Ngày 8/1, người đứng đầu ngành ngoại giao của chính quyền chuyển tiếp ở Syria, ông Asaad Hassan al-Shibani cam kết sẽ khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước và đảm bảo việc hồi hương những người tị nạn, một tháng sau khi chính quyền của cựu Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ.
Trong một tuyên bố đánh dấu kỷ niệm một tháng ngày thay đổi quyền lực ở Syria, ông Al-Shibani tuyên bố rằng “hạnh phúc của chúng ta sẽ vẫn chưa trọn vẹn cho đến khi từng tấc đất của Syria được thống nhất và những người đi sơ tán và người tị nạn được trở về nhà của mình”.
Đồng thời, Bộ Ngoại giao của chính phủ lâm thời Syria bày tỏ hoan nghênh các động thái miễn trừ và nới lỏng lệnh trừng phạt kinh tế gần đây của Mỹ đối với Syria. Bộ này nói thêm rằng những tiến triển này là nhờ “các cuộc họp chuyên sâu” và ca ngợi “công sức” của các nhóm đàm phán của Syria.
Theo cơ quan ngoại giao của chính quyền mới ở Syria, việc dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế này là rất quan trọng đối với sự phục hồi, ổn định và thịnh vượng của Syria.
Những tuyên bố trên được đưa ra sau một loạt các động thái ngoại giao gần đây của chính quyền chuyển tiếp Syria, nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của khu vực và quốc tế, sau khi chính quyền của cựu Tổng thống Al-Assad bị sụp đổ vào tháng 12 năm ngoái.
Trước đó ngày 6/1, Mỹ tuyên bố sẽ kéo dài thời hạn tạm hoãn lệnh trừng phạt đối với một số lĩnh vực của Syria trong 6 tháng tới để tạo điều kiện cho chính quyền, người dân Syria tiếp cận các dịch vụ cơ bản.
Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu (EU) và các nước khác đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Syria sau khi nổ ra cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông này vào năm 2011. Tuy nhiên, những diễn biến mới tại Syria đang khiến các nước phương Tây cân nhắc việc dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt đối với Syria, vốn gây cản trở việc cung cấp viện trợ nhân đạo cũng như sự phục hồi của quốc gia Trung Đông này.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot ngày 8/1 cho biết các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) ở Syria, vốn gây cản trở việc cung cấp viện trợ nhân đạo và ngăn cản sự phục hồi của quốc gia Trung Đông này, có thể được dỡ bỏ nhanh chóng.
Hôm 6/1, Mỹ đã ban hành lệnh miễn trừ trừng phạt đối với các giao dịch với các cơ quan chính quyền lâm thời ở Syria trong 6 tháng sau khi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ.
Phát biểu trên đài phát thanh France Iner, Ngoại trưởng Barrot tuyên bố EU có thể sớm đưa ra quyết định tương tự nhưng không biết thời gian chính xác, đồng thời nhấn mạnh việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt chính trị sẽ phụ thuộc vào cách thức ban lãnh đạo mới của Syria xử lý quá trình chuyển giao và đảm bảo tính độc lập.
Hôm 3/1, Ngoại trưởng Pháp Jean - Noel Barrot đã cùng người đồng cấp Đức Annalena Baerbock gặp nhà lãnh đạo trên thực tế của Syria Ahmed al-Sharaa, đồng thời cho rằng có những lệnh trừng phạt khác hiện đang cản trở việc tiếp cận hỗ trợ nhân đạo, cản trở sự phục hồi của Syria và những lệnh trừng phạt đó có thể được dỡ bỏ nhanh chóng.
Ba nhà ngoại giao châu Âu giấu tên cho biết EU sẽ tìm kiếm nhất trí dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt khi các ngoại trưởng của khối 27 quốc gia thành viên này nhóm họp ở Brussels vào ngày 27/1 tới.
Mục đích dỡ bỏ trừng phạt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch tài chính để cho phép các quỹ trở lại với Syria, nới lỏng vận tải hàng không và giảm bớt trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng để cải thiện nguồn cung điện.
Syria đang bị thiếu điện nghiêm trọng khi nguồn điện do nhà nước cung cấp chỉ có trong hai hay ba giờ đồng hồ mỗi ngày ở hầu hết các khu vực. Chính phủ lâm thời Syria đặt mục tiêu cung cấp điện tới 8 giờ mỗi ngày trong vòng hai tháng tới.
H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)