Thứ Bảy, 25/01/2025 00:34 SA
Thư viện tỉnh nỗ lực đưa văn hóa đọc về cơ sở
Thứ Năm, 31/10/2019 13:00 CH

Hoạt động đưa sách về cơ sở của Thư viện tỉnh. Ảnh: THIÊN LÝ

Không chỉ tổ chức các hoạt động sưu tầm, lưu trữ tài liệu, cung cấp thông tin phục vụ bạn đọc tại chỗ ở TP Tuy Hòa, thời gian qua, Thư viện tỉnh (TVT) còn chủ động phối hợp với các ngành, các cấp, huy động nhiều nguồn lực xây dựng mạng lưới thư viện cấp huyện, xã đẩy mạnh hoạt động luân chuyển, đưa sách báo tới tận tay người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần phát triển văn hóa đọc sâu rộng. Phóng viên Báo Phú Yên trao đổi với bà Phạm Thị Kim Anh, Giám đốc TVT về nội dung này.

 

* Thưa giám đốc, xin bà cho biết những kết quả đã đạt được trong quá trình phối hợp giữa TVT với các địa phương đưa văn hóa đọc về cơ sở?

 

- Thời gian vừa qua, TVT đã tham mưu cho Sở VH-TT-DL ban hành các văn bản phối hợp với Sở GD-ĐT, Trại giam Xuân Phước và các cơ sở giáo dục bắt buộc (thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an) để thực hiện vấn đề đưa văn hóa đọc về cơ sở.

 

Cụ thể, Trại giam Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) là một trong những điểm phối hợp với TVT rất tốt trong việc đưa sách về phục vụ cho phạm nhân ở trại giam. Đặc biệt, TVT đã phối hợp với Ban giám thị trại giam này tổ chức cuộc thi Đọc sách viết cảm nhận, xây dựng điểm đọc sách cho các phạm nhân của trại. Đây là hoạt động nhằm tạo điều kiện cho phạm nhân được tiếp thu những kiến thức mới, “điều hay lẽ phải” để trở thành người tốt, sớm hòa nhập với cộng đồng.

 

Đối với cơ sở giáo dục bắt buộc như Cơ sở Giáo dục A1 (tại huyện Tây Hòa), TVT cũng đã phối hợp xây dựng điểm đọc sách. Còn đối với trường học, Sở VH-TT-DL đã ban hành văn bản phối hợp với Sở GD-ĐT, chỉ đạo các Phòng GD-ĐT đưa sách về cơ sở để phục vụ các trường học. Hoạt động này nhằm cung cấp tri thức cho học sinh, giúp các em có cơ hội trau dồi kiến thức, kỹ năng để phục vụ việc học tập cũng như cuộc sống; đồng thời tạo sự lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.

 

Hiện nay có nhiều điểm đọc sách mới được xây dựng. Phần lớn là nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa lãnh đạo phòng VH-TT các huyện, thị xã, các trường học ở cơ sở cũng như nỗ lực của cán bộ TVT trong việc chủ động đưa sách về cơ sở.

 

Bà Phạm Thị Kim Anh

* Có khó khăn gì trong việc đưa sách, đưa văn hóa đọc về cơ sở trong thời gian qua không, thưa bà?

 

- Việc đưa sách, đưa văn hóa đọc về cơ sở gặp nhiều thuận lợi. Trước tiên, đó là sự phối hợp chặt chẽ giữa lãnh đạo địa phương với TVT về việc mở các điểm đọc sách phục vụ cho người dân. Bên cạnh đó, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và Sở VH-TT-DL, đến nay, nguồn sách của kho luân chuyển tại TVT có 40.223 bản, đảm bảo được vấn đề luân chuyển sách về cơ sở.

 

Hơn hết, TVT còn chủ động lập kế hoạch tuyên truyền giới thiệu sách trực quan, sinh động tại các điểm đọc sách khi đưa sách luân chuyển về cơ sở. Mỗi chuyến đi như vậy đều có bài giới thiệu sách trực quan do cán bộ TVT soạn, nhằm giúp bạn đọc tiếp nhận kiến thức nhanh hơn. Thường mỗi đợt đi, TVT giới thiệu khoảng 3 cuốn sách, chủ yếu là sách hướng dẫn về cách học tập, cách làm việc, làm người hoặc sách nói về những nhân vật lịch sử của Việt Nam, thế giới và những câu chuyện khơi gợi lòng yêu thương, lòng nhân ái của con người, như: Đời ngắn đừng ngủ dài, Sử ta chuyện xưa kể lại, Tôi tin tôi có thể làm được, 1.000 nhân vật nổi tiếng thế giới...

 

Ngoài ra, TVT còn tổ chức một số trò chơi kiến thức với các chủ đề liên quan về sách. Trong hoạt động này, học sinh tự do thể hiện sự sáng tạo của mình trong quyển nhật ký đọc, như vẽ sơ đồ tư duy về nội dung cuốn sách đã đọc, vẽ tranh khắc họa nhân vật, tóm tắt lại nội dung câu chuyện… Các em được khuyến khích thể hiện sự sáng tạo và quan điểm cá nhân của mình, từ đó nuôi dưỡng tình yêu và hứng thú với việc đọc sách cũng như rèn luyện được nhiều kỹ năng tự đọc - tự học.

 

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng gặp một số khó khăn. Đó là, kinh phí hoạt động cho mạng lưới thư viện cơ sở chỉ dừng lại ở thư viện cấp huyện, thị xã nhưng cũng rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động của một thư viện cấp huyện, thị. Các thư viện xã và các điểm đọc sách trên địa bàn tỉnh không có kinh phí để mua sách, chỉ dựa vào nguồn tài liệu luân chuyển từ TVT. Còn đối với mạng lưới thư viện cơ sở, nhân sự chủ yếu là kiêm nhiệm, không chuyên trách. Đây cũng là một trong những khó khăn lớn trong thời gian mở cửa phục vụ bạn đọc.

 

* Vậy trong thời gian tới, TVT có kế hoạch gì trong việc đưa sách về cơ sở?

 

- Phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, TVT tiếp tục xây dựng nội dung tuyên truyền, giới thiệu sách và kế hoạch luân chuyển đến các điểm sách đã xây dựng. Đồng thời tiếp tục xây dựng những điểm mới để đưa sách về cơ sở, phục vụ cho cộng đồng.

 

Chúng tôi mong muốn lãnh đạo các cấp quan tâm hơn nữa về công tác thư viện trên địa bàn tỉnh, chú trọng về nguồn kinh phí cũng như nhân sự cho mạng lưới thư viện cơ sở. Đặc biệt, địa phương cần có sự phân bổ kinh phí hợp lý cho thư viện huyện, thị xã và các điểm đọc sách nhằm bổ sung tài liệu phục vụ cho các điểm đọc sách cơ sở.

 

* Xin cảm ơn bà!

 

Trong năm 2019, TVT đã luân chuyển sách báo ở 11 điểm, phục vụ 3.665 lượt độc giả ở cơ sở với 5.875 bản sách. Hoạt động này đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng sách báo, đáp ứng nhu cầu thông tin, học tập, giải trí, tạo thói quen đọc sách báo cho người dân.

 

Giám đốc TVT Phạm Thị Kim Anh

 

THIÊN LÝ (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek