Thứ Hai, 07/10/2024 17:20 CH
Giữ gìn văn hóa truyền thống của đồng bào Ba Na
Thứ Ba, 02/07/2019 13:00 CH

Điệu múa soang khêl dân tộc Ba Na - Ảnh: LÊ KHA

Trong quá trình tồn tại và phát triển, người Ba Na ở Phú Yên đã hình thành cho mình một bản sắc văn hóa riêng biệt. Mặc dù có nhiều sự đổi thay, phát triển nhưng trong mỗi người đồng bào Ba Na đều có một tình yêu lớn và ước vọng gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc.

 

Phú Yên hiện có khoảng 3.000 người Ba Na sống rải rác ở các huyện Đồng Xuân, Sông Hinh và Sơn Hòa. Một trong những đặc điểm dễ nhận biết trong cư trú của người Ba Na là họ thường định cư ở vùng núi cao, nơi độ che phủ của rừng còn nhiều, thảm động thực vật phong phú, đa dạng. Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế nương rẫy và văn hóa dân gian độc đáo.

 

Kho tàng văn nghệ dân gian phong phú, đa dạng

 

Người Ba Na quan niệm mọi vật đều có linh hồn, vì vậy trong tâm linh của họ có vô vàn các vị thần như: thần núi, thần sông, thần đất, thần cây, thần nước… Đồng bào Ba Na quan niệm con người chết đi sẽ thành ma, tồn tại trong cõi vô hình.

 

Ông La O Kia, người dân tộc Ba Na ở thôn Phú Lợi (xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân), cho hay: “Cách thức đưa đám và chôn cất người qua đời của dân tộc Ba Na được thực hiện theo truyền thống xa xưa để lại. Trước đây, quan tài của người Ba Na làm bằng thân cây đục rỗng, nhưng hiện nay nó được đóng bằng ván gỗ như người Kinh. Người mất lúc đầu được chôn ở khu vực mộ táng của làng. Sau một thời gian, gia đình người mất tiến hành lễ bỏ mả để cho linh hồn người “khuất núi” về với tổ tiên. Đối với người Ba Na, lễ bỏ mả được coi như lần cuối cùng tiễn biệt người đã “đi xa”, vì thế họ tổ chức khá quy mô và chu đáo”.

 

Giống như nhiều dân tộc thiểu số khác ở vùng núi Phú Yên, trong đời sống văn hóa, người Ba Na có nhiều lễ hội quy mô cộng đồng khác nhau như: lễ cúng cơm lúa mới, lễ vào mùa, lễ cúng bến nước, lễ cúng nhà mới, lễ cúng mừng tuổi… và đặc biệt là lễ hội đâm trâu, mà người đồng bào Ba Na hay gọi là Tăm Kờ pô hoặc Sa Kờ pô.

 

Đồng bào người Ba Na ở Phú Yên có kho tàng văn nghệ dân gian khá phong phú, đa dạng. Đó là những làn điệu dân ca, các câu chuyện dài (Hamon) nói về các nhân vật anh hùng Bok Rok, Bok Sét, Riăh, Đăm Noi, Dyông, Dy Ông Chư, Diê Bya Rai…; các điệu múa như: múa khiên (soang khêl), múa kiếm (soang đao), múa trống (soang sa gơi), múa cồng chiêng…; các loại nhạc cụ gồm cồng chiêng, đàn t’rưng, đàn goong, trống cái, đàn k’ní, sáo atal, kèn t’nốt… Hay các hình tượng trang trí ở nhà mồ, nhà rông điêu khắc bằng cây gỗ hình con khỉ, trái bầu, ché rượu, con nai, người phụ nữ địu con…

 

Giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống

 

Cồng chiêng là biểu tượng của sự linh thiêng, có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Ba Na, xuất hiện trong nghi lễ cộng đồng cũng như từng gia đình.

 

Ông Sô Bá Dựng, Chủ tịch UBND xã Phước Tân (huyện Sơn Hòa), cho biết: “Hiện nay, dân tộc Ba Na ở xã Phước Tân có gần 500 người, sống ở hai buôn Suối Đá và Đá Bàn. Đồng bào nơi đây còn gìn giữ cách thức tổ chức một đám cưới của người Ba Na theo phong tục, tập quán như: người làm mối, lễ vật thách cưới, cách thức cho của… Và trong nghi lễ đám cưới không thể thiếu cồng chiêng và các điệu múa dân gian. Điều đặc biệt là con trai, con gái của họ được tự do tìm hiểu, lựa chọn người bạn đời của mình nhưng phải được sự chấp thuận của mẹ cha”.

 

Dệt thổ cẩm là một nghề truyền thống mà đến nay người Ba Na Phú Yên vẫn còn gìn giữ. Mỗi sản phẩm được làm ra từ những bàn tay khéo léo của các nghệ nhân ở buôn làng rất tinh tế, không chỉ đẹp về hình thức, mà còn thể hiện một tâm hồn phong phú, phóng khoáng.

 

Ông Nguyễn Thiện Tình, Trưởng Phòng VH-TT huyện Sơn Hòa, cho biết: “Văn hóa truyền thống của dân tộc Ba Na ở Phú Yên vừa mang dấu ấn của cư dân Tây Nguyên vừa in đậm sắc thái Trường Sơn. Đó là kết quả quá trình giao lưu văn hóa các dân tộc. Các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào Ba Na ở Phú Yên đang được gìn giữ và phát huy, nhất là thông qua các hoạt động lễ hội ở địa phương. Vì vậy, trong điều kiện hội nhập, giao thoa văn hóa, các cấp chính quyền cần có một chính sách tốt hơn nữa để bảo lưu được nhiều yếu tố văn hóa truyền thống của người Ba Na ở Phú Yên”.

 

Những hình thức nghệ thuật của người Ba Na ở xã Phú Mỡ nói riêng và người Ba Na trên địa bàn tỉnh nói chung tuy mộc mạc, đơn sơ nhưng không kém phần sinh động, tinh tế, phóng khoáng như chính cuộc sống của cộng đồng dân tộc Ba Na.

 

La O Hóa, Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ

 

TRẦN LÊ KHA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek