Một nhóm điều tra quốc tế bao gồm các chuyên gia từ Mỹ và đại diện nhà sản xuất máy bay Boeing đã có mặt tại hiện trường vụ tai nạn máy bay Jeju Air tại Sân bay quốc tế Muan, cách thủ đô Seoul khoảng 290 km về phía Tây Nam.
Vụ tai nạn thảm khốc ngày 29/2 đã cướp đi sinh mạng của 179 người, đặt ra nhiều câu hỏi về nguyên nhân dẫn đến thảm kịch này.
Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải Hàn Quốc, các đại diện từ Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB) và Boeing đã phối hợp cùng 11 điều tra viên từ Ủy ban Điều tra tai nạn hàng không và đường sắt Hàn Quốc (ARAIB).
Ông Joo Jong Wan - lãnh đạo Cục Chính sách hàng không tại Bộ Giao thông Hàn Quốc - cho biết các nhà điều tra đã thảo luận về lịch trình và các lĩnh vực trọng tâm trong cuộc điều tra, bao gồm phân tích các mảnh vỡ tại hiện trường nhằm tìm kiếm manh mối về nguyên nhân vụ tai nạn.
Theo Công ước Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), quốc gia nơi xảy ra tai nạn có trách nhiệm khởi xướng cuộc điều tra, đồng thời mời các quốc gia liên quan như nhà sản xuất máy bay, quốc gia điều hành, và quốc gia có nạn nhân tham gia. Dù Thái Lan có hai công dân thiệt mạng trong vụ tai nạn, nhưng quốc gia này đã chọn không tham gia điều tra.
Vụ tai nạn xảy ra khi chiếc Boeing 737-800 hạ cánh bằng bụng, trượt khỏi đường băng và va chạm với một bức tường bê tông gần cuối đường băng, gây ra vụ nổ kèm theo quả cầu lửa khổng lồ. Các nhà điều tra hiện đang tập trung vào 3 yếu tố chính: va chạm với chim, khả năng hỏng hóc kỹ thuật và quyết định khẩn cấp của phi công.
Trước khi phát tín hiệu báo động, phi công đã báo cáo va chạm với chim. Tuy nhiên, câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ về việc liệu một số hệ thống điều khiển máy bay có bị vô hiệu hóa hay không, cũng như lý do phi công quyết định hạ cánh khẩn cấp thay vì cố gắng bay vòng lại.
Thiết kế đường băng tại sân bay Muan cũng bị chỉ trích gay gắt. Một bức tường bê tông, được sử dụng để hỗ trợ thiết bị dẫn đường, nằm cách đường băng chỉ 250 mét, thấp hơn khoảng cách tối thiểu 300 mét theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhiều chuyên gia nhận định khoảng cách quá gần này đã làm tăng mức độ nghiêm trọng của vụ tai nạn. Ông John Cox - Giám đốc Điều hành Safety Operating Systems - cho rằng chiếc máy bay đã kiểm soát được tốc độ khi trượt khỏi đường băng, nhưng cú va chạm với bờ đất đã biến sự cố thành thảm kịch.
Hai hộp đen của máy bay - máy ghi dữ liệu chuyến bay (FDR) và máy ghi âm buồng lái (CVR) - đang được kiểm tra kỹ lưỡng. Trong khi FDR bị hư hỏng và thiếu một đầu nối quan trọng, CVR được đánh giá ở tình trạng tốt hơn.
Nhóm điều tra đang cân nhắc sửa chữa hộp đen tại Hàn Quốc hoặc gửi chúng đến NTSB ở Mỹ để phân tích chi tiết hơn. Dữ liệu từ hai thiết bị này sẽ đóng vai trò then chốt trong việc xác định nguyên nhân vụ tai nạn.
Bên cạnh đó, cảnh sát Hàn Quốc đã tăng cường nhân sự và thiết bị phân tích ADN để đẩy nhanh quá trình nhận dạng nạn nhân. Tính đến sáng 31/12, 174 trong số 179 thi thể đã được xác định danh tính. Gia đình các nạn nhân tiếp tục kêu gọi sự minh bạch trong quá trình điều tra và yêu cầu nhà chức trách cung cấp thêm thông tin.
Quyền Tổng thống Hàn Quốc Choi Sang Mok đã yêu cầu kiểm tra toàn diện hệ thống vận hành hàng không trong nước để ngăn ngừa các thảm họa tương tự. Với sự phối hợp quốc tế chặt chẽ và cam kết minh bạch, cuộc điều tra hy vọng sẽ đưa ra câu trả lời thỏa đáng, góp phần nâng cao an toàn hàng không toàn cầu.
Theo TTXVN/Vietnam+