Tết Canh Tý đang đến rất gần. Một trong những hoạt động phục vụ người dân tỉnh nhà vui xuân, đón Tết mang đậm nét đặc trưng của văn hóa dân tộc, đó là Triển lãm tranh dân gian truyền thống Việt Nam vừa được Sở VH-TT-DL phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức tại Bảo tàng tỉnh.
Diễn ra đến hết ngày 10/2 (tức 17 tháng Giêng), triển lãm tập trung giới thiệu bức tranh văn hóa truyền thống nhiều sắc màu, đưa đến cho người dân địa phương, nhất là các em học sinh và du khách những cảm nhận thú vị về phong tục tập quán độc đáo gắn với ngày xuân của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là một trong những hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2 và đón Tết Nguyên đán Canh Tý.
Bức tranh đa sắc
Triển lãm giới thiệu 68 bức tranh tiêu biểu, được chọn lọc từ Bộ sưu tập mỹ thuật tranh dân gian truyền thống của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, với nhiều dòng tranh dân gian nổi tiếng như: Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống, Kim Hoàng (Hà Nội), Làng Sình (Huế) và tranh thờ Vũ Di (Vĩnh Phúc), Độc Lôi (Nghệ An). Mỗi dòng tranh có lối thể hiện riêng biệt nhưng đều mang đậm bản sắc dân tộc và đều thể hiện ước vọng ngàn đời của người dân về một cuộc sống tốt đẹp, hòa bình, ấm no và hạnh phúc. Trước hết phải nói đến tranh Đông Hồ - loại tranh dân gian rất nổi tiếng.
Tranh được in từ những bản khắc bằng gỗ mít trên giấy dó với nhiều màu sắc tươi tắn, sống động. Tranh Đông Hồ chủ yếu phục vụ người dân lao động ở vùng nông thôn, có vẻ đẹp mộc mạc dân dã, từ chất liệu, nội dung đến hình thức thể hiện. Nội dung, đề tài của tranh mang ý nghĩa tôn giáo, tâm linh hay chúc tụng ngày Tết, tranh sinh hoạt, tranh họa theo thơ, tranh châm biếm như: Đại cát, Nghinh xuân, Vinh hoa, Phú Quý, Gà đàn, Lợn đàn...
Ngoài ra, còn phải kể đến những bức tranh Hàng Trống chuyên phục vụ tầng lớp thị dân có sắc thái rất riêng: màu sắc rực rỡ, nét vẽ tỉ mỉ mềm mại, tinh tế, thể hiện tâm lý ước mong, cầu phúc năm mới như: Cá chép trông trăng, Chim công, Bà Chúa Thượng Ngàn... Bên cạnh đó là các tranh thờ đạo giáo của dòng tranh Vũ Di và các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc và Nghệ An như: bộ tranh Thập Điện, Quan Âm Nhị Thánh, Ngựa Hồng, Ngựa Bạch...
Đề tài được thể hiện nhiều trong triển lãm là tranh sinh hoạt phản ánh cuộc sống lao động, sản xuất của nhà nông, cảnh gieo mạ, cấy lúa ngoài đồng, mục đồng chăn trâu, thổi sáo, những phiên chợ quê... hay đề tài thờ cúng đậm nét tín ngưỡng, tâm linh, nhưng mang ý nghĩa giáo dục nhân cách con người trong cuộc sống thường ngày.
Đặc biệt, trong rất nhiều thông điệp người xưa gửi gắm trong tác phẩm tranh dân gian, luôn có sự ước muốn, điều cầu mong và những thông điệp tốt đẹp để truyền đạt cho nhau trong dịp đầu xuân về một cuộc sống bình yên, hạnh phúc, sung túc, vạn vật sinh sôi phát triển. Chính những triết lý ấy đã tạo cho tranh dân gian Việt Nam một chỗ đứng bền lâu trong lịch sử và truyền thống văn hóa của dân tộc, trở thành nét đặc sắc trong đời sống tinh thần của người Việt.
Bên cạnh đó, triển lãm còn giới thiệu và hướng dẫn kỹ thuật in một số dòng tranh dân gian như Đông Hồ, Làng Sình và nghệ thuật đồ họa nhằm tạo nên một sân chơi nghệ thuật dành cho mọi lứa tuổi.
Em Hồ Thị Trâm Anh, học sinh lớp 7B, Trường THCS Hùng Vương (TP Tuy Hòa), chia sẻ: “Đến với triển lãm này, em không chỉ thỏa thích ngắm nhìn các bức tranh dân gian được in, vẽ một cách rất độc đáo, thể hiện nét tinh hoa trong ngón nghề, sự tinh tế trong thẩm mỹ, mà còn được tìm hiểu về trào lưu chơi tranh của người Việt xưa”.
Gìn giữ nghệ thuật truyền thống
Cô Võ Thị Nhất, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hùng Vương, bày tỏ: “Đây là hoạt động thiết thực và ý nghĩa nhằm giới thiệu những nét đẹp của tranh dân gian Việt Nam, góp phần giáo dục ý thức gìn giữ những phong tục, nghi lễ, những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc đến các em học sinh. Trong chương trình học môn Mỹ thuật, các em đã được tiếp xúc với các loại tranh dân gian Việt Nam nhưng còn khá hạn chế. Vì vậy, đây là cơ hội giúp học sinh được tận mắt thấy và tìm hiểu thêm nhiều dòng tranh dân gian. Nhà trường mong muốn sẽ có nhiều hoạt động tương tự để học sinh được trải nghiệm”.
Ông Phạm Văn Bảy, Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên cho biết: “Triển lãm “Tranh dân gian truyền thống Việt Nam” lần đầu tiên được tổ chức tại Phú Yên với mục đích giới thiệu, phổ biến rộng rãi những nét đẹp văn hóa, giá trị nghệ thuật đặc trưng của các dòng tranh dân gian truyền thống đến với đông đảo người dân địa phương và khách du lịch đến Phú Yên trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Đây cũng là dịp để người dân địa phương, nhất là thế hệ trẻ được tiếp cận, tham quan tìm hiểu, trải nghiệm in tranh, để từ đó hiểu hơn những giá trị, ý nghĩa của các tác phẩm, các dòng tranh dân gian, khơi dậy niềm tự hào về văn hóa truyền thống của dân tộc, tích cực tham gia vào việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc”.
Tranh dân gian Việt Nam xuất hiện từ lâu đời, được giữ gìn, bảo tồn và phát triển qua các giai đoạn lịch sử của đất nước. Kho tàng tranh dân gian Việt Nam khá phong phú, đa dạng, muôn màu muôn vẻ, thấm đẫm tâm hồn trong trẻo, chứa đựng tính nhân văn của nhân dân lao động, được thể hiện bằng trí thông minh, khả năng khéo léo, sự cách điệu hóa và kỹ thuật điêu luyện của những nghệ nhân dân gian. Tất cả đã tạo nên diện mạo, ngôn ngữ nghệ thuật riêng biệt, giàu sức sống, đi sâu vào đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Kho tàng tranh dân gian đã đóng góp đáng kể vào nền mỹ thuật, đồng thời là tài sản quý giá trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam. Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Bùi Thị Thanh Mai |
THIÊN LÝ