* Trung Quốc chế tạo 'trạm sạc di động' cho tàu vũ trụ Thường Nga 8
Đại học Kyoto và Tập đoàn xây dựng Kajima Corp của Nhật Bản đã hợp tác nghiên cứu để phát triển môi trường sống trên Mặt Trăng có khả năng tạo ra trọng lực nhân tạo, cho phép con người sống trên Mặt Trăng trong điều kiện tương tự như trên Trái Đất.
Nhóm nghiên cứu đặt mục tiêu đến những năm 2030 sẽ xây dựng một nguyên mẫu trên mặt đất của "Kính Mặt Trăng Mới", một cấu trúc parabol tạo ra trọng lực thông qua chuyển động quay. Cấu trúc này sẽ có đường kính khoảng 200 mét và cao 400 mét, với sức chứa tới 10.000 người.
Đại học Kyoto và Kajima đã công bố một mô hình có tỷ lệ 1:2000, tiến hành mô phỏng hành vi của các vật thể dưới lực hấp dẫn nhân tạo. Các nhà khoa học đã khởi động dự án từ tài khóa này và xác định những thách thức đầu tiên qua các mô hình và mô phỏng máy tính. Công nghệ này dự kiến sẽ giải quyết được những lo ngại về tác động tiêu cực của việc tiếp xúc lâu dài với trọng lực vi mô đối với cơ thể con người, bao gồm cả tình trạng giảm khối lượng xương và teo cơ.
Thành viên nhóm nghiên cứu, giáo sư Yosuke Yamashiki của Đại học Kyoto, cho biết dự án này đòi hỏi bước nhảy vọt đáng kể về công nghệ song họ sẽ nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu này, mở đường cho việc thiết lập môi trường sống trong không gian.
* Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Công nghệ Đại Liên, Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong và Đại học Thâm Quyến đã đề xuất thiết kế robot đa chức năng hoạt động trên bề mặt Mặt Trăng, đóng vai trò là một trạm sạc di động.
Theo thông cáo báo chí mới đây từ Đại học Công nghệ Đại Liên, Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) đã chấp thuận cho robot trên tham gia vào sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng cùng tàu Thường Nga-8. Robot này nặng khoảng 100 kg, có khả năng tiến hành các thí nghiệm phức tạp trong môi trường khắc nghiệt của Mặt Trăng.
Trưởng nhóm nghiên cứu Yu Xiaozhou tại Đại học Công nghệ Đại Liên nhấn mạnh robot này có thể theo tàu đổ bộ lên Mặt Trăng và theo dõi tình trạng hoạt động của tàu.
Giáo sư Yu Hongyu tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong nêu rõ dự án trên nhằm giải quyết các thách thức về mặt kỹ thuật, trong đó có khả năng chịu nhiệt độ cực thấp tại cực Nam Mặt Trăng và thực hiện định vị, điều hướng cũng như di chuyển tự động mà không cần dựa vào hệ thống định vị vệ tinh.
Thường Nga-8 sẽ cùng với tàu Thường Nga-7 tạo thành mô hình cơ bản của một trạm nghiên cứu Mặt Trăng. Tàu Thường Nga-7 dự kiến sẽ được phóng vào không gian vào năm 2026 để thực hiện thăm dò tài nguyên ở cực Nam Mặt Trăng.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Báo Tin tức)