Một thời chiến khu tay súng tay đàn, ăn “sắn cõng gạo” nhưng vẫn cất cao tiếng hát, các thế hệ văn công vừa có cuộc hội ngộ đầy xúc động tại Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển, kỷ niệm 55 năm thành lập Đoàn Văn công tỉnh Phú Yên, 25 năm hình thành và phát triển Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển.
Từ TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), ông Vũ Trung Uyên - nguyên Chính trị viên Đoàn Văn công thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Phú Yên - về Tuy Hòa tham dự buổi gặp mặt. Hội ngộ đồng đội sau mấy mươi năm, ông tay bắt mặt mừng, ân cần thăm hỏi. Kỷ niệm trong những tháng năm đói cơm lạt muối, “tiếng hát át tiếng bom” ùa về, khiến tác giả Hát mừng đơn vị 202, Bài ca xuống đường, Tiến công và nổi dậy, Đường về Nhạn tháp, Đêm hành quân thương về quê mẹ… bồi hồi xúc động. Ôn lại quá trình hoạt động của Đoàn Văn công Phú Yên, ông Vũ Trung Uyên nói: “Văn công chúng tôi, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đúng là chiến sĩ cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tôi còn nhớ một buổi biểu diễn phục vụ Tiểu đoàn 1 thuộc Trung đoàn chủ lực Hưng Đạo. Đoàn Văn công chúng tôi được chiến sĩ trinh sát của tiểu đoàn đưa vào một rừng lau sậy gọi là Bãi Lác, ở gần Trảng Sạn mà tôi không thể nào biết rõ địa phận của nó. Chỉ biết giữa bãi lau sậy dày đặc đó lại có một gộp đá nhiều hang hốc và nhiều cổ thụ. Sân khấu được các chiến sĩ làm sẵn từ trước, với những thân cây ghép vào nhau, kê trên gộp đá. Chúng tôi đang giăng phông màn thì có tin báo là giặc Mỹ càn vào. Ngay tức khắc, văn công cũng ôm súng ra chiến hào, chiến đấu cùng bộ đội. Mới chừng 5 đến 7 loạt đạn ngoài bìa rừng thì có tin báo về là bọn giặc tháo chạy cả rồi. Văn công chúng tôi lại tiếp tục biểu diễn”.
Ông Vũ Trung Uyên không thể nào nhớ được Đoàn Văn công Phú Yên đã phục vụ bộ đội ta bao nhiêu cuộc biểu diễn, nhưng con số phải nói là rất lớn. “Bộ đội tươi vui bao nhiêu, vỗ tay tán thưởng nhiều bao nhiêu thì văn công chúng tôi trào nước mắt xúc động bấy nhiêu. Bởi vì chúng tôi tự hiểu tài nghệ của mình, và các tiết mục biểu diễn cũng chỉ là cơm nguội chấm muối mời người đang rỗng ruột. Mỗi lần được phục vụ bộ đội như vậy, chúng tôi được ăn no. Bữa cơm lúc này là “gạo đèo sắn” chứ không phải “sắn cõng gạo” như thường nhật” - ông xúc động chia sẻ về thời kỳ khó khăn, khi thực lực Đoàn Văn công Phú Yên còn “mỏng”, chưa được bổ sung lực lượng.
Tham gia Đoàn Văn công thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Phú Yên từ năm 1970 cho đến ngày giải phóng, nghệ sĩ Nguyễn Phụng Kỳ - nguyên Phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên có rất nhiều kỷ niệm. Ông xúc động kể: “Năm 1973, để chào mừng ngày Quốc khánh 2/9, bác Chín Đạm - tên đầy đủ là Nguyễn Trọng Kim - phó đoàn kiêm đạo diễn, đã dốc toàn lực dựng vở Ngọn lửa Hồng Sơn, dù trước đó bác đã bị xuất huyết dạ dày.
Sau khi dốc sức dựng vở diễn này, bác bệnh rất nặng, anh em khiêng đến Trạm xá Trúc Bạch, lúc bấy giờ đóng ở Gò Dư thuộc xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân. Trên đường đi, bác Chín Đạm bảo: “Các cháu hát lên cho vui, để anh em nghĩ rằng mình bệnh nhẹ, không ảnh hưởng đến tư tưởng của đồng chí, đồng bào”. Trong đêm hôm đó, bác bị xuất huyết dạ dày rất nặng. Mặc dù đoàn viên thanh niên ở Trạm xá Trúc Bạch đã lấy máu truyền cho, nhưng bác Chín Đạm vẫn không qua khỏi. Tôi nhớ mãi câu nói của bác: Hát lên cho vui, không ảnh hưởng đến tư tưởng của đồng chí, đồng bào”.
Tham gia Đoàn Văn công, bà Lưu Thị Hồng Thắm ở phường 7 (TP Tuy Hòa) nhớ mãi những ngày tháng thiếu thốn, kham khổ nhưng vẫn tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ. “Có lần, chuẩn bị biểu diễn mà không còn phấn để hóa trang, tôi bèn tới nhà những người có con nhỏ, xin phấn thoa em bé để văn công dùng” - bà Hồng Thắm kể.
Gần 50 năm tham gia hoạt động nghệ thuật, trong đó có 7 năm gắn bó với Đoàn Văn công Tỉnh đội, nghệ sĩ Vũ Hoài nhớ nhất là tình đồng đội trong những tháng năm gian khó, hiểm nguy. Ông nhớ lại: “Chúng tôi hạt muối chia đôi, quả sung rừng chia nửa, cùng nhau sáng tác, dàn dựng để làm nên một chương trình tổng hợp, trong đó có thơ, ca, kịch - đặc biệt là kịch dân ca khu V, có tuồng của miền Trung, cải lương của miền Nam và chèo của miền Bắc”.
Gặp lại đồng đội, bao ký ức dội về, bao hình ảnh hiển hiện ngay trước mắt, nghệ sĩ Vũ Hoài rưng rưng nhớ những văn công đã thành thiên cổ. Những người còn sống thì tóc bạc da mồi nhưng vẫn hát, vẫn hô bài chòi. “Niềm đam mê văn nghệ không bao giờ chết trong lòng anh em văn công” - nghệ sĩ Vũ Hoài khẳng định.
Tổ chức gặp mặt các thế hệ văn công Phú Yên là điều mà nhạc sĩ, nghệ sĩ ưu tú Cao Hữu Nhạc, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển ấp ủ từ lâu, đến nay đã thành hiện thực. Ông nói: Tôi rất xúc động khi các thế hệ văn công Phú Yên hội ngộ tại Nhà hát Sao Biển. Tôi nghĩ mình đã hoàn thành trách nhiệm của mình”.
Đồng chí Hồ Văn Tiến - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VH-TT-DL, cho biết: “Một thời chiến khu tay súng tay đàn, vừa sản xuất tự túc vừa chiến đấu, rồi những trận sốt rét rừng, những buổi biểu diễn còn khét mùi bom đạn sau những trận càn quét của địch với pháo bầy, xe tăng, máy bay vô cùng ác liệt. Lời ca tiếng hát của văn công là nguồn động viên to lớn cho những người chiến sĩ đang ngày đêm đối mặt với kẻ thù, đã giữ ấm ngọn lửa cách mạng, tạo niềm tin tất thắng. Nhiều đồng chí hy sinh trên đường làm nhiệm vụ, nhiều đồng chí bị thương nhưng vẫn giữ khí tiết cách mạng, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng…
Tiếp nối truyền thống đó, trong 25 năm qua, anh chị em nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển đã vượt qua khó khăn thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đến bây giờ, nhà hát trở thành một đơn vị nghệ thuật mạnh, được lãnh đạo tin yêu, bà con mến mộ, bạn bè nể trọng…”. |
YÊN LAN