Thứ Ba, 14/01/2025 00:22 SA
Điện ảnh Việt tái khởi động trong khó khăn và thách thức
Thứ Ba, 13/10/2020 15:00 CH

Dịch COVID-19 kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến điện ảnh Việt Nam. Phóng viên Báo Phú Yên đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi với ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh về những thách thức và những nỗ lực vượt qua khó khăn của ngành Điện ảnh.

 

* Thưa ông, dịch COVID-19 đã tác động đến ngành Điện ảnh như thế nào? 

 

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành

 - Dịch COVID-19 tác động rất xấu và trực tiếp đến toàn hệ thống ngành Điện ảnh, từ khâu sản xuất đến phát hành phim. Hàng loạt dự án phim không thể thực hiện theo kế hoạch, nhưng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là khâu phát hành và phổ biến phim (PBP). Các rạp chiếu phim đóng cửa, nhiều liên hoan bị hủy hoặc hoãn lại.

 

Một số bộ phim bom tấn dự kiến phát hành vào giữa tháng 3 và tháng 7/2020 đã bị hoãn hoặc hủy trên toàn thế giới. Việc sản xuất phim cũng bị tạm dừng, doanh thu phòng vé toàn quốc giảm mạnh... Hệ thống các cụm rạp trong cả nước nói chung, Phú Yên nói riêng đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

 

Hơn một tháng qua, trong nước không có ca lây nhiễm cộng đồng, dịch COVID-19 được kiểm soát, ngành Điện ảnh đang tái khởi động các hoạt động phát hành, PBP. Các đội chiếu phim lưu động tiếp tục PBP phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số (DTTS), vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Trong khi đó, các nhà sản xuất phim đang tích cực tuyên truyền, giới thiệu hoạt động tại các rạp chiếu phim... Nhìn chung, ngành Điện ảnh Việt Nam đã vượt qua khó khăn trước mắt.

 

* Vì sao công tác PBP, nhất là tuyên truyền, PBP tới người dân vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS, vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn vẫn rất cần được quan tâm và tăng cường đầu tư trong tình hình hiện nay, thưa ông?

 

- Công tác PBP của ngành Điện ảnh đang gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do các nguồn phim cấp về cho các đơn vị điện ảnh địa phương rất hạn chế. Thứ hai, truyền hình đã đi đến từng ngõ ngách của buôn làng, hộ gia đình nên cần đổi mới công tác PBP.

 

PBP là hoạt động thiết thực, ngoài tuyên truyền đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, cập nhật những vấn đề thời sự của từng địa phương thì đây còn là dịp để giới thiệu các tác phẩm điện ảnh đến người dân vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, giúp bà con nơi đây được thưởng thức những tác phẩm điện ảnh hay của Việt Nam. Vì vậy, công tác PBP vẫn rất cần được quan tâm và tiếp tục đầu tư.

 

* Theo Cục trưởng, trước nhiều thách thức, ngành Điện ảnh có những giải pháp gì để thực hiện tốt công tác PBP, nhất là đáp ứng nhu cầu văn hóa - giải trí của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS, vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn?

 

- Các chương trình, hoạt động của các đơn vị điện ảnh địa phương, cụ thể các tác phẩm đã phổ biến đều được chọn lọc kỹ lưỡng trước khi đưa vào chương trình chiếu phim lưu động, phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS, vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Các chương trình này đều đạt yêu cầu cũng như đảm bảo việc tuyên truyền về đường lối, chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, sự đầu tư của Nhà nước cũng như các địa phương cho PBP rất hạn chế nên còn gặp nhiều khó khăn.

 

Công tác PBP của ngành Điện ảnh đang gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là các nguồn phim cấp về cho các đơn vị điện ảnh địa phương rất hạn chế. Thứ hai, truyền hình đã đi đến từng ngõ ngách của buôn làng, hộ gia đình nên cần đổi mới công tác PBP.

 

Hơn nữa, trên các trang mạng xã hội, internet hiện nay có nhiều bộ phim không đảm bảo chất lượng, không mang tính nghệ thuật, nội dung không phù hợp với văn hóa truyền thống Việt Nam. Vì vậy, để kiểm soát thị trường phim cần có sự phối hợp chặt chẽ của Bộ VH-TT-DL, Bộ TT-TT và có những giải pháp nhằm tạo nên những rào cản kỹ thuật, ngăn chặn sự xuất hiện tràn lan của những bộ phim kém chất lượng.

 

Tuần phim cách mạng tại rạp Hưng Đạo, TP Tuy Hòa. Ảnh: THIÊN LÝ

 

Nhân lớp bồi dưỡng PBP diễn ra ở Phú Yên, chúng tôi rất mong nhận được nhiều ý kiến phản hồi, đóng góp của các đơn vị, địa phương để cùng nhau rút kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp phù hợp cho công tác PBP trong điều kiện hiện nay.

 

* Vậy trong thời gian tiếp theo, Cục Điện ảnh có kế hoạch hỗ trợ gì cho điện ảnh các địa phương, thưa ông?

 

- Về cơ sở vật chất, các sở VH-TT-DL cần quan tâm, hỗ trợ đầu tư cho điện ảnh địa phương hơn nữa. Riêng Cục Điện ảnh sẽ cố gắng cung cấp nguồn phim chất lượng, hấp dẫn hơn cho điện ảnh cả nước; đồng thời đặc biệt quan tâm đến các nội dung, điều khoản về phát hành, PBP trong Luật Điện ảnh sửa đổi, để có những quy định cụ thể, nhằm kiểm soát tình hình phim xuyên biên giới đang tràn vào từng gia đình hiện nay cũng như các quy định về hỗ trợ cho hệ thống phát hành phim.

 

Theo tôi, Phú Yên là một trong những địa phương nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh về đầu tư kinh phí để tổ chức các hoạt động điện ảnh. Tuy nhiên vẫn cần nhiều sự quan tâm đầu tư của Nhà nước về rạp chiếu, máy móc, trang thiết bị, kinh phí hoạt động và các đội chiếu phim lưu động, những người thường xuyên về các vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS, vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, để đáp ứng nhu cầu văn hóa của người dân.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

THIÊN LÝ (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek