Thứ Hai, 14/10/2024 15:24 CH
Diễm Phúc “say” với Lục bát tình
Thứ Năm, 17/09/2015 14:00 CH

“Tôi lớn lên từ gốc rạ chân quê trong từng làn điệu ca dao ru hời của bà, của mẹ nên lục bát như đã thấm sâu vào máu thịt”. Đó là lời chia sẻ của tác giả thơ Diễm Phúc khi nói về sự ra đời của tập thơ Lục bát tình, đứa con tinh thần mà chị ấp ủ bao năm, nay đã trình làng. 

 

Tác giả Diễm Phúc đang thưởng thức Lục bát tình - Ảnh: CTV

 

 

 

Diễm Phúc tên thật là Nguyễn Thị Mỹ (SN 1965), hiện là giáo viên Trường tiểu học số 1 Hòa Thành (huyện Đông Hòa). Tập thơ Lục bát tình do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông ấn hành với sự hỗ trợ của Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên. Trước tập thơ này, Diễm Phúc đã ra mắt độc giả 2 tập thơ khác là: Thơ tình Diễm Phúc (2013), Tình yêu và Duyên phận (2015).

Bao năm ấp ủ trong lòng/ Tìm câu lục bát theo dòng thời gian. Là hai câu đầu trong bài thơ Tìm câu lục bát. Bài thơ cũng là lời tâm sự dung dị mở đầu cho 60 bài thơ trong tập Lục bát tình. Theo cách này, Diễm Phúc dẫn dắt độc giả vào thế giới của lục bát theo cách cảm của chị trong hai câu khác của bài thơ này: Đi tìm khắp nẻo bốn phương/ Câu thơ lục bát vấn vương đa tình.

 

Cầm trên tay tập thơ Diễm Phúc, bạn thơ chỉ có một cách là thả hồn theo cảm xúc của chị gieo trong từng bài thơ. Bởi chị không cố ý sắp xếp các bài thơ có cùng một chủ đề gộp lại thành một nhóm mà rải nơi này, nơi kia, đan xen nhiều chủ đề sáng tác. Độc giả đang hạnh phúc trong niềm vui mà Diễm Phúc thả thơ về mẹ: Mẹ là hơi ấm, Gặp mẹ trong mơ, Cội nguồn in sâu… thì chững lại trước những vần thơ trong bài Cung đàn lỡ nhịp: Giơ tay hái nụ tình say/ Trao nhau hạnh phúc tràn đầy yêu thương/ Từ đâu ngọn gió vô thường/ Xô mây đen tới che vườn trăng mơ”. Vẫn thường nghe: Gió giông, gió bão, gió hiu hiu, đến Diễm Phúc có thêm “gió vô thường”. Câu thơ “chơi chữ” độc đáo ấy mở ra trong suy tưởng của người thưởng thơ một Diễm Phúc trải đời, đầy chiêm nghiệm về lẽ hợp tan của đời người. Chỉ với bốn câu thơ đẹp ấy cũng đủ khiến độc giả thấy hài lòng khi thưởng thức Lục bát tình.

 

Tác giả thơ Nguyễn Văn Thụ (Câu lạc bộ Thơ Đường Trung tâm Văn hóa TP Hà Nội) từng đọc thơ của Diễm Phúc và thốt lên rằng: “Tôi là người chưa được đến Phú Yên, nhưng nay, sau khi đọc thơ tình Diễm Phúc, có lẽ tôi phải đến mất thôi. Tôi đến không phải vì muốn biết mặt người thơ mà đến là để thỏa chí tò mò về những địa danh đã được dệt vào thơ Diễm Phúc, sao mà nó đẹp thế, lấp lánh đến thế”.

 

Phải thôi: Ta về thăm lại sông Ba/ Ghé qua tháp Nhạn bóng tà huy bay (Trích Tình quê). Xuân Đài đón khách viễn du/ Êm êm lời biển vi vu gió ngàn/ Gành Đèn thắp sáng miên man/ Linh Tiên chùa cổ mơ màng đảo thiêng (Trích Tháng ba thăm vịnh Xuân Đài)… Diễm Phúc yêu khôn xiết cảnh đẹp của quê hương và dường như từng danh thắng của đất Phú đều in dấu chân tác giả Lục bát tình.

 

Rõ ràng, nếu đọc thơ tình Diễm Phúc mà không nói về tình thầy trò thì quả là không hiểu hết về chị. Diễm Phúc là cô giáo có 30 năm gắn bó với học trò. Bởi thế đọc thơ Diễm Phúc, bạn thơ mới cảm nhận sâu sắc cái thi vị dễ thương của tuổi học trò: Phượng hồng hẹn gặp mùa sau/ Phấn hoa nhuộm trắng trên màu áo em (Trích Mùa phượng). Con đò thầy lái sang sông/ Chở bao thế hệ theo dòng thời gian/ Đèn khuya chở ánh trăng vàng/ Chở đầy khoang chữ ngập tràn lòng con (Trích Tình thầy).

 

Diễm Phúc trải tâm tư khi nói về Lục bát tình: “Những bài thơ lục bát trong tập thơ này là làng quê êm đềm, một đời mang nặng nghĩa ân, là mái trường thân yêu bên những học sinh thơ ngây mỗi lúc tan trường, là chim vỡ tổ, là tâm tình của người vợ trẻ gửi đến người chồng đang ngày đêm canh giữ biển trời quê hương, là những nỗi lòng thương nhớ, là những chuyện đời muộn phiền, truân chuyên, là những khổ đau và hạnh phúc rớt xuống cuộc đời”.

 

Gấp tập thơ lại và suy tư về tâm tư của Diễm Phúc mới thấu hiểu tại sao chị luôn hăng say sáng tác. Bởi Diễm Phúc sống sâu sắc với đời. Chị tinh tế quan sát, dễ rung cảm và nhặt ra những cái đẹp dệt nên thơ từ trong trải nghiệm của riêng mình.

 

Thơ lục bát của Diễm Phúc tuân thủ đúng quy tắc gieo vần mà không hề gượng ép. Bên cạnh đó, Diễm Phúc biết cách nâng niu, sử dụng mỹ từ làm cho câu thơ càng thêm bóng bẩy. Đặc biệt, Diễm Phúc làm thơ thường dùng hình tượng thanh cao, trong sáng, hiền dịu để thể hiện ý thơ. Như trong bài thơ Tìm câu lục bát của chị có câu: Tìm câu lục bát bốn mùa/ Trăng vàng đủng đỉnh thêu thùa ý thơ. Trăng đã thơ mà lại thêu thùa ý thơ thì không có gì đẹp bằng! Cũng vì thơ mà hình tượng vầng trăng trở đi trở lại trong Lục bát tình.

 

Nguyễn Công Hoan, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thơ Diên Hồng

  

DIỆU ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek