Thứ Bảy, 08/02/2025 18:51 CH
Châu Âu nhất trí về 4 giải pháp cấp bách về giá năng lượng
Thứ Bảy, 10/09/2022 11:32 SA

Các đại biểu dự Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng EU tại Brussels, Bỉ, ngày 9/9/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

* Các nền kinh tế lớn nhất EU kiên quyết áp thuế doanh nghiệp tối thiểu

 

Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, tại cuộc họp bất thường hôm 9/9 ở Brussels, Bộ trưởng Năng lượng 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về bốn giải pháp cấp bách để giảm giá năng lượng tăng cao.

 

Hiện các quốc gia châu Âu đang chờ đợi đề xuất từ Ủy ban châu Âu (EC) trong những ngày tới, với hy vọng sẽ thông qua trước cuối tháng này.

 

Theo thông báo, giải pháp đầu tiên là việc 27 quốc gia EU nhất trí về mức giới hạn chung đối với giá khí đốt nhập khẩu vào châu Âu, dù là từ Nga hay từ các quốc gia khác.

 

Giải pháp thứ hai là giới hạn doanh thu của các nhà sản xuất điện. Hiện EC có nhiệm vụ đưa ra một đề xuất chính thức để giới hạn thu nhập của các nhà sản xuất điện.

 

Giải pháp thứ ba là sự can thiệp "tạm thời và khẩn cấp" vào thị trường khí đốt, với "mức giá trần" do Bỉ và Ý cùng một số nước khác đề xuất.

 

Cuối cùng, các bộ trưởng đề nghị EC trình bày các biện pháp để điều phối việc giảm nhu cầu điện trên toàn EU và để giúp giải quyết các vấn đề thanh khoản trên các thị trường năng lượng.

 

Theo dự kiến, các Bộ trưởng năng lượng châu Âu sẽ tiếp tục nhóm họp vào cuối tháng này để thông qua các biện pháp cụ thể.

 

Cùng ngày 9/9, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã bày tỏ quan tâm đến việc mua điện từ nhà máy điện hạt nhân Khmelnytskyi của Ukraine. Thủ tướng Morawiecki đưa ra thông điệp trên khi đang ở thăm Kiev.

 

Phát biểu họp báo chung sau cuộc gặp Tổng thống nước chủ nhà Ukraine Volodymyr Zelensky, Thủ tướng Ba Lan Morawiecki nói rõ: "Chúng tôi có thể sử dụng một phần điện từ Ukraine. Tôi đã được Tổng thống Zelensky cho biết Ukraine sẽ sớm sẵn sàng bán điện từ (nhà máy điện hạt nhân) Khmelnytskyi”.

 

Hiện Ukraine đang tìm cách thúc đẩy xuất khẩu điện sang Liên minh châu Âu (EU) để tăng cường dòng tiền mặt cho các công ty năng lượng của mình, vốn bị ảnh hưởng do sụt giảm sử dụng kể từ khi nổ ra cuộc chiến hồi tháng 2.

 

Ở chiều ngược lại, dòng điện từ Ukraine cũng sẽ giúp EU đối phó với tình trạng giảm nguồn cung khí đốt từ Nga.

 

Cho đến nay, Ukraine đã bán điện cho Hungary, Slovakia và Ba Lan (khoảng 200 MW). Trong thời gian tới, nước này có thể cung cấp thêm cho Ba Lan 1.000MW điện từ nhà máy Khmelnytskyi qua đường dây điện kết nối hai nước.

 

Hệ thống đường dây điện này đã không hoạt động từ những năm 1990 nhưng dự kiến sẽ hoạt động trở lại vào cuối năm nay sau khi được nâng cấp.

 

* Trong diễn biến khác, giới chức 5 nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẽ áp mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu vào năm 2023 ngay cả khi Hungary tiếp tục phản đối đề xuất này.

 

Trong tuyên bố chung đưa ra ngày 9/9 bên lề cuộc họp với các đối tác của EU ở Prague (Cộng hòa Czech), các bộ trưởng tài chính của Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Hà Lan cho biết sẽ vẫn áp mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu vào năm tới như cam kết, nếu EU không đạt được sự nhất trí trong những tuần tới.

 

Tuyên bố khẳng định 5 nước này sẵn sàng thực thi cam kết bằng "bất kỳ công cụ pháp lý nào”. Các quan chức Pháp trước đó đã đề cập khả năng cùng với Đức, Ý, Tây Ban Nha và Hà Lan xúc tiến 1 quy trình pháp lý tại EU cho phép yêu cầu sự hợp tác của ít nhất 10 quốc gia thành viên.

 

Các nước này cũng tính đến khả năng thông qua việc áp mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu tại nghị viện mỗi nước.

 

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire tuyên bố: "Công bằng trong chính sách thuế là ưu tiên của EU", đồng thời khẳng định mức thuế doanh nghiệp tối thiểu sẽ được áp dụng vào năm tới trên toàn châu Âu hoặc ở từng quốc gia.

 

Trụ cột đầu tiên nhằm phân bổ lại 25% lợi nhuận của các công ty đa quốc gia lớn nhất thế giới để đảm bảo các công ty này trả phần thuế công bằng, bất kể vận hành và sinh lợi nhuận ở đâu.

 

Trụ cột thứ 2 nhằm mục đích thiết lập thuế suất doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15%, áp dụng đối với các công ty có thu nhập từ 750 triệu euro (870 triệu USD) trở lên. Ước tính, mức thuế này sẽ giúp các chính phủ bổ sung khoảng 150 tỉ USD/năm thu nhập từ thuế.

 

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek