Với quyết tâm xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng dân cư, thời gian qua, việc triển khai thực hiện nếp sống văn minh (NSVM) trong việc cưới, việc tang và lễ hội luôn được các cấp quan tâm chỉ đạo và thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng dân cư.
Là xã vùng sâu, vùng xa có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhiều phong tục ăn sâu vào nếp nghĩ nhưng trong thời gian qua người dân ở thôn Kỳ Đu (xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân) thực hiện khá nghiêm túc NSVM trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Chuyển biến tích cực
Trưởng thôn Kỳ Đu La Mo Quạnh cho biết: “Trước đây, mỗi khi gia đình nào có người mất hay cưới hỏi thì cả thôn đến tổ chức mổ heo, mổ trâu ăn uống linh đình. Nhưng từ khi phát động thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang và lễ hội; xây dựng gia đình văn hóa; thôn, buôn, khu phố văn hóa, bà con đã có sự đổi thay, dần xóa bỏ những tập tục lạc hậu và có sự chuyển biến rõ nét đối với việc thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang”.
Theo ông Nguyễn Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2, chính quyền, Mặt trận đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa các quy định về thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang vào hương ước, quy ước của thôn, buôn. Đến nay, nhận thức của người dân được nâng cao, việc tang được tổ chức tiết kiệm, văn minh. Cùng với đó, các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội trên địa bàn xã được thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước và phát huy được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Hay ở thôn văn hóa Vĩnh Xuân (xã Hòa Tân Đông, huyện Đông Hòa), trước kia mỗi khi có đám tang là vàng mã rải dọc đường, nay người dân chỉ dùng những cánh hoa vạn thọ hoặc hoa cúc để rải; cũng không tổ chức rình rang, tốn kém. Ông Dương Minh Hiếu, người dân thôn này chia sẻ: “Mỗi khi gia đình nào có người mất, bà con chỉ thuê đội an táng, tổ chức gọn nhẹ, không tổ chức thổi nhạc tang quá 22 giờ hôm trước và không trước 5 giờ sáng hôm sau”.
Theo ông Ngô Viết Hải, Trưởng Phòng VH-TT huyện Đông Hòa, tình trạng sử dụng vàng mã trong đám tang ở địa phương dần được khắc phục. Một số gia đình tuy vẫn còn dùng vàng mã trong cúng kính, ma chay nhưng dùng rất ít, chỉ mang tính biểu trưng như ở thôn Vĩnh Xuân, xã Hòa Tân Đông. Đông Hòa đang nghiên cứu nhân rộng mô hình này trên toàn địa bàn huyện.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL, thời gian qua, sở này đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo đúng quy định của Nhà nước. Ban tổ chức lễ hội đã chú trọng công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc, giá trị, ý nghĩa của lễ hội và mục đích tổ chức lễ hội, qua đó nâng cao ý thức của các cấp, các ngành, nhân dân và du khách trong việc thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội. Trong các lễ hội truyền thống, phần lễ được tiến hành trang trọng, theo đúng nghi thức cổ truyền, phần hội được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao phong phú như: cắm trại, văn nghệ, hội bài chòi, hát tuồng, các trò chơi dân gian...
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Cũng theo bà Nguyễn Thị Hồng Thái, để đạt được kết quả đó, các địa phương đã gắn việc thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang và lễ hội với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời nêu gương tốt, nhân rộng những mô hình hay, việc làm thiết thực của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên; kịp thời phê phán những hiện tượng tiêu cực, hủ tục mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội. Cùng với đó, đưa nội dung thực hiện NSVM vào hương ước, quy ước để thực hiện, là cơ sở cho việc bình xét các danh hiệu gia đình văn hóa, làng văn hóa; tổ chức cho nhân dân đăng ký, ký cam kết thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Cách làm này đã giúp việc thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang và lễ hội nhận được sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân. Qua đó hình thành môi trường văn hóa lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, những giá trị truyền thống tốt đẹp được giữ gìn và phát huy.
Tuy nhiên, hiện ở một số nơi vẫn còn tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội với các nghi thức rườm rà, tốn kém. Vì vậy, ngành Văn hóa cần cónhững quy định cụ thể về việc này để các địa phương, đơn vị hướng dẫn người dân thực hiện, nâng cao hơn nữa ý thức cũng như việc chấp hành quy định pháp luật. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện NSVM; bổ sung hoàn thiện quy ước, hương ước của từng thôn, buôn cho phù hợp với tình hình hiện nay; tăng cường vai trò giám sát của Ban chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa các cấp về thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang và lễ hội; kịp thời chấn chỉnh xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
“Thực hiện NSVM, thời gian qua, các địa phương, đơn vị triển khai việc rà soát, bổ sung, xây dựng nội dung hương ước, quy ước phù hợp với thuần phong mỹ tục, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, nâng cao nhận thức của người dân trong thực hiện việc cưới, việc tang và lễ hội; lồng ghép phổ biến nội dung thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang vào các lớp tập huấn, các buổi tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng khu dân cư,... mang lại hiệu quả”.
Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên Nguyễn Thị Hồng Thái |
THIÊN LÝ