Chủ Nhật, 06/10/2024 09:41 SA
Thầy trò mùa COVID
Chủ Nhật, 26/04/2020 06:00 SA

Trường học tạm nghỉ - một kỳ nghỉ dài chưa từng thấy. Những kỳ thi đang chờ phía trước, còn hàng loạt bài học trong chương trình và vân vân...

 

Cái khó ló cái khôn. Nghỉ dịch COVID đã tạo nên hình thức dạy - học mới theo phương châm: Giáo viên không đi dạy, học sinh không đến trường không có nghĩa là hết học. Thầy, trò tranh thủ tận dụng tất cả các tiện ích của Facebook, Zalo, Gmail để tiếp tục. Giải pháp này sẽ giúp giáo viên, học sinh không lãng phí thời gian trong kỳ nghỉ, sẽ giải quyết khó khăn trước mắt việc nhà trường tạm đóng cửa. Nhưng việc học online có nhiều cái khó. Đặc biệt với những học sinh lớp nhỏ, chưa có/chưa dùng tài khoản online, nhiều em thiếu thiết bị nên tham gia không nhiều. Chưa kể việc thầy trò không gần gũi nên khó truyền giảng, khó quản lý. Nhiều người lo ngại chuyện giáo viên và học sinh tương tác kém, hiệu quả của dạy - học online khối phổ thông liệu có thật? Tôi xin trả lời như sau.

 

Đúng là không thể đòi hỏi cao kết quả dạy học online được. Học sinh THPT, đa số các em có thiết bị để học online nhưng cái đặc biệt quan trọng mà các em lại thiếu đó là tinh thần học tập. Tinh thần học tập đã không có (hoặc có ít) thì dám nói gì đến tự học. Mà học online yêu cầu tính tự học phải rất cao. Ngày thường lên lớp, giáo viên phải luôn miệng nhắc, có khi còn phải lớn tiếng mà bây giờ ngồi học từ xa, thiệt là quá khó. Nhưng sự thể đâu còn cách nào hiệu quả hơn, vậy là ra sức kêu gọi học sinh, vận động phụ huynh cùng phối hợp để việc học online suông sẻ hơn, và có kết quả ít nhiều - chỉ mong vậy.

 

Việc dạy - học online bắt đầu. Giáo viên gửi bài học, bài tập và học sinh trả bài qua internet. Học sinh hưởng ứng không nhiều, ban đầu tôi cũng thấy hụt hẫng. Nhưng một ngày, tôi nhận được mail học trò, em gọi cô xưng con, rồi qua Messenger, học sinh xin được nộp bài. Tôi đọc bài liền, nhận xét tỉ mỉ, học sinh liền sửa và nộp lại. Riêng việc học Văn thì kiểu học này rất hiệu quả. Trò viết, cô sửa, trò viết… cứ như vậy, năng lực hoàn thiện sẽ ngày một cao. Dù có không nhiều những hồi âm tích cực như vậy nhưng cô giáo dạy Văn như tôi cũng được an ủi nhiều sau những chuyên đề, video mình đã dồn tâm sức gửi đến học trò.

 

Ngày hôm qua, tôi nhận được một bức ảnh từ đồng nghiệp. Anh chụp gửi tôi toàn màn hình cuộc trò chuyện giữa thầy giáo và học trò. Bên dưới ghi, chỉ một câu như vậy của học trò mà thầy giáo cảm thấy vui, khao khát muốn chia sẻ với ai đó. Tôi hiểu cảm giác này, cảm giác tình yêu thương được cho đi - nhận về. Thầy giáo dồn tâm huyết của mình vào bài học online, thể hiện sự lo lắng của mình bằng lời nhắn. Và học trò đã hiểu được thứ ngôn ngữ tưởng chỉ xã giao đó. Các em, như lời động viên ngược, dặn thầy cô an tâm, tụi em không đi đâu, chỉ ở nhà và cố gắng học.

 

Không quy ước mà như một công thức tự nhiên của bản năng thầy - trò, dưới mỗi bức thư điện tử, cả thầy và trò đều ghi: Thầy cô (các em) nhớ giữ gìn sức khỏe trong mùa dịch. Nhớ thầy cô (các em) rất nhiều, mong sớm ngày trở lại trường! Câu này mới nghe qua tưởng lẽ thường xã giao nhưng với người trong cuộc thì trào dâng cảm xúc. Đó là hạnh phúc khi tình thầy trò được thể hiện kín đáo trong hoàn cảnh cam go.

 

NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek