Phe đối lập Syria tuyên bố muốn đóng góp vào "hòa bình khu vực" sau cuộc gặp lịch sử giữa lãnh đạo Ahmed al-Sharaa và phái đoàn ngoại giao Mỹ tại Damascus.
Trong một tuyên bố đưa ra tối 20/12, đại diện nhóm Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS) nêu rõ "người dân Syria giữ khoảng cách bình đẳng với mọi quốc gia và các bên trong khu vực, đồng thời Syria bác bỏ mọi sự phân cực".
Tuyên bố nhấn mạnh chính quyền mới muốn "khẳng định vai trò của Syria trong thúc đẩy hòa bình khu vực và xây dựng quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt với các nước trong khu vực".
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Trung Đông Barbara Leaf dẫn đầu phái đoàn gồm Đặc phái viên Tổng thống về vấn đề Con tin Roger Carstens và Cố vấn cao cấp Daniel Rubinstein. Đây là các nhà ngoại giao Mỹ đầu tiên tới Damascus kể từ khi Tổng thống Bashar al-Assad rời khỏi Syria.
Ông al-Sharaa, trước đây được biết đến với bí danh Abu Mohammed al-Jolani, là lãnh đạo của nhóm HTS đang nắm quyền tại Damascus và từng là đối tượng bị Mỹ trừng phạt. Tuy nhiên, sau cuộc gặp chính thức đầu tiên này, Washington thông báo đã hủy bỏ tiền thưởng cho việc bắt giữ ông.
Bà Leaf cho biết đã thảo luận với lãnh đạo Syria mới về "nhu cầu cấp thiết đảm bảo các nhóm khủng bố không thể gây ra mối đe dọa trong và ngoài Syria, bao gồm cả với Mỹ và các đối tác trong khu vực". Theo bà, ông al-Sharaa "đã cam kết thực hiện điều này" và thể hiện là người "thực tế".
HTS, lực lượng dẫn đầu liên minh vũ trang chiến thắng tại Damascus, tuyên bố đã cắt đứt quan hệ với chủ nghĩa thánh chiến và đang nỗ lực trấn an người dân về khả năng phục hồi đất nước sau gần 14 năm nội chiến.
Pháp, Đức, Anh và LHQ cũng đã cử phái đoàn tới Damascus những ngày gần đây để thiết lập liên lạc với chính quyền mới. Phương Tây lo ngại về nguy cơ phân mảnh đất nước và sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, vốn chưa bao giờ bị xóa sổ hoàn toàn tại đây.
Theo TTXVN/Vietnam+