Google mới đây đã công bố các xu hướng tìm kiếm thịnh hành trên công cụ tìm kiếm này trong năm qua.
Thống kê cho thấy so với năm ngoái, các xu hướng tìm kiếm phổ biến nhất tập trung vào các cuộc bầu cử lớn, các bài hát được nhiều người yêu thích, các vận động viện và các sự kiện văn hóa nổi bật.
Thể thao, cụ thể là bóng đá và cricket, đã thống trị các xu hướng tìm kiếm trên Google. Giải bóng đá Copa America được quan tâm hàng đầu trên toàn cầu, tiếp theo là Giải vô địch bóng đá châu Âu (EURO) và Giải vô địch cricket nam thế giới T20.
Trong mảng tin tức, bầu cử Mỹ là chủ đề phổ biến nhất, tiếp đến là thời tiết nóng bức và sự kiện Olympic.
Về nhân vật, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump là người thu hút sự chú ý nhiều nhất, tiếp đó là Công nương Catherine của xứ Wales, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và võ sĩ quyền Anh người Algeria Imane Khelif. Võ sĩ gây tranh cãi giới tính này đã giành HCV Olympic 2024 và cũng là vận động viên được theo dõi nhiều nhất.
Trong thế giới giải trí, "Inside Out 2" do Disney và Pixar sản xuất là bộ phim hoạt hình được yêu thích nhất năm, trong khi "Baby Reindeer" của Netflix xếp đầu trong các chương trình truyền hình. "Not Like Us" của ca sĩ Kendrick Lamar là bài hát được tìm kiếm nhiều nhất.
Về công thức nấu ăn, tình yêu đặc biệt của kình ngư Na Uy Henrik Christiansen đối với bánh muffin chocolate tại Làng vận động viên Olympic đã khiến món bánh này trở nên nổi tiếng, nhiều người tò mò tìm hiểu trên Google. Ngôi sao bơi lội đã làm nhiều video thể hiện niềm yêu thích với muffin chocolate, thu hút hàng triệu lượt xem. Lời đồn về chiếc bánh ngon nhất Olympic đã tạo cảm hứng để nhiều vận động viên khác cùng tham gia làm clip đánh giá món ăn này.
Google đã thu thập kết quả tìm kiếm từ ngày 1/1 đến ngày 23/11. Không chỉ có Google, các trang như Spotify Wrapped, Collins Dictionary và Merriam-Webster cũng công bố các xu hướng của năm, giúp người xem cảm nhận được toàn cảnh bức tranh thế giới năm 2024.
* Trong nỗ lực tiến sâu vào lĩnh vực thực tế mở rộng (XR), Google vừa ra mắt hệ điều hành Android XR được thiết kế để sử dụng trong loạt thiết bị thông minh. Đây là dự án tham vọng có sự hợp tác của tập đoàn Samsung (Hàn Quốc).
Không chỉ dừng lại ở điện thoại, máy tính bảng hay đồng hồ thông minh, Android XR sẽ là nền tảng cho một loạt thiết bị XR, từ kính thực tế truyền thống đến “kính AI” không màn hình ra mắt năm 2025.
Điểm nhấn của Android XR chính là sự tích hợp sâu rộng với trợ lý ảo Gemini. Trong đó, Gemini được thiết kế để tương tác với người dùng một cách tự nhiên thông qua giọng nói, giúp điều khiển hệ điều hành và ứng dụng một cách dễ dàng.
Google tin rằng Gemini chính là “ứng dụng đột phá” giúp XR trở nên phổ biến hơn.
Android XR sẽ ra mắt đầu tiên trên các tai nghe giúp thay đổi cách người dùng xem, làm việc và khám phá. Với tai nghe, người dùng dễ dàng chuyển đổi giữa việc đắm chìm hoàn toàn trong môi trường ảo với các ứng dụng, nội dung số và trợ lý ảo, sang thế giới thực.
Ngoài ra, bản phát hành Android XR là bản xem trước dành cho các nhà phát triển để họ có thể bắt đầu phát triển trò chơi và ứng dụng cho các thiết bị khác.
Google cũng có kế hoạch sớm bắt đầu thử nghiệm nguyên mẫu kính chạy Android XR với một nhóm nhỏ người dùng.
Gemini trong kính sẽ hỗ trợ các tác vụ như chỉ đường và dịch ngôn ngữ. Sau đó, Google cũng sẽ điều chỉnh các ứng dụng phổ biến như YouTube, Ảnh, Bản đồ và Google TV để người dùng có trải nghiệm nhập vai bằng Android XR.
Trước đó, trong tuần này, Google cũng công bố Gemini 2.0, mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến nhất của hãng cho đến nay, trong bối cảnh nhiều tập đoàn đang chạy đua để dẫn đầu về công nghệ phát triển nhanh chóng này.
Giám đốc điều hành (CEO) Google Sundar Pichai cho biết mô hình mới sẽ đánh dấu "kỷ nguyên nhân sự mới" trong phát triển AI, với các mô hình AI được thiết kế để hiểu và đưa ra quyết định về thế giới xung quanh.
"Nhân sự AI” (AI Agent) đang là xu hướng mới nhất của Thung lũng Silicon, có khả năng nắm được mục đích, giúp người dùng lên kế hoạch, nghiên cứu các chủ đề, hướng dẫn thực hiện các công việc. AI Agent có thể tự học hỏi, quyết định và phản hồi dựa trên dữ liệu và mục tiêu được thiết lập trước đó.
T.LÊ (tổng hợp TTXVN/Vietnam+)