Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đệ đơn lên Tòa án Tối cao yêu cầu tạm hoãn lệnh cấm nền tảng chia sẻ video ngắn TikTok cho đến khi chính phủ mới của Mỹ có thể theo đuổi một "giải pháp chính trị" cho vấn đề này.
Động thái trên diễn ra giữa lúc TikTok và Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đệ trình những bản tường trình đối lập lên tòa. Trong đó, TikTok cho rằng tòa nên bác bỏ đạo luật có thể cấm nền tảng này vào ngày 19/1/2025, trong khi Chính phủ Mỹ nhấn mạnh quan điểm rằng đạo luật này là cần thiết để loại bỏ nguy cơ an ninh quốc gia.
Bản tường trình của ông Trump, do ông D. John Sauer soạn thảo. Ông Sauer là ứng viên cho vị trí Tổng chưởng lý theo kế hoạch bổ nhiệm nhân sự cho chính phủ mới của ông Trump. Văn bản này nêu rõ Tổng thống đắc cử Trump không đưa ra quan điểm về bản chất của tranh chấp này. Thay vào đó, ông đề nghị tòa án xem xét hoãn thời hạn thoái vốn theo Đạo luật vào ngày 19/1/2025, trong khi xem xét nội dung của vụ việc.
Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Donald Trump đã từng tìm cách cấm TikTok do lo ngại an ninh quốc gia. Tuy nhiên, trong chiến dịch tranh cử tổng thống 2024, ông đã tham gia TikTok và đội ngũ cố vấn của ông sử dụng nền tảng này để kết nối với cử tri trẻ, nhất là nam giới.
Trong khi đó, ngày 27/12 vừa qua, một tòa án Nga đã tuyên phạt nền tảng video dạng ngắn TikTok 3 triệu ruble (28.600 USD) vì không xóa bỏ nội dung vi phạm luật pháp Nga.
Theo phán quyết của Tòa án quận Tagansky ở Moscow, công ty Tik Tok Pte. Ltd bị kết tội vì không tuân thủ các hạn chế pháp lý của Nga về việc đăng tải một số loại hình thông tin nhất định. Bộ phận báo chí của tòa án không cung cấp thêm chi tiết về vụ việc.
Nền tảng TikTok hiện có hơn 1 tỉ người đăng ký sử dụng trên toàn thế giới khi tạo được được sức hút qua hàng loạt video cực ngắn chứa nội dung giải trí phong phú. Thành công của TikTok từ một ứng dụng chia sẻ video ngách thành một "gã khổng lồ" mạng xã hội toàn cầu đã thu hút sự quan tâm cùng với sự giám sát chặt chẽ của không chỉ Nga mà còn nhiều nước khác trên thế giới.
Trước đó, Thủ tướng Albania Edi Rama cho biết chính phủ nước này sẽ đóng cửa TikTok trong ít nhất một năm kể từ năm 2025. Động thái này diễn ra sau khi một học sinh 14 tuổi bị giết và một người khác bị thương trong một cuộc ẩu đả gần một trường học ở Tirana. Vụ ẩu đả bắt nguồn từ một mâu thuẫn trực tuyến trên mạng xã hội.
Liên minh châu Âu (EU) đang điều tra xem liệu chiến thắng bất ngờ của ứng cử viên tổng thống Calin Georgescu trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống Romania có phải nhờ một phần sự "đối xử ưu tiên" của TikTok hay không.
Đây là cuộc điều tra thứ ba mà Ủy ban châu Âu (EC) tiến hành đối với TikTok. Nền tảng này có nguy cơ bị phạt tới 6% doanh thu toàn cầu.
Cùng với nhiều nền tảng khác, TikTok đã trở thành mục tiêu của một đạo luật mang tính bước ngoặt được thông qua ở Úc vào tháng 11.
Đạo luật này cấm người dưới 16 tuổi truy cập mạng xã hội. Các công ty truyền thông xã hội không tuân thủ luật có thể bị phạt tới 50 triệu AUD (32,5 triệu USD) đối với "những vi phạm có hệ thống". Theo ước tính, gần 1/3 số người dùng TikTok ở trong độ tuổi từ 10-19 tuổi.
Vào tháng 8/2024, trước sức ép của các cơ quan quản lý EU, TikTok đã buộc phải loại bỏ một tính năng trong phiên bản phụ TikTok Lite ở Pháp và Tây Ban Nha. Với tính năng này, người dùng từ 18 tuổi trở lên có thể kiếm điểm để đổi lấy phiếu mua hàng hoặc thẻ quà tặng bằng cách ấn thích và xem video. EU cáo buộc tính năng này có khả năng gây nghiện.
Theo TTXVN/Vietnam+