gì anh viết về quê hương (Thái Bình và Lâm Đồng) vẫn làm người đọc nhận rõ chất thi sĩ trong anh hơn cả:
Sao vội thế một lần về Đà Lạt
Áo măng-tô chưa dạo phố cơ mà
Ly cà phê chưa kịp truyền hơi ấm
Dẫu biết ngày trở lại ít thôi.
Thơ là cách ghi cảm xúc trở trăn, bất chợt trong đời của Nguyễn Thanh Đạm và những tự sự không dễ gì nói được bằng lời:
Như con thú bị thương, tôi lao về nhà
Giấu trong lòng những mũi tên sắc nhọn
Tôi rên rỉ thốt ánh nhìn ân hận
Giữa hang nhà, con thú hoang bình tâm.
Và rốt cùng, Nguyễn Thanh Đạm tự tin “Tôi đã tìm thấy tôi”:
Tựa tổ chim treo trên vách núi
Một căn phòng nhỏ nhoi
Giúp tôi tìm lại tôi
Lối lên hàng trăm bậc.
Ấy là anh nghệ thuật hóa về ngôi nhà cheo leo vách núi của mình, bằng lòng với những gì hiện có để vui vầy cùng vợ con, bầu bạn và trăng gió xứ sương mù. Đó cũng là ngôi nhà an bằng của tâm tưởng một kẻ đa đoan, với những câu thơ “cúi hái bên đường” đau đáu nỗi niềm nhân tình thế thái.
Tiễn biệt ký giả, thi sĩ Nguyễn Thanh Đạm - người đã cháy hết lòng với bao buồn vui cuộc đời. Xin kết những dòng tâm hương này bằng bài tứ tuyệt “Ưu tư” của Nguyễn Thanh Đạm để cảm nhận rằng anh đã chạm đến cõi thơ:
Nâng chén rượu biết ngày trong hay đục
Trước sắc hoa cảm nhận nỗi vui, buồn
Ngâm ngợi câu thơ hiểu lòng thi sĩ
Sao với nhân tình… khó thấy nông sâu!
ĐÀO ĐỨC TUẤN