Tác giả Dư âm, Mẹ yêu con, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Dáng đứng Bến Tre... đã về cõi vĩnh hằng. Sự ra đi của ông là mất mát lớn đối với nền âm nhạc nước nhà.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý trong chương trình Nghệ sĩ tri âm lần thứ 3 do NSND Kim Cương tổ chức. Nguồn: NLĐ |
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý qua đời vào tối 26/12 tại nhà riêng trên đường Trần Khắc Chân (quận 1, TP Hồ Chí Minh), sau thời gian chống chọi với rất nhiều căn bệnh của tuổi già, hưởng thọ 94 tuổi.
Tác giả Dư âm, Mẹ yêu con… sinh năm 1925 tại Vinh (Nghệ An), quê gốc ở Sóc Sơn (Hà Nội). Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc; cha ông thạo cả hát văn, hát chèo và hát ả đào.
Năm 1945, Nguyễn Văn Tý tham gia phong trào Việt Minh, sáng lập và xây dựng đoàn kịch thơ, kịch nói của Thanh niên Cứu quốc Nghệ An. Khi là Trưởng Phòng Thông tin tuyên truyền huyện Thanh Chương, ông sáng tác ca khúc đầu tay Ai xây chiến lũy (1949). Và rồi các ca khúc: Vượt trùng dương (1952), Tiếng hát Dôi-a (1953), đặc biệt là ca khúc nổi tiếng Mẹ yêu con (1956) lần lượt ra đời. Cuối năm 1957, ông cùng với nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao được chỉ định thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Sau đó, ông đã viết một số ca khúc như: Chim hót trên đồng đay (1963), Dòng nước quê hương (1963), Tiễn anh lên đường (1964), Múa hát mừng chiến công (1966)... Công chúng yêu mến ông qua những nhạc phẩm: Dư âm, Dáng đứng Bến Tre, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Cô nuôi dạy trẻ…
Có sự nghiệp thành công nhưng ở tuổi xế chiều, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sống trong một căn nhà cũ kỹ với đồ đạc sơ sài ở quận 1, TP Hồ Chí Minh. Ông chỉ mong có người đến để được nói chuyện, dù người lạ hay người quen. Sự ra đi của ông là mất mát lớn đối với nền âm nhạc nước nhà. NSND Kim Cương xúc động: “Tôi nhớ mãi lần gặp ông trong chương trình Nghệ sĩ tri âm do tôi tổ chức nhằm trao quà cho nghệ sĩ nghèo và những nhạc sĩ đã có nhiều cống hiến cho âm nhạc nước nhà. Ông ngồi xe lăn đến tham dự. Cầm tay tôi, ông xúc động nói: “Còn nhiều anh em nghệ sĩ sân khấu và các lĩnh vực cần giúp đỡ hơn tôi, cô hãy cho tôi nhường phần của tôi lại”. Rồi ông khóc”.
VIỆT PHƯƠNG (tổng hợp)