Thứ Hai, 07/10/2024 17:28 CH
“Bữa tiệc” đa sắc màu văn hóa các dân tộc
Chủ Nhật, 14/07/2019 06:24 SA

Phần thi giới thiệu trang phục truyền thống của huyện Đông Hòa - Ảnh: THIÊN LÝ

Ngày hội Văn hóa - Thể thao - Du lịch (trước đây là Ngày hội Văn hóa - Thể thao) các dân tộc tỉnh diễn ra 3 năm một lần. Mỗi khi ngày hội được tổ chức, khán giả đều đến chật kín không gian diễn ra các hoạt động. Tại Quảng trường 1 Tháng 4, nơi diễn ra ngày hội lần thứ X này, các nghệ nhân, diễn viên… đã tái hiện lại những màn trình diễn trang phục, lễ hội dân gian, văn hóa ẩm thực… đặc sắc, hấp dẫn của các dân tộc đến từ các địa phương trong tỉnh.

 

Tại các đêm thi trình diễn nghệ thuật dân gian kết hợp giới thiệu trang phục truyền thống, hơn 45 tiết mục của các đoàn nghệ thuật quần chúng đến từ 9 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã làm “say” lòng khán giả.

 

Say đắm âm sắc núi rừng

 

Thu hút nhiều người là những tiết mục mang màu sắc truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Huyện Sông Hinh năm nay mang đến tiết mục hòa tấu “Chinh năm cồng một”, đồng thời giới thiệu với bạn bè một phần Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.

 

Khán giả cũng đã lắc lư theo tiếng cồng chiêng, trống đôi giục giã, mê hoặc và vũ điệu xoang nhẹ nhàng trong màn diễn tấu “Trống đôi, cồng ba, chiêng năm” của các chàng trai cô gái Ba Na ở xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân); hay những tiết mục mang âm hưởng núi rừng, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước của huyện Sơn Hòa như: “Nhịp xoang đêm”, “Linh hồn tượng đá”...

 

Âm thanh cồng chiêng là một phần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa tinh thần của đồng bào Ê Đê, Ba Na, Chăm... Phú Yên. Các loại nhạc cụ này tham gia vào tất cả các hoạt động đời sống của họ từ khi sinh ra cho đến khi về với trời.

 

Âm thanh của cồng chiêng khi bổng khi trầm tạo thành những giai điệu khi vui tươi, lúc trầm ấm, như tiếng đồng vọng của núi rừng, sông, suối, hòa quyện với nhịp sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng là xoang nhưng xoang của đồng bào Ê Đê thì uyển chuyển, có phần mạnh mẽ, còn xoang Ba Na thì nhẹ nhàng, duyên dáng; xoang của đồng bào Chăm thì mời gọi, quyến rũ..., tạo nên sự đa dạng, phong phú, riêng biệt.

 

“Cồng chiêng được dùng trong các dịp lễ mừng tuổi, về nhà mới hoặc các lễ hội truyền thống của người Ê Đê cũng như để chào mừng, đón tiếp khách vào chơi nhà. Âm vang tiếng trống, tiếng cồng chiêng làm cho khoảng cách giữa đồng bào các dân tộc càng khăng khít hơn, thể hiện niềm vui khi có dịp được gặp gỡ”, anh Ksor Y Thư (huyện Sông Hinh) chia sẻ.

 

Phú Yên là vùng đất có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa. Nét đặc sắc của văn hóa Phú Yên là sự đan xen, giao thoa của nhiều nền văn hóa; còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa vô cùng quý giá của cộng đồng các dân tộc anh em. Mỗi dân tộc anh em, mỗi địa phương đều có những giá trị và sắc thái văn hóa riêng. Các giá trị và sắc thái đó bổ sung cho bức tranh văn hóa Phú Yên trở nên đa dạng, phong phú và có nhiều yếu tố đặc sắc. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng

 

Hòa cùng lời ca, tiếng đàn

 

Trong khi đó, huyện Tuy An đưa khán giả đến với vùng đất “địa linh nhân kiệt”, mảnh đất sinh ra danh nhân Lê Thành Phương, Tổng Bí thư Trần Phú và miền di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh như: địa đạo Gò Thì Thùng, thành An Thổ, đền thờ danh nhân Lê Thành Phương, gành Đá Đĩa, đầm Ô Loan, hòn Yến, gành Ông, gành Bà, bãi Xép... qua những lời ca ngọt ngào: Nước non sông núi Tuy An/ Đồng Xuân lúa tốt ngạt ngào hương hoa/ Vẫn còn vang mãi câu ca/ Tuy An đất mẹ thiết tha mặn nồng/ Đây thành An Thổ rêu phong/ Thì Thùng địa đạo chiến công vang lừng/ Đây gành Đá Đĩa nên thơ/ Ô Loan bến nước đợi chờ thủy chung/ Hòa cùng một dải non sông/ Tuy An đất mẹ lập công rạng ngời... (Đến Tuy An).

 

Xuyên suốt trong 3 đêm thi diễn, các huyện Phú Hòa, Đông Hòa, Tây Hòa, TX Sông Cầu và TP Tuy Hòa đã mang đến ngày hội những tiết mục mang đậm văn hóa xứ Nẫu, thể hiện cuộc sống bình dị, tâm hồn phóng khoáng, vui tươi của con người đất Phú trong cuộc sống ngày nay. Có thể gọi tên từng tiết mục như: Sắc hoa xuân thì (TP Tuy Hòa), liên khúc Về Phú Yên nghe hát bài chòi, Em về Phú Yên, Về thăm Phú Yên Về Phú Yên (TP Tuy Hòa), Huyền ca Đất Phú (huyện Phú Hòa), Đông Hòa vững bước đi lên (huyện Đông Hòa), Ngày mới Tây Hòa (huyện Tây Hòa)... Đặc biệt là các tiết mục múa: Hương rơm (huyện Phú Hòa) và Nét duyên xứ dừa (TX Sông Cầu) miêu tả sự chăm chỉ, dễ thương của người nông dân trong quá trình lao động, sản xuất.

 

Diễn tấu Trống đôi, cồng ba, chiêng năm của huyện Đồng Xuân - Ảnh: THIÊN LÝ

 

Không chỉ có âm thanh cồng chiêng, những làn điệu dân ca, các món ăn đặc sản..., ngày hội còn là nơi hội tụ những bộ trang phục đầy ấn tượng từ chiếc áo bà ba trong sinh hoạt hàng ngày; chiếc áo dài kín đáo, ôm sát người, lộ rõ nét đẹp uyển chuyển của người phụ nữ; chiếc nón lá được làm bằng lá cọ với hoa văn, sắc màu đơn giản tạo nét duyên dáng cho người con gái; đến những bộ trang phục thổ cẩm đầy sắc màu của đồng bào dân tộc thiểu số Ê Đê, Ba Na, Chăm... Người xem có dịp trải nghiệm văn hóa các dân tộc, tôn vinh sự giàu có của nền văn hóa bản địa, sự đa dạng, phong phú của các cộng đồng khác nhau.

 

Nơi giao lưu, chia sẻ, kết đoàn

 

Ông Nguyễn Thành Sơn, Phó Trưởng Phòng VH-TT huyện Phú Hòa, bày tỏ: “Trình diễn nghệ thuật dân gian kết hợp giới thiệu trang phục truyền thống là cơ hội để nhiều người dân được thưởng thức và chiêm ngưỡng những nét đẹp văn hóa của các dân tộc anh em.

 

Những điệu múa, lời ca không đơn giản chỉ là hình thức sinh hoạt văn hóa, có tác dụng giáo dục thẩm mỹ cho mọi người, mà hơn thế nó mang giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, kết nối mọi người, các dân tộc anh em lại với nhau. Thấy tận mắt, nghe tận tai mới cảm nhận hết không gian văn hóa độc đáo, đồ sộ mà người dân đang sở hữu...”.

 

Còn chị Đinh Thị Kim Hòa, cán bộ Phòng VH-TT huyện Sơn Hòa, chia sẻ: Các nghệ nhân, diễn viên của huyện rất vinh dự và tự hào khi tham gia ngày hội lần này. Thông qua ngày hội, mọi người được gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu những giá trị, những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp, đặc sắc của dân tộc mình.

 

Theo ông Phạm Văn Bảy, Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên, ngày hội là hoạt động có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc. Đây là dịp để đồng bào các dân tộc anh em gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu những giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc, địa phương mình, góp phần tôn vinh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của vùng đất, con người Phú Yên.

 

Từ đó nâng cao lòng tự hào dân tộc, tăng cường tình đoàn kết, sự hiểu biết và học tập lẫn nhau giữa các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh, cùng nhau xây dựng quê hương Phú Yên ngày càng giàu mạnh. Đây cũng là cơ hội để quảng bá, giới thiệu với người dân trong nước và bạn bè quốc tế về hình ảnh, con người và miền đất Phú Yên; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống các dân tộc tỉnh Phú Yên.

 

THIÊN LÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek