Ngày 22/7, Mỹ đã kêu gọi Nga nhanh chóng dỡ bỏ việc phong tỏa các cảng của Ukraine để nước này có thể tiến hành xuất khẩu ngũ cốc theo thỏa thuận hai bên vừa ký.
Phát biểu với báo giới, Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby nói rõ: “Chúng tôi thực sự mong đợi thỏa thuận sẽ được triển khai nhanh chóng để giúp những người dễ bị tổn thương nhất không rơi vào tình trạng mất an ninh (lương thực-pv) và suy dinh dưỡng nặng hơn”.
Ông Kirby cũng bày tỏ hy vọng thỏa thuận do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc làm trung gian này có điều khoản đủ tốt để có thể giám sát sự tuân thủ của các bên.
Trước đó cùng ngày, dưới sự trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc , Nga và Ukraine đã ký thỏa thuận mang tính bước ngoặt về việc nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine ra các thị trường thế giới nhằm giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Các tàu chở ngũ cốc của Ukraine sẽ được ra vào 3 cảng ở TP Odessa trên biển Đen. Liên Hợp Quốc hy vọng thỏa thuận sẽ được thực thi đầy đủ trong vài tuần tới để có thể khôi phục lượng ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine về mức trước khi xảy ra cuộc xung đột là 5 triệu tấn/tháng.
Trong khi đó, Ukraine ngày 22/7 tuyên bố sẽ chỉ ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc trong việc nối lại xuất khẩu ngũ cốc đang bị gián đoạn do xung đột với Nga, bác bỏ bất kỳ một thỏa thuận trực tiếp nào với Nga.
Trên Twitter, trợ lý Tổng thống Mykhaylo Podolyak tuyên bố Ukraine không ký bất kỳ thỏa thuận nào với Nga mà sẽ ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc, và Nga sẽ ký thỏa thuận tương tự với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc.
Ông nói các tàu và các đại diện của Nga sẽ không được phép hiện diện tại các cảng của Ukraine được sử dụng để xuất khẩu ngũ cốc. Theo ông Podolyak, bất kỳ hoạt động thanh tra cần thiết nào đối với các tàu hàng sẽ do các nhóm chung tiến hành trên lãnh hải của Thổ Nhĩ Kỳ.
Một phái đoàn của Ukraine ngày 22/7 đang có mặt tại Istanbul, với việc sẵn sàng ký kết một thỏa thuận để giải phóng hàng triệu tấn ngũ cốc bị mắc kẹt tại các cảng của Ukraine kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự vào ngày 24/2.
Ngày 22/7, sau khi Nga và Ukraine ký thỏa thuận nối lại xuất khẩu ngũ cốc, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhận định thỏa thuận này sẽ giúp ích cho các quốc gia đang phát triển có nguy cơ vỡ nợ cũng như những người đang bên bờ vực của nạn đói.
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán, bày tỏ hy vọng thỏa thuận trên cuối cùng sẽ mở ra triển vọng hòa bình tại Ukraine.
Trong một phản ứng, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell đã bày tỏ hoan nghênh thỏa thuận, cho rằng đây là một bước đi đúng hướng đồng thời kêu gọi các bên lập tức thực thi thỏa thuận.
Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ giám sát chặt chẽ nhằm đảm bảo hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen được khôi phục.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 22/7 đã "bật đèn xanh" cho việc gia hạn quyết định tạm dừng thực hiện các quy định liên quan tới môi trường đối với đất bỏ hoang và luân canh cây trồng vào năm 2023, qua đó tạo điều kiện để nông dân 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) tăng cường sản xuất ngũ cốc nhằm đối phó với tác động của tình hình xung đột tại Ukraine.
Theo Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, quyết định trên "sẽ tối đa hóa năng lực sản xuất ngũ cốc của EU" và ước tính sẽ cho phép trồng lại cây trên tổng diện tích đất 1,5 triệu ha.
Để bù đắp cho việc thiếu ngũ cốc của Nga và Ukraine, hồi tháng 3 vừa qua, EC đã quyết định bãi bỏ "tạm thời" trong năm 2022 các quy định đối với đất bỏ hoang, theo đó cho phép "trồng bất kỳ cây lương thực nào" trên những vùng đất không được canh tác.
Theo ước tính ban đầu, biện pháp này đã giúp tăng 6% diện tích cây lương thực (thêm 2,2 triệu ha) và tăng 7,8% diện tích trồng hoa hướng dương. EU cũng đã đình chỉ các yêu cầu luân canh cây trồng.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)