Ngày 22/8, Sở VH-TT-DL phối hợp với UBND huyện Phú Hòa và tộc họ Lương tổ chức lễ khánh thành tượng danh nhân Lương Văn Chánh. Đây là sự kiện có ý nghĩa, thể hiện lòng tri ân đối với bậc tiền nhân.
Theo sách sử, danh nhân lịch sử Lương Văn Chánh sinh vào khoảng thập niên 40 thế kỷ XVI, thủy tổ quán Thanh Hóa Thừa tuyên, Hà Trung phủ, Hoằng Hóa huyện, Phụng Lịch xã. Năm 1558, ông theo chúa Nguyễn Hoàng vào Nam.
Năm 1578, người Chăm xâm lấn biên cảnh, chúa Nguyễn Hoàng cử ông Lương Văn Chánh đem quân đánh chiếm Thành Hồ. Vì có công lớn, ông được thăng chức Phụ quốc Thượng tướng quân, tước Phù Nghĩa hầu, sau thăng chức An biên trấn quan, huyện Tuy Viễn (nay thuộc tỉnh Bình Định). Năm Quang Hưng thứ 20 (Đinh Dậu 1597), Lương Văn Chánh được chúa Nguyễn Hoàng giao trọng trách đẩy mạnh cuộc di dân khẩn hoang lập làng vùng đất bên kia núi Cù Mông, Bà Đài đến Đà Diễn, Đà Nông. Theo mệnh lệnh, Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh chiêu mộ hơn 3.000 người Việt từ các vùng Thanh - Nghệ Tĩnh đưa vào tỉnh Phú Yên khẩn hoang.
Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh không chỉ khôn khéo trong việc quy tụ, tổ chức các dân tộc đoàn kết khai hoang, mà còn làm cho họ có sự hòa hiếu, cùng nhau chung sức chung lòng xây dựng vùng đất từ Cù Mông đến đèo Cả ngày càng trù phú. Nhiều đất hoang đã biến thành đồng ruộng; nhà cửa, dân cư kết lập từ nguồn đến biển. Đó là cơ sở để năm 1611, phủ Phú Yên được thành lập với hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa.
Để ghi nhận công lao, sau khi ông qua đời, các chúa và các vua nhà Nguyễn nhiều lần phong thần và gia phong tước vị cho ông. Còn nhân dân Phú Yên tôn ông làm vị Thành hoàng với sự biết ơn và lòng thành kính vô hạn.
Nhằm bày tỏ lòng ngưỡng vọng, tri ân của thế hệ hôm nay đối với bậc tiền nhân đã có công khai cơ lập nghiệp; thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, các thế hệ cán bộ, nhân dân Phú Yên luôn quan tâm đầu tư xây dựng, tôn tạo, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản liên quan đến danh nhân Lương Văn Chánh. Để hoàn thành bức tượng danh nhân Lương Văn Chánh ngự trong đền thờ hôm nay, ngoài sự góp công lớn của các cá nhân tài trợ, cơ quan chức năng, còn là sự nỗ lực, cố gắng của nhóm tác giả đã đầu tư tâm sức, phác thảo và thực hiện việc đúc tượng mẫu. “Chúng tôi thật sự vinh dự khi được thực hiện công trình này. Trong suốt quá trình thực hiện, tôi và các cộng sự đã dồn cả tâm sức, như một cách bày tỏ lòng thành kính tri ân với bậc tiền nhân”, họa sĩ Lê Đức Thắng chia sẻ.
Ngày khánh thành tượng danh nhân Lương Văn Chánh, đông đảo nhân dân xã Hòa Trị và nhiều địa phương hội tụ để chứng kiến và chiêm bái vị Thành hoàng. Ông Lương Hữu Pháp, một luật sư đang sinh sống ở TP Hồ Chí Minh về dự lễ, nói: “Là một hậu duệ của tộc họ Lương, tôi vô cùng xúc động trước những tấm lòng của người dân Phú Yên đã tài trợ tiền của, công sức để dựng tượng, xây dựng đền, mộ danh nhân Lương Văn Chánh”. Ông Hà Trung Kháng, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa, nói: “Sự kiện này vô cùng có ý nghĩa với cán bộ, nhân dân tỉnh Phú Yên nói chung và huyện Phú Hòa nói riêng. Chúng tôi nguyện ra sức thực hiện công việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển giá trị di sản văn hóa nơi đây, thể hiện lòng thành kính, tri ân công lao to lớn của vị Thành hoàng mở đất; có kế hoạch chăm sóc bảo vệ cây bồ đề di sản ngày càng phát triển xanh tốt, bảo vệ môi trường, góp phần làm tốt công tác giáo dục truyền thống, phát triển văn hóa, du lịch huyện nhà”.
Trước lễ khánh thành tượng, Ban trị sự tộc họ Lương đã tổ chức rước tượng và lễ an vị tượng danh nhân Lương Văn Chánh theo nghi lễ truyền thống; đồng thời mời Nhà hát Tuồng Đào Tấn (tỉnh Bình Định) biểu diễn vở tuồng Tình yêu và khát vọng (tác giả Phạm Ngọc Sơn) ca ngợi công đức của Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh ngay tại sân đền thờ.
QUỲNH MAI
Hôm nay, đông đảo cán bộ, nhân dân trong tỉnh tề tựu về đây chiêm bái trước tượng thờ danh nhân Lương Văn Chánh, tưởng niệm vị Thành hoàng đã có công mở cõi vùng đất Phú Yên. Chúng ta đứng dưới gốc cây bồ đề chiêm nghiệm về lịch sử thăng trầm, chiến tranh và mưa nắng nhưng vẫn vững chãi, xum xuê; ôn lại lịch sử mở cõi hào hùng của vùng đất Phú trời Yên đã dâng lên trong lòng mỗi người niềm xúc động và tự hào sâu sắc. Đây không chỉ là dịp thể hiện lòng biết ơn của thế hệ hôm nay đối với tiền nhân mà còn là dịp để giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam.
Hiện vẫn còn nhiều cây lâu đời đã gắn liền với lịch sử, văn hóa, tâm linh của con người và vùng đất Phú Yên vẫn trường tồn và phát triển xanh tươi, tôi mong rằng, Sở VH-TT-DL tỉnh sớm có kế hoạch nghiên cứu, sưu tầm và đề nghị công nhận cây di sản. Bởi việc này không chỉ có ý nghĩa bảo tồn vốn quý mà còn phát huy các giá trị di sản trong phát triển du lịch tỉnh nhà.
Nhớ ơn tổ tiên, các bậc tiền nhân là đạo lý lâu đời của người Việt Nam. Không chỉ riêng tôi mà cán bộ lãnh đạo tỉnh, gia tộc họ Lương và mọi người dân trong tỉnh đều có tâm nguyện được chiêm bái trước tượng thờ, tỏ lòng biết ơn đối với Thành hoàng Lương Văn Chánh. Là một doanh nhân, tôi luôn tin tưởng vào sức mạnh của truyền thống, của cội nguồn, xem đây là động lực để phát triển trong kinh doanh. Tôi rất mãn nguyện vì một phần kinh phí mình đóng góp đã góp phần tạc nên bức tượng đẹp về danh nhân Lương Văn Chánh, làm giàu thêm vốn văn hóa của tỉnh nhà.
Hôm nay, con cháu tộc họ Lương xa gần đều tề tựu đông đủ để dự lễ khánh thành tượng danh nhân Lương Văn Chánh và đón bằng công nhận cây bồ đề là Cây di sản Việt Nam. Là con cháu của đức Thành Hoàng, chúng tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào.
Bên cạnh niềm vinh dự, chúng tôi cũng thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ và phát huy giá trị Di tích cấp quốc gia Khu di tích Mộ và Đền thờ Lương Văn Chánh. Ban trị sự tộc họ Lương có kế hoạch phân công con cháu các chi họ tới đền thờ thắp hương tổ tiên, quét dọn sạch sẽ khuôn viên di tích. Với vốn hiểu biết các giá trị văn hóa, lịch sử về danh nhân Lương Văn Chánh cũng như nguồn gốc cây bồ đề di sản, chúng tôi sẽ góp phần lưu giữ các giá trị truyền thống cũng như các câu chuyện thú vị về cây bồ đề di sản đến với du khách gần xa.
TUYẾT DIỆU (ghi) |