* Đồng won lao dốc, Hàn Quốc đối mặt cuộc khủng hoảng kinh tế phức tạp
Phó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed), bà Lael Brainard, ngày 7/9 khẳng định ngân hàng trung ương này sẽ duy trì cuộc chiến chống lạm phát "chừng nào còn có thể" để đảm bảo kiểm soát được giá cả.
Những khẳng định trên của bà Brainard được đưa ra trong một bài phát biểu dành cho một hội nghị ở New York. Trong bài phát biểu, khi bà thừa nhận rằng nỗi đau từ tình trạng giá cả tăng phi mã còn nặng nề hơn đối với các gia đình có thu nhập thấp.
Chia sẻ ý kiến từ các nhà hoạch định chính sách hàng đầu khác, Phó Chủ tịch Fed nhấn mạnh thông điệp rằng Fed không có kế hoạch xoay trục chính sách hay giảm lãi suất sớm trong giai đoạn tới.
Một số thị trường tài chính đã dựa vào những dấu hiệu giảm bớt tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng cùng việc giá giảm một cách khiêm tốn để đặt cược rằng Fed sẽ sớm bắt đầu thu hẹp các nỗ lực điều chỉnh lãi suất.
Thậm chí, một số còn nhận định Fed có thể cắt giảm lãi suất vào năm tới khi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ yếu đi. Nhưng bình luận của bà Brainard đã dội thêm gáo nước lạnh vào những hy vọng đó.
Bà cho hay Fed sẽ cần phải tăng thêm lãi suất và duy trì chính sách thắt chặt trong một thời gian để tạo niềm tin rằng lạm phát sẽ giảm xuống mức mục tiêu đề ra.
Xác nhận lại những bình luận gần đây từ Chủ tịch Fed Jerome Powell, bà Brainard, nhấn mạnh sự cần thiết phải tránh nguy cơ rút lại các chính sách quá sớm.
Bà nói rằng dù việc lạm phát hàng tháng dần ổn định hơn là điều đáng hoan nghênh, nhưng Fed sẽ cần phải thấy những con số này ở mức thấp liên tục trong vài tháng để tin tưởng rằng lạm phát đang trở lại mức 2%.
Các hộ gia đình Mỹ đã phải vật lộn đối phó với lạm phát tăng ở tốc độ nhanh nhất trong hơn bốn thập kỷ. Tình hình càng trầm trọng hơn bởi các vấn đề trong chuỗi cung ứng, các lệnh phong tỏa phòng dịch COVID-19 ở Trung Quốc và giá xăng dầu tăng cao do cuộc chiến Nga - Ukraine. Tính từ tháng 3 tới nay, Fed đã tăng lãi suất cho vay chuẩn bốn lần, trong đó có hai lần tăng tới 0,75 điểm phần trăm. Giới quan sát dự báo Fed sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất tại cuộc họp vào cuối tháng này.
* Nền kinh tế Hàn Quốc đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng phức tạp khi giá trị của đồng won đang tiếp tục giảm sâu và thâm hụt thương mại ngày càng gia tăng.
Tỉ giá hối đoái giữa đồng won và đồng USD tại thị trường ngoại hối Seoul đóng cửa phiên giao dịch 7/9 ở mức 1.384,2 won đổi 1 USD, tăng 12,5 won.
Đây là lần đầu tiên tỉ giá won/USD vượt mốc 1.380 won đổi 1 USD trong vòng 13 năm 5 tháng, kể từ sau tháng 4/2009, thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tỉ giá won/USD đã phá vỡ mức cao nhất của năm trong 6 phiên liên tiếp, trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được dự báo nâng tiếp lãi suất 0,75 điểm phần trăm vào cuối tháng 9/2022.
Ngoài ra, việc Nga dừng cung cấp khí đốt thiên nhiên khiến nhiều ý kiến lo ngại về khó khăn cho nền kinh tế châu Âu, làm đồng USD càng tăng giá trị hơn nữa.
Chỉ số chứng khoán tổng hợp Hàn Quốc (KOSPI) đóng cửa phiên giao dịch 7/9 ở mức 2.376,46 điểm, giảm 33,56 điểm (1,39%).
Trong khi đó, số liệu công bố của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) ngày 7/9 về cán cân tài khoản vãng lai cho biết cán cân thương mại hàng hóa tháng 7/2022 đã thâm hụt 1,18 tỉ USD, lần thâm hụt đầu tiên kể từ tháng 4/2014.
Nguyên nhân là do xuất khẩu tăng 6,9% nhưng nhập khẩu lại tăng vọt tới 21,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhập khẩu nguyên vật liệu tăng tới 35,5%; nhập khẩu năng lượng như dầu thô, than đá, khí thiên nhiên, chế phẩm dầu mỏ tăng vọt 73,7% so với một năm trước.
BoK cho rằng mức thâm hụt tăng cao như vậy là do giá nhập khẩu nguyên liệu và năng lượng trên thị trường thế giới tăng cao trong khi giá trị xuất khẩu hàng hóa của Hàn Quốc sang Trung Quốc giảm mạnh do kinh tế nước này suy thoái.
Báo Joongang Ilbo dẫn phân tích của giới chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng các yếu tố tác động đến nền kinh tế Hàn Quốc nêu trên sẽ không thể được giải quyết trong một thời gian ngắn.
Giới phân tích cũng cho rằng, một xu hướng nổi lên là sự giảm giá của tất cả các đồng tiền lớn trên toàn cầu như đồng yen của Nhật Bản và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Đồng tiền của các đối thủ thương mại của Hàn Quốc cũng đồng loạt giảm giá mạnh, thậm chí mạnh hơn cả đồng won.
Giá trị của đồng yen đã giảm xuống mức 142 yen/USD trong phiên giao dịch 7/9, mức giảm mạnh hơn so với đồng won. Đồng yen đã giảm 42% so với đồng USD tính từ thời điểm tháng 1/2021. Đồng nhân dân tệ không phải là ngoại lệ.
Giới phân tích nhận định rằng khả năng đồng won của Hàn Quốc có thể giảm mạnh xuống mức 1.500 won/USD trong tương lai gần nếu như Mỹ nâng mức lãi suất cơ bản lên 3,4% vào cuối năm nay.
Nếu động thái này được Fed thực hiện đúng lộ trình thì thị trường tài chính toàn cầu chắc chắn sẽ tiếp tục có những chấn động mạnh.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)