Những làn điệu dân ca ngọt ngào, những câu bài chòi mộc mạc thắm đượm tình người, tình đất trong đêm chung kết Liên hoan Dân ca bài chòi lần thứ II/2014 đã mang đến cho khán giả thật nhiều cảm xúc. Đêm chung kết lần này là cuộc trình diễn đầy ấn tượng những câu hát điệu hò được chắt chiu từ ruộng đồng, làng quê trên dải đất Nam Trung Bộ thân thương.
TIẾNG HÁT TỪ TRÁI TIM
16 tiết mục được chọn vào chung kết, trong đó có 3 trích đoạn bài chòi cổ, đã cho thấy chất lượng vượt trội của liên hoan năm nay. Một số thí sinh từng tham gia Liên hoan Dân ca bài chòi lần thứ I tổ chức tại TP Tuy Hòa, năm nay ra TP Quy Nhơn (Bình Định) tham gia liên hoan lần thứ II và mang đến những điều bất ngờ. Tiến bộ rõ nhất là cô bé Trần Mỹ Tiên (Phú Yên). Giọng ca 13 tuổi này thể hiện rất ngọt và khá nhuần nhuyễn bài Học trò xóm biển do nghệ nhân Bình Thảng viết lời. Ở nhóm thí sinh từ 18 đến 45 tuổi, gương mặt quen Nguyễn Thị Phi mang đến nhiều cảm xúc khi hát Tình quê xứ Nẫu của nghệ nhân Bình Thảng bằng giọng hát mềm, mảnh song rất ngọt. Còn ở nhóm tuổi từ 46 trở lên, bác nông dân 56 tuổi Nguyễn Văn Uông đến từ xã Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa) đã hóa thân thành người lính khi hát Đêm hành quân nhớ về quê mẹ (lời Vũ Trung Uyên). Ông Uông thổ lộ rất mộc mạc: “Dân ca bài chòi là niềm đam mê của tui. Mà không chỉ có những người lớn tuổi như tui, tụi nhỏ ở nhà, các cháu trong xóm cũng thích lắm”.
Trong khi những gương mặt quen đều cho thấy sự tiến bộ sau kỳ liên hoan đầu tiên thì một số gương mặt mới tại liên hoan năm nay đã cho thấy sự chuyên nghiệp trong cách thể hiện dân ca bài chòi và khả năng diễn xuất trên sân khấu, đặc biệt là các thí sinh ở Bình Định - cái nôi của bài chòi. Nổi bật nhất là gia đình thí sinh Trần Thị Quý, Nguyễn Thị Kiều My và Nguyễn Thị Diễm Thy đến từ phường Nhơn Hưng (TX An Nhơn). Bà Quý thể hiện hai vai: mẹ và con, hát Lòng mẹ bằng chất giọng, thần thái của một diễn viên chuyên nghiệp. Con gái bà - Nguyễn Thị Kiều My - diễn trích đoạn bài chòi cổ Tam hạ Nam đường bằng chất giọng khỏe, âm vực rộng và phong cách biểu diễn cũng chuyên nghiệp không kém. Ở nhóm tuổi từ 18 đến 45 và từ 46 trở lên, hai mẹ con bà Quý đều không có đối thủ. Còn cô con gái út 14 Nguyễn Thị Diễm Thy, tuy không gây ấn tượng bằng Trần Mỹ Tiên, song cũng cho thấy mình là “con nhà nòi” khi hát Quê hương đổi mới (lời Minh Tân).
Từ Khánh Hòa, đôi song ca Đoàn Minh Tuấn - Nguyễn Thị Mận vào chung kết liên hoan với trích đoạn bài chòi cổ Thoại Khanh - Châu Tuấn. Đoàn Minh Tuấn (sinh năm 1984) là giáo viên Âm nhạc tại một trường tiểu học ở TX Ninh Hòa, còn Nguyễn Thị Mận (sinh năm 1991) là diễn viên trẻ. Cô gái đã hóa thân thành Thoại Khanh một cách xuất sắc, thể hiện trích đoạn này bằng giọng ca ngọt và biểu cảm khiến người nghe xúc động.
SÂN CHƠI BỔ ÍCH
Liên hoan Dân ca bài chòi là nơi hội ngộ những người đam mê các làn điệu dân ca bài chòi - “đặc sản” của vùng đất Nam Trung Bộ. Liên hoan năm nay do Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên (VTV Phú Yên) phối hợp với Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Định tổ chức tại Bình Định và có ý nghĩa đặc biệt. Bình Định là cái nôi của dân ca bài chòi, cũng là địa phương được Bộ VH-TT-DL giao nhiệm vụ đại diện các tỉnh Nam Trung Bộ xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong năm 2015.
Vợ chồng ông Trần Hữu Phước - bà Lê Thị Hoa ở xã đảo Nhơn Châu (TP Quy Nhơn) là một minh chứng về niềm đam mê dân ca bài chòi. Bà Hoa cho biết: “Hồi nhỏ, tôi nghe má hát bài chòi, thấy thích nên má tập cho. Khi lập gia đình, tôi không còn nghĩ đến bài chòi nữa. Sau khi ông xã tôi đi tập huấn về bài chòi và truyền đạt lại, tôi thấy hay nên tập theo. Đợt này, vợ chồng tôi không định đi thi. Song mấy anh chị bên trung tâm văn hóa động viên nên chúng tôi tạm gác lại công việc nhà để tham gia. Xã đảo Nhơn Châu cách TP Quy Nhơn khoảng 13 hải lý, đi thuyền gần 2 tiếng đồng hồ mới tới nơi. Vợ chồng tôi cứ nghĩ đi thi một đêm rồi về, ai ngờ vô chung kết nên ở luôn mấy ngày”.
Thí sinh Bùi Thị Lệ Thắm đến từ huyện Hoài Nhơn (Bình Định) thổ lộ: “Từ năm 12 tuổi, tôi đã yêu thích dân ca bài chòi. Liên hoan là sân chơi rất bổ ích, được những người đam mê dân ca bài chòi ở Bình Định háo hức chờ đón”. Trầm Huyền Trang, giọng ca đến từ xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa), nói: “Tôi đam mê hát dân ca bài chòi và muốn thử sức mình trên sân khấu. Lần đầu tiên đến Bình Định, tôi rất vui khi được được giao lưu học hỏi với những người có chung niềm đam mê”. Còn thầy giáo trẻ Đoàn Minh Tuấn cho biết: “Ninh Hòa có nhiều người hát bài chòi rất hay. Hồi nhỏ, tôi thường xem Đoàn Dân ca khu V biểu diễn và biết một số làn điệu bài chòi. Lớn lên, tôi vào Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật, được học về dân ca bài chòi nên càng yêu thích. Đây là lần đầu tiên tôi đi thi, với mong muốn học hỏi cách thể hiện dân ca bài chòi của người mộ điệu ở các tỉnh bạn, vì mỗi nơi có cách luyến láy khác nhau. Liên hoan là sân chơi bổ ích để những người đam mê hội ngộ, học hỏi”.
Giáo sư - tiến sĩ Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Liên hoan Dân ca bài chòi lần thứ II/2014 nhận xét: “Liên hoan đã được người dân ở nhiều lứa tuổi - trong đó có các em nhỏ - đón nhận, tham gia nhiệt tình, hết mình. 16 tiết mục vào chung kết được chọn lọc và có chất lượng cao hơn kỳ liên hoan trước. Một số thí sinh biểu diễn trích đoạn bài chòi cổ, cho thấy người dân luôn yêu mến, trân trọng giữ gìn những làn điệu cổ của ông cha để lại. Các làn điệu dân ca bài chòi được trình bày khá nhuần nhuyễn, đặc biệt là những làn điệu đặt lời mới, cho thấy tính đa dạng, tính thích ứng và sức sống của dân ca bài chòi”.
Kết quả Liên hoan Dân ca bài chòi lần thứ II/2014: * Giải nhất: - Trần Thị Quý (Bình Định, độ tuổi từ 46 trở lên) - Nguyễn Thị Kiều My (Bình Định, độ tuổi từ 18 đến 45) - Trần Mỹ Tiên (Phú Yên, độ tuổi từ 12 đến 17) - Song ca Đoàn Minh Tuấn - Nguyễn Thị Mận (Khánh Hòa) * Giải nhì: - Nguyễn Thiện Minh (Phú Yên, độ tuổi từ 46 trở lên) - Nguyễn Thị Phi (Phú Yên, độ tuổi từ 18 đến 45) - Nguyễn Thị Diễm Thy (Bình Định, độ tuổi từ 12 đến 17) - Song ca Trần Hữu Phước - Lê Thị Hoa (Bình Định) * Giải ba: - Nguyễn Văn Uông (Phú Yên, độ tuổi 46 trở lên) - Vương Thị Kim Thơ (Bình Định, độ tuổi từ 18 đến 45) - Trần Huệ Thiên (Bình Định, độ tuổi từ 18 đến 45) - Hà Diệu Linh Chi (Bình Định, độ tuổi từ 12 đến 17) - Song ca Trương Phong Hào - Hồ Thị Lam (Phú Yên) Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 3 giải khuyến khích. Giải Giọng ca triển vọng: Hà Diệu Linh Chi (12 tuổi) |
YÊN LAN