Ngày 4/6, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro hoan nghênh việc Mỹ cấp phép cho một số công ty dầu khí hoạt động tại quốc gia Nam Mỹ này, một phần của quá trình nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế chống lại chính quyền do ông Maduro đứng đầu.
Tổng thống Maduro đánh giá đây là bước đi “nhỏ nhưng quan trọng,” cho phép các tập đoàn Chevron (Mỹ), Eni (Italy) và Repsol (Tây Ban Nha) bắt đầu quy trình khai thác dầu mỏ và khí đốt tại Venezuela để xuất khẩu.
Hôm 17/5, Nhà Trắng thông báo nới lỏng một số lệnh trừng phạt chống lại chính quyền Maduro từ năm 2019, bao gồm lệnh cấm vận dầu mỏ, nhằm gây áp lực buộc ông phải từ bỏ quyền lực, bất chấp việc Tổng thống Venezuela đã tái đắc cử một năm trước đó.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu lương thực và nông sản Mỹ của Venezuela đang trên đà tăng, khi khu vực tư nhân đang thúc đẩy hoạt động giao thương giữa hai nước bất chấp các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên Venezuela.
Tổng kim ngạch nhập khẩu thực phẩm và nông sản của Venezuela đạt 2,4 tỉ USD trong năm 2021, tăng 31,2% so với năm 2020. Trong đó, giá trị nhập khẩu từ Mỹ đạt 634 triệu USD, đứng thứ hai chỉ sau mức 934 triệu USD nhập khẩu từ Brazil, theo một báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Các mặt hàng nhập khẩu chính là ngũ cốc, mỳ sợi, trái cây và rau quả đóng hộp, rượu và thức ăn cho động vật. Dù đã tăng 45% so với năm 2020 nhưng con số kim ngạch nhập khẩu thực phẩm và nông sản từ Mỹ nói trên vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức 1,4 tỉ USD/năm ghi nhận trong giai đoạn 2010-2014.
Trong năm 2017, tức thời kỳ đỉnh điểm trong căng thẳng Mỹ - Venezuela, giá trị nhập khẩu từ Mỹ chỉ đạt 400 triệu USD.
Phòng Thương mại Venezuela - Mỹ (VENAMCHAM) cho biết kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt khoảng 38 tỉ USD trong năm 2008, khi Mỹ là khách hàng mua dầu thô lớn nhất của Venezuela.
Hàng nhập khẩu đóng vai trò quan trọng đối với Venezuela, quốc gia chỉ sản xuất để đáp ứng được 50% nhu cầu ngô và 45% nhu cầu gạo trong nước, theo Hội liên hiệp các nhà sản xuất công nghiệp Fedeagro. Quốc gia Nam Mỹ này đang trải qua thời kỳ tăng trưởng yếu ớt sau nhiều năm suy thoái, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm đến 80%.
T.LÊ (tổng hợp từ Vietnam+)