Thứ Sáu, 11/10/2024 03:28 SA
Nhớ những mùa xuân vang tiếng hát
Thứ Ba, 16/02/2016 14:00 CH

Diễn viên, nhạc công Đoàn Văn công Tỉnh ủy Phú Yên - Ảnh: TL

Những mùa xuân khi quê hương còn chìm trong khói lửa chiến tranh, những cái tết chỉ có sắn là “đặc sản”, tiếng đàn lời hát vẫn sôi nổi cất lên. Gửi vào các ca khúc hùng tráng, gửi vào những bài dân ca tha thiết tình quê, những trích đoạn tuồng đầy ắp tinh thần quật khởi… là khát vọng hòa bình, thống nhất, độc lập.

 

Bao mùa xuân đi qua, nhà thơ Thanh Quế vẫn nhớ như in mùa xuân năm 1971, khi ông là một cây bút sung sức ở Tạp chí Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ. Nhà thơ Thanh Quế kể: “Chúng tôi hát, ngâm thơ và luộc sắn ăn đón giao thừa, sáng hôm sau thì ăn cây dớn trở lại”.

 

Với nhiều người được sinh ra và lớn lên sau chiến tranh, cây dớn (hay rau dớn, dớn rừng…) là cái tên lạ hoắc, song với văn nghệ sĩ ở khu V ngày đó, đây chính là món ăn quen thuộc. “Chúng tôi vạt lớp vỏ, lấy phần thân mềm ở bên trong đem luộc. Ăn thứ này sôi bụng suốt ngày. Nhưng mà với cây dớn, chúng tôi cầm cự suốt cái tết năm 1971”, nhà thơ quê Tuy An nhớ lại.

 

Từ làng quê An Định (huyện Tuy An) thoát ly tham gia cách mạng và có một giai đoạn làm Trưởng đoàn kiêm chính trị viên Đoàn Văn công Phú Yên, ông Vũ Trung Uyên (tên khai sinh là Võ Văn Duật) lưu giữ ký ức không phai mờ về những mùa xuân trong kháng chiến, khi sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. “Tết Kỷ Dậu 1969, trên đường xuống vùng giải phóng biểu diễn phục vụ đồng bào, chúng tôi bị phục kích, 4 người hy sinh, còn tôi bị thương, viên đạn xuyên vô chân phải”, ông Vũ Trung Uyên kể về một khoảng lặng giữa mùa xuân bời bời khói lửa chiến tranh.

 

Ấn tượng sâu đậm đối với ông trong những mùa xuân vô cùng thiếu thốn, gian khổ, cái chết luôn cận kề là văn công vẫn cất cao tiếng hát phục vụ bộ đội, phục vụ đồng bào, góp phần thắp sáng niềm tin về một ngày quê hương được giải phóng, đất nước hòa bình, Bắc - Nam sum họp. Theo hồi ức của tác giả “Đường về Nhạn Tháp”, “Một chiều trăng”…, ở chiến khu, khi xuân về tết đến, văn công giã sắn, sau đó cho vào chút muối, bột ngọt rồi làm bánh để thay đổi khẩu vị, bởi quanh đi quẩn lại cũng chỉ có sắn lùi, sắn nướng, sắn hấp, sắn luộc. Trong bụng chỉ toàn sắn, văn công vẫn hăng hái sản xuất, tập luyện và biểu diễn phục vụ bộ đội, đồng bào. “Tết nào, xuân nào văn công cũng biểu diễn phục vụ bộ đội. Niềm vui của văn công chính là biểu diễn, làm cho bộ đội hưng phấn tinh thần”, ông Vũ Trung Uyên nói. Cũng chính vì những tình cảm đặc biệt dành cho bộ đội, ông Vũ Trung Uyên đã sáng tác nhiều nhạc phẩm ca ngợi bộ đội như “Hát mừng chiến sĩ đơn vị 202”, “Bài ca đội nữ pháo binh Phú Yên”, “Mùa hoa dũng sĩ”… Và những ca khúc đó vang lên đầy khí thế giữa xuân chiến khu.

 

Với văn công Phú Yên, một trong những mùa xuân đáng nhớ là mùa xuân năm 1972. “Khi đó tôi đã chuyển sang làm văn nghệ. Tết năm đó, không còn lo sợ địch ném bom, đèn măng sông mở sáng choang, văn công biểu diễn rộn ràng tại Hội trường Mùa Xuân ở Sơn Long, rất khí thế”, ông Vũ Trung Uyên kể.

 

Được sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa), thoát ly tham gia kháng chiến từ năm 16 tuổi và là gương mặt trẻ ở Đoàn Văn công Phú Yên, ông Huỳnh Như Ngân, nguyên Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông, vẫn nhớ như in những năm tháng cất cao tiếng hát giữa mịt mù khói lửa. “Trong những ngày xuân, văn công chủ yếu phục vụ cán bộ chiến sĩ và bà con nhân dân. Tổ chúng tôi gồm 1 nhạc công, 2 diễn viên xuống vùng giáp ranh như Hòa Quang, Hòa Thắng, An Chấn, An Mỹ… và biểu diễn ven núi; bà con, thanh niên ở dưới làng lên xem. Chúng tôi diễn trích đoạn tuồng, hát tân nhạc, dân ca… theo yêu cầu của bà con. Lúc đó, chúng tôi còn trẻ, rất năng động”, ông Huỳnh Như Ngân nhớ lại. Biểu diễn phục vụ đồng bào ở vùng tạm chiếm, phục vụ cán bộ chiến sĩ trên chiến khu trong những ngày xuân, văn công gửi vào tiếng hát nỗi nhớ nhà, nhớ quê, những người thân yêu mà khói lửa chiến tranh đã ngăn cách. “Nguyện vọng thiết tha của chúng tôi là đất nước sớm hòa bình, thống nhất, độc lập, và chúng tôi trở về với quê hương, với gia đình”, giọng ca một thời thổ lộ. 

 

YÊN LAN

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek