Vào một buổi chiều của năm 1970, anh Đoàn Đại Oanh chạy chiếc Honda đam cũ chở một thanh niên đến chỗ tôi ở số 2A đường Hải Thượng, TP Đà Lạt (lúc ấy thuộc tỉnh Tuyên Đức). Oanh giới thiệu đôi bên và gợi ý cho anh ta lưu trú lại đây. Nhìn người thanh niên vui vẻ, dáng thư sinh hiền lành nhưng ẩn chứa nét phong trần rắn rỏi, lại tin tưởng chỗ anh bạn Đoàn Đại Oanh đưa đến, không một chút do dự tôi đồng ý ngay. Vậy là tôi kết bạn với thi sĩ Lê Văn Ngăn từ hôm đó.
Phòng trọ 2A nơi đầu đường Hải Thượng được gia đình thuê cho tôi và cô em út dưới Phú Yên lên trọ học. Tôi học Trường đại học Văn khoa còn người em học ở trung học bán công Quang Trung. Gian phòng chưa tới 15m2, giờ có thêm anh Lê Văn Ngăn nên thêm rộn rã.
Từ ngày anh đến ở chung, phòng tôi không bao giờ vắng khách. Lúc thì người em ruột Lê Văn Kịch lặn lội từ quê nhà lên thăm, khi thì anh Trịnh Xuân Tịnh từ Sài Gòn đánh xe lên nhờ Lê Văn Ngăn tìm giúp ông anh Trịnh Công Sơn (vì bấy giờ nhạc sĩ đang ẩn ở Đà Lạt), lúc có Nguyễn Lệ Tuân ở tạp chí Ý Thức (nam miền Trung) lên ghé qua đêm, rồi anh Ngô Thế Lý (Chủ tịch Sinh viên Phật tử) tới đặt bài viết cho tập san Tin Tưởng. Lại thêm nhóm bạn sinh viên sắp tốt nghiệp Trần Xuân Phong, Đỗ Văn Nghĩa, Lê Văn Nhất (phường 6, Tuy Hòa) đến bàn bạc rôm rả chuyện sinh hoạt văn nghệ ở trường đại học. Có khi anh Trần Hữu Lục dạy ở Trường nữ trung học Bùi Thị Xuân, anh Nguyễn Diệp dạy ở Trường trung học Trần Hưng Đạo đưa vài anh em đồng hương đến gặp...
Nhà thơ Lê Văn Ngăn (1944-2015) hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, tác giả các tập thơ: Trên đồng bằng (1972), Vào một thời im bóng (1974), Viết dưới bóng quê nhà (2008), Thơ Lê Văn Ngăn (2015). Anh có nhiều sáng tác đăng trên các tạp chí yêu nước, đối lập chính quyền Sài Gòn trước 1975. Nhà thơ đã nhận giải thưởng thơ Báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) năm 1991. |
Thời gian đó chúng tôi đều khó khăn, anh Ngăn biết hoàn cảnh vậy nên cùng chia sẻ đạm bạc với nhau. Hàng ngày, xong việc trở về, trong khi chờ em gái tôi làm cơm, anh thường cầm cây guitar gỗ trên tường, lúc không có đàn thì lấy chén, muỗng, đũa làm bộ gõ hát chầu văn rồi ngâm thơ, có khi cao hứng hát luôn những bài trong tập Hát cho dân tôi nghe, Hát cho đồng bào tôi nghe của phong trào sinh viên, khi thì hát nhạc tiền chiến, nhạc Trịnh làm cho những người có mặt cũng bị lôi cuốn theo. Công tâm mà nói, anh hát quá hay! Bạn tôi, anh Đặng Thái Vân quê Tuy Hòa, sinh viên ban Sử Địa (sau này là Trưởng Khoa Xã hội Trường cao đẳng Sư phạm Phú Yên) tôn anh Ngăn làm sư phụ để theo học hát nhưng không thành. Đến tận bây giờ đã nửa thế kỷ trôi qua, tôi được nghe nhiều người thể hiện ca khúc Thuyền em đi trong đêm của Nguyễn Phú Yên nhưng chưa ai vượt qua giọng hát của Lê Văn Ngăn hồi ấy.
Về thơ, anh có giọng ngâm tuyệt vời. Có lần vợ chồng nhà văn Thái Lãng và nữ họa sĩ Quỳ mời đến nhà dự tiệc, khi tới cao trào thơ phú, thi sĩ họ Lê cất giọng trình bày luôn mấy bài liền. Nghe anh ngâm ai nấy đều lặng người.
Tôi vô cùng mê thích khi anh ngâm đi ngâm lại mấy sáng tác của anh: Bằng tiếng thoảng qua, Những vẻ vô tăm và nhất là bài Bên hồ Thủy Ngữ. Lúc anh thả điệu hành vân lưu thủy, tôi “đứng hình”, ôm đầu nín lặng thưởng thức trọn vẹn bài thơ rồi thốt lên “quá đã!”. Nghe thơ anh nhiều lần nên tôi thuộc luôn mấy bài này. Ở Phú Yên hồi ấy cũng có những giọng ngâm thơ hay, kỹ thuật điêu luyện, như: Phạm Cao Hoàng, anh em nhà Nguyễn Đình Quảng, sau này có Ngọc Hà, Vân Phi và một vài nghệ sĩ, nhưng ngâm để người nghe phải thốt lên “quá đã” thì hình như chưa. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho biết đã từng nổi da gà khi nghe Lê Văn Ngăn đọc thơ trong một chiều mưa ở Đà Lạt.
Rồi có lần nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, dịch giả Bửu Ý, ca sĩ Hà Thanh lên Đà Lạt chơi, rủ ăn bún bò Huế. Anh Ngăn làm hướng dẫn viên đưa nhau lên tận cây số 4 tìm cho được quán bún Huế nguyên mẫu, từ miếng thịt, sợi bún, độ nóng nước lèo đến rau, ruốc, ớt cùng các gia vị khác. Biết tôi dân xứ Nẫu có thể chưa sành món ẩm thực này, anh bày tôi phải bưng tô dùng đũa lua; ớt sừng xanh tươi sắp chín nguyên trái cầm cắn. Sau này qua sống ở ấp Ánh Sáng (làng người Huế gần bến xe bờ hồ Xuân Hương), tôi rất mau “hội nhập”. Thỉnh thoảng anh nhờ em tôi giặt giũ quần áo, ngược lại anh giúp cô nhỏ giải các bài toán khó. Hỏi ra mới biết thi sĩ từng là học sinh ban B trường danh tiếng Quốc Học, đỗ Tú tài toàn phần Toán Lý. Anh cũng siêng mượn sách về đọc. Chỗ anh nằm thường có mấy quyển nguyên tác Pháp văn, như Nhật ký Anna Frank, Bác sĩ Jivago...
Trong sáng tác, tôi thấy anh thích nghi mọi điều kiện. Có cảm xúc là viết ngay. Ở nhà thì ngồi vào bàn, trong quán anh kê sổ tay tại góc bàn nước; đi dã ngoại anh đặt giấy lên đùi ghi chép. Có khi viết đầy trang giấy, đọc qua thấy chưa ưng ý, anh vò lọn ném vào thùng rác, đoạn lấy tờ khác viết. Rồi chợt nhớ điều gì, anh sục sạo trong sọt rác tìm tờ giấy bị vò nhàu hôm trước ra vuốt thẳng thớm trầm ngâm đọc lại, gật gù... Nhớ lần anh bảo tôi, anh em mình có cùng địa chỉ ở đây, cậu đưa bài cho tôi bỏ chung phong bì gửi vào tòa soạn Trình Bày * đỡ tốn thêm lần tem thư. Đợt ấy bài hai anh em đều được đăng sớm. Vui lắm!
Mấy năm sau tôi vội vã về Phú Yên, từ ấy không gặp lại anh. Mãi đến đầu thập niên 90 thế kỷ trước, anh Đào Viết Bửu - hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Định vào Phú Yên tìm trao tận tay tôi bức thư anh Lê Văn Ngăn và căn dặn phải chụp tấm hình tôi mang về cho anh thấy mới tin Nguyễn Tường Văn còn sống! Đọc xong bức thư, tôi đứng để Bửu chụp ảnh mà lòng rưng rưng bởi mấy lời sâu đậm nghĩa tình anh nhắn gửi.
Khi nghe tin anh bạo bệnh khó qua khỏi, tôi từ Tuy Hòa ra Quy Nhơn đến bệnh viện thăm anh. Trên giường bệnh nhận ra tôi, mừng quá anh gượng ngồi; anh em ôm nhau nửa mừng nửa tủi. Vẫn nụ cười thi sĩ - nghệ sĩ trên gương mặt ngày nào nhưng đôi mắt “nghìn khơi không đổi hướng” đã ngấn lệ. Tôi lặng lẽ nhìn về hướng đông thành phố, thầm nói như mộng du: Sóng vẫn đập vào eo biển ** anh Ngăn ơi!
--------------
* Tên một tạp chí chống Mỹ.
** Tên bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Lê Văn Ngăn, được phát sóng nhiều lần trên Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Giải phóng trước năm 1975, sau này được chọn đăng trong các tuyển thơ.
NGUYỄN TƯỜNG VĂN