Đại hội toàn quốc Hội Điện ảnh Việt Nam lần thứ IX nhiệm kỳ 2020-2025 vừa diễn ra trong 3 ngày từ 19-21/9/2020 tại Hà Nội với gần 400 hội viên trên tổng số 490 hội viên cả nước tham dự. Đại hội là dịp để những người làm công tác quản lý, sáng tác, phê bình… trên lĩnh vực điện ảnh, truyền hình cả nước gặp gỡ, chia sẻ chuyện nghề, những trăn trở trong cuộc sống.
Trước sự thay đổi nhanh chóng của công chúng trong lĩnh vực nghe nhìn nói chung, điện ảnh truyền hình nói riêng, đặc biệt là sự lên ngôi của truyền thông mới trên nền tảng internet, rất cần một “luồng gió mới” cho điện ảnh, truyền hình, nhất là khâu phát hành, tiếp cận công chúng…
Nguồn thu sụt giảm
Những rạp chiếu phim màn ảnh rộng đầu tư bạc tỉ, có buổi chiếu chỉ bán được… 1 vé! Nguồn thu từ quảng cáo trên truyền hình từ đầu năm đến nay sụt giảm nghiêm trọng. Tất nhiên, một phần bởi ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Do đó, nhu cầu quảng cáo trên truyền hình cũng cắt giảm theo.
Nhiều nghệ sĩ sáng tác điện ảnh phải làm thêm nhiều công việc khác để lo toan cuộc sống. Nhiều đơn vị sản xuất nội dung phải giảm bớt nhân sự, cắt giảm chi phí sản xuất… Đó là bức tranh ảm đạm của ngành điện ảnh, truyền hình nhiều quốc gia nói chung chứ không riêng Việt Nam.
Tuy nhiên, điều quan trọng là khi truyền thông mới lên ngôi, việc thay đổi thói quen tiếp cận công chúng trong lĩnh vực nghe nhìn chưa theo kịp thực tiễn cuộc sống. Giờ đây, số đông công chúng tìm kiếm thông tin, xem phim, nghe nhạc trên Facebook, YouTube, Google… nhiều hơn đọc báo giấy, xem ti vi hoặc nghe đài… ra rạp xem phim thì càng ít hơn, đối với tỉnh nhỏ. Vì vậy, nguồn thu từ quảng cáo chuyển dần từ phát hành phim ảnh, truyền hình sang truyền thông xã hội là điều khó tránh khỏi.
Chỉ tính riêng vấn đề kinh tế lĩnh vực phát thanh, truyền hình, qua khảo sát của Bộ TT-TT, ở Trung ương chỉ có 2 đơn vị là VTV và VTC (thuộc VOV) là đơn vị tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên; 5 kênh truyền hình còn lại của các cơ quan báo chí là đơn vị tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên.
Ở địa phương, qua khảo sát 64 đài phát thanh, truyền hình địa phương cho thấy, chỉ có 17/64 đài (chiếm 27%) là đơn vị tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên. Lĩnh vực sản xuất, phát hành phim, cả phim truyện và phim tài liệu của các hãng phim nhà nước lẫn tư nhân, đang gặp rất nhiều khó khăn…
Nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu
Các báo cáo tại đại hội cho thấy, ngoài vấn đề nhân sự của nhiệm kỳ mới, rất nhiều vấn đề được đề cập, nhất là giải quyết những yếu tố làm cho điện ảnh Việt Nam gặp khó khăn để trở thành một nền công nghiệp đích thực theo xu hướng chung của thế giới.
Không tính phim truyện truyền hình, từ năm 2015 đến nay, mỗi năm có trên dưới 40 phim truyện được sản xuất và phát hành. So với trước, đây là bước tăng trưởng về số lượng. Chất lượng phim dù chưa ổn định, nhưng vẫn có những phim ấn tượng.
Đội ngũ các nhà làm phim ngày càng đông, nhất là các nhà làm phim gốc Việt ở nước ngoài về nước đã thổi một “làn gió mới” cho điện ảnh nước nhà. Sự tham gia nhiều vị trí trong đoàn làm phim là người nước ngoài cũng giúp cho việc giao lưu, học hỏi, góp phần nâng tính chuyên nghiệp cho phim truyện Việt Nam, nhất là về kỹ thuật, montage (dựng phim)...
So với yêu cầu, rõ ràng nguồn nhân lực cho điện ảnh Việt Nam chưa đáp ứng nhu cầu. Việt Nam thiếu những biên kịch giỏi, nắm bắt được cơ chế thị trường, thị hiếu công chúng để viết kịch bản, chất liệu quan trọng đầu tiên để có phim hay. Mặt dù các đạo diễn đều cố gắng trẻ hóa, mới lạ, nhưng diễn viên cũng chừng đó gương mặt quen thuộc... Nhà sản xuất, phát hành phim chuyên nghiệp để mang lại hiệu quả kinh tế cho phim cũng thiếu vắng và chưa chuyên nghiệp...
Về công tác quản lý nhà nước, sau 13 năm Luật Điện ảnh (hiệu lực từ ngày 1/1/2007) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh (hiệu lực từ ngày 1/10/2009), trước sự bùng nổ của khoa học, kỹ thuật, công nghệ thông tin, Luật Điện ảnh đã bộc lộ nhiều hạn chế, đòi hỏi phải được sửa đổi cho phù hợp, quy định được chính sách để bảo vệ điện ảnh dân tộc. Một bất cập dễ nhận diện là chưa quy định tỉ lệ chiếu phim Việt Nam ở các phòng chiếu và khung giờ chiếu; tỉ lệ phòng chiếu phim của doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài… Vì vậy, mỗi năm chỉ có khoảng 40 phim của Việt Nam chiếu ở rạp, trong khi phim nhập khẩu lên tới hơn 200 phim.
Hiện trong số hơn 900 phòng chiếu phim, các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài chiếm hơn 60%, công ty tư nhân chiếm gần 30% và đơn vị nhà nước chỉ quản lý 10%. Phim Việt sản xuất không có phòng chiếu, không được chiếu vào các giờ vàng, tỉ lệ chia doanh thu chưa sòng phẳng là thực tế từ nhiều năm nay. Đặc biệt, vấn đề phát hành phim trên môi trường internet cũng chưa được đề cập đầy đủ trong Luật Điện ảnh.
“Làn gió mới” của nhiệm kỳ IX mà nhiều người mong đợi đó là một ban chấp hành được trẻ hóa, có đại diện cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, sẽ góp phần đưa điện ảnh Việt Nam phát triển cùng các nền điện ảnh khu vực, thế giới…
Ban chấp hành ra mắt đại hội. Ảnh: MINH TRÍ |
Tạo môi trường thuận lợi để phát triển điện ảnh
Đến dự và phát biểu tại đại hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển của xã hội. Nghị quyết 33-NQ/TW (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”, cùng nhiều văn kiện, chiến lược của Đảng, Nhà nước đã nhất quán xác định vai trò quan trọng của văn hóa, văn học nghệ thuật trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, cũng như quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển văn hóa, nghệ thuật giai đoạn tới.
Phó Thủ tướng hy vọng, Hội Điện ảnh Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia nhiều hơn, hiệu quả hơn vào công tác đóng góp xây dựng chính sách, phản biện xã hội, nhằm tạo môi trường ngày càng thuận lợi cho phát triển điện ảnh nói riêng, nghệ thuật nói chung và rộng hơn là phát triển đất nước. Hội Điện ảnh Việt Nam cũng sẽ tiếp tục là cầu nối không thể thiếu với các hội, tổ chức và với cộng đồng điện ảnh quốc tế.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, trực tiếp là Bộ VH-TT-DL, Bộ TT-TT… cùng các cấp chính quyền, địa phương quan tâm phối hợp, tạo điều kiện để Hội Điện ảnh, ngành Điện ảnh hoàn thành sứ mệnh cao cả; để các nghệ sĩ điện ảnh, truyền hình bằng tài năng, trách nhiệm, tình yêu nghệ thuật sẽ cho ra đời nhiều tác phẩm hay, hấp dẫn, có giá trị nghệ thuật, tư tưởng cao, góp phần quan trọng phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Chi hội Điện ảnh Phú Yên hiện có 21 hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam công tác tại VTV8, VTV9, VTV5, Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên, Sở TT-TT. Với tinh thần trách nhiệm và tình yêu nghề nghiệp, hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam Chi hội Phú Yên đã và đang đóng góp nhiều tác phẩm điện ảnh và truyền hình có giá trị, góp phần quảng bá hình ảnh đất và người Phú Yên trong quá trình xây dựng, phát triển về mọi mặt.
Ban Chấp hành Hội Điện ảnh Việt Nam khóa IX gồm:
Diễn viên Mai Huyền Linh, NSƯT Công Hậu, NSƯT Đỗ Thanh Hải, Chánh Văn phòng Hội Điện ảnh Việt Nam Nguyễn Văn Tân, biên kịch Dương Cẩm Thúy, NSND - đạo diễn Lê Hồng Chương, diễn viên Mai Thu Huyền, PGS-TS và họa sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú, NSƯT Thanh Loan, NSND Nguyễn Thanh Vân, đạo diễn Huỳnh Hùng, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, Phạm Ánh Tuyết, NSƯT Trịnh Lê Văn, Châu Ngọc Ẩn. |
THANH HƯNG