Thứ Hai, 07/10/2024 09:17 SA
Rung cảm những câu thơ hành trình “Người đi tìm hình của nước”
Chủ Nhật, 22/09/2019 13:03 CH

Tàu Latouche-Tréville - con tàu đã đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước từ Bến Nhà Rồng ngày 5/6/1911. Ảnh tư liệu

Bác Hồ - vị Cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam đã được giới văn nghệ sĩ khắc họa đậm nét trong nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật. Mỗi tác phẩm đều thể hiện hình tượng sáng đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hình tượng đó mãi mãi khắc sâu trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam và bạn bè trên thế giới về một lãnh tụ thiên tài lỗi lạc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.

 

Khi điểm lại hành trình tìm đường cứu nước của Bác, những người yêu thi ca đều nhớ đến bài thơ “Người đi tìm hình của nước” của Chế Lan Viên. Bài thơ như những thước phim tái hiện chặng đường lịch sử 30 năm, kể từ khi chàng thanh niên xứ Nghệ rời Bến cảng Nhà Rồng bước lên con tàu Latouche-Tréville của Pháp ngày 5/6/1911 để thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà thoát khỏi ách nô lệ thực dân đế quốc, cho đến lúc trở về Tổ quốc sau khi tìm thấy chủ nghĩa Mác - Lênin - học thuyết cách mạng tiên phong của thời đại.

 

Mở đầu, Chế Lan Viên đã viết: “Đất nước đẹp vô cùng, nhưng Bác phải ra đi”. Niềm tin và khát vọng độc lập, tự do cho dân tộc đã thôi thúc người thanh niên Nguyễn Tất Thành gác lại những trăn trở riêng tư để tìm đường cứu nước. Bằng những cảm nhận tinh tế và bút pháp nghệ thuật của nhà thơ có nhiều trải nghiệm, Chế Lan Viên tái hiện tâm trạng, tình cảm sâu sắc của Bác Hồ khi rời xa Tổ quốc nhưng trong sâu thẳm cõi lòng luôn canh cánh nỗi lo vận mệnh đất nước, nên những ngày đêm phụ bếp trên con tàu Latouche-Tréville giữa đại dương mênh mông, Người không thể nào tìm đến giấc ngủ sau một ngày vất vả: “Đêm xa nước đầu tiên ai nỡ ngủ/ Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương”.

 

Những dòng thơ dung dị những đủ sức rung cảm trái tim người đọc trong từng câu chữ và mỗi nhịp thơ về hình ảnh Bác Hồ thao thức suốt đêm trường với nỗi nhớ quê hương da diết. Dẫu rời xa Tổ quốc nhưng tâm trí của Người luôn nhớ về đất nước, thấu hiểu nỗi đau mất nước của dân tộc khi cảm nhận: “Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở/ Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương”.

 

Chế Lan Viên, tên thật là Phan Ngọc Hoan (1920-1989) là nhà thơ nổi tiếng có nhiều đóng góp phát triển văn học hiện đại Việt Nam. Ông đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996. “Người đi tìm hình của nước” là một trong những tác phẩm đặc sắc trong gia tài thơ của ông nói riêng và văn học Việt Nam nói chung.

Đâu chỉ riêng những ngày đêm phụ bếp trên con tàu vận hành giữa mênh mông biển cả và khi đặt chân lên đất khách quê người đi làm lao công quét tuyết, bồi bàn, phụ bếp khách sạn, mà những giấc mơ của Người luôn hiện hữu hình ảnh đất nước từ mỗi cành cây ngọn cỏ. Nỗi nhớ quê hương khiến cho Bác không thể yên lòng khi ngắm vẻ đẹp của hoa ở nơi đất khách và không thể nào ngon miệng trong mỗi bữa ăn: “Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh biếc sắc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa”.

 

Mỗi khi đọc lại những dòng thơ giàu hình với nhịp điệu rung cảm, lay động lòng người, các thế hệ con cháu đang sinh sống ấm no, hạnh phúc giữa thời bình như di nguyện của Người đều phải kính cẩn cảm phục lòng yêu nước, thương dân, đau đáu nỗi lo: “Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây”, nên Người tất bật suốt hành trình lịch sử 30 năm bôn ba trên thế giới để “Tìm đường đi cho dân tộc theo đi” bằng cách: “Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi/ Những đất tự do, những trời nô lệ/ Những con đường cách mạng đang tìm đi”.

 

Vượt qua muôn nỗi gian truân vất vả, ánh sáng trong những trang sách chủ nghĩa Mác - Lênin đã được người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành tìm thấy khi đang lưu trú tại căn nhà số 9, ngõ Compoint, quận 17, vùng ngoại ô Paris trên đất nước Pháp. Những tia sáng đó được Chế Lan Viên tái hiện bằng ngôn ngữ hình ảnh giàu xúc cảm khiến cho người đọc cảm nhận như đang hòa chung niềm vui dâng trào nước mắt của Người thời ấy: “Luận cương đến Bác Hồ và Người đã khóc/ Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin/ Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp/ Tưởng bên ngoài đất nước đợi mong tin”.

 

Không ai nghe được tiếng khóc của Bác thời khắc đó, nhưng trong chiều sâu thi tứ có thể cảm nhận tiếng khóc của Bác là chủ thể đất nước Việt Nam đang bị xâm lược. Nối tiếp bốn câu thơ đó là tiếng cười của nhà cách mạng yêu nước vĩ đại đã được khắc họa bằng ngôn ngữ âm thanh sinh động: “Bác reo lên một mình như nói cùng đất nước/ Cơm áo là đây, hạnh phúc đây rồi/ Hình của Đảng lồng trong hình của nước/ Phút đầu tiên là phút Bác Hồ cười”. Niềm vui của Bác là niềm vui chung của dân tộc khi tìm thấy ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin. Tương lai nước Việt tự do, độc lập hiện lên rạng rỡ trong tâm trí của Bác Hồ qua những câu thơ: “Dân ta bưng bát cơm mồ hôi nước mắt/ Ruộng theo trâu về lại với người cày/ Mỏ thiếc, hầm than, rừng vàng, biển bạc/ Không còn người bỏ xác trên đường ray/ Giặc nước đuổi xong rồi trời xanh tiếng hát/ Điện theo trăng vào phòng ngủ công nhân/ Những kẻ quê mùa đã thành trí thức/ Tăm tối cần lao nay hóa những anh hùng…”.

 

Hành trình 30 năm tìm đường cứu nước đã đưa Bác Hồ đến với Lênin trước khi mang theo niềm tin và chân lý sáng ngời trở về Tổ quốc năm 1941: “Luận cương của Lênin theo Người về quê Việt/ Biên giới còn xa nhưng Bác thấy đã đến rồi”. Thêm một hình ảnh xúc động khi Bác Hồ đặt chân trên dải đất thiêng liêng của Tổ quốc với hy vọng tìm thấy ánh hồng rạng rỡ bằng ý chí kiên cường của dân tộc có bề dày 4.000 năm lịch sử: “Kìa bóng Bác đang hôn lên hòn đất/ Lắng nghe trong màu hồng hình đất nước phôi thai”. Và, 4 năm sau ngày “Người về quê Việt”, trong nắng thu vàng giữa Ba Đình lịch sử sáng 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

 

Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đọc lại bài thơ “Người đi tìm hình của nước”, mỗi người đều thành kính tưởng nhớ Bác Hồ kính yêu đã hy sinh trọn đời mình cho dân tộc để đất nước độc lập, tự do, người dân ấm no, hạnh phúc.

 

PHAN THẾ HỮU TOÀN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek