Các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã không đạt được sự nhất trí về lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga là nội dung chính trong ngày họp đầu tiên Hội nghị thượng đỉnh bất thường của EU diễn ra trong hai ngày 30-31/5 tại thủ đô Brussels.
Cho đến nay, EU đã đưa ra 5 gói trừng phạt chống lại Nga kể từ khi cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine bắt đầu cách đây hơn 3 tháng. Tuy nhiên, một thỏa thuận về cấm vận dầu mỏ của Nga đã tỏ ra khó đạt được sự đồng thuận sau nhiều tuần thảo luận vì quá nhiều quốc gia trong EU phụ thuộc vào dầu thô của Nga.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Ursula von der Leyen, người đã đề xuất gói trừng phạt thứ sáu hồi đầu tháng 5, cho biết liên minh vẫn chưa đạt được sự đồng thuận.
Lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU mới chỉ nhất trí về một phần của gói trừng phạt này là loại ngân hàng lớn nhất của Nga, Sberbank, khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, cấm các đài truyền hình Nga phát sóng trong EU và bổ sung thêm các cá nhân vào danh sách bị phong tỏa tài sản.
Hungary, một quốc gia nằm sâu trong đất liền không có lối ra biển phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ của Nga, phản đối bất kỳ lệnh cấm vận dầu mỏ nào trừ phi nước này được miễn trừ thực hiện trong ít nhất 4 năm để có thời gian chuẩn bị và EU tài trợ 800 triệu euro để sửa chữa các nhà máy lọc dầu của nước này cho phù hợp với các nguồn dầu thô khác.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại hội nghị trên đã tuyên bố sẽ "không có sự thỏa hiệp nào vào thời điểm này". Tại hội nghị thượng đỉnh này, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng thảo luận về sự cần thiết phải đảm bảo tính thanh khoản cho nền kinh tế Ukraine.
Hội đồng châu Âu (EC) đã đề xuất viện trợ lên tới 9 tỉ euro trong năm nay cho Ukraine và đảm bảo an ninh lương thực khi nguồn ngũ cốc lớn từ Ukraine do chiến tranh không tới được các nước cần nhập khẩu, nhất là các nước châu Phi.
Các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị cũng ủng hộ việc thành lập một quỹ quốc tế để tái thiết Ukraine sau chiến tranh, đồng thời cam kết đẩy nhanh việc giúp Ukraine chuyển ngũ cốc ra khỏi đất nước tới các khách hàng toàn cầu bằng đường sắt cũng như đường bộ và thực hiện các bước để nhanh chóng không phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết các nhà lãnh đạo EU ngày 30/5 đã ủng hộ lệnh cấm nhập khẩu hơn 2/3 lượng dầu mỏ từ Nga trong một thỏa thuận có sự thỏa hiệp với Hungary để phản đối Moscow vì đã tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Trên mạng xã hội Tweeter, quan chức này cho hay đã có sự nhất trí cấm xuất khẩu dầu của Nga sang EU và lệnh cấm ngay lập tức áp dụng đối với hơn 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga, cắt giảm một nguồn tài chính khổng lồ của Nga. Theo quan chức này, đây là quyết định nhằm gây sức ép tối đa lên Nga.
Ông Charles Michel cho biết thêm các nhà lãnh đạo EU cũng nhất trí loại ngân hàng lớn nhất của Nga Sberbank khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT và cấm thêm 3 đài thuộc sở hữu nhà nước Nga.
Trong diễn biến khác, Công ty năng lượng GasTerra của Hà Lan ngày 30/5 thông báo Tập đoàn năng lượng quốc doanh Gazprom của Nga sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho công ty này sau khi Hà Lan từ chối thanh toán bằng đồng ruble. Theo thông báo của GasTerra, Gazprom sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho công ty này từ ngày 31/5.
Quyết định của tập đoàn năng lượng Nga đồng nghĩa với việc 2 tỉ m3 khí đốt sẽ không được cung cấp cho Hà Lan trong giai đoạn từ nay tới tháng 10. Công ty của Hà Lan đã "dự đoán điều này bằng cách mua khí đốt từ những nơi khác".
Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2, Moscow đã đề nghị khách hàng là "các quốc gia không thân thiện" trong đó có nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thanh toán bằng đồng ruble.
GasTerra thuộc sở hữu chung của hai tập đoàn năng lượng Shell (Anh) và Esso (Mỹ), cùng công ty khí đốt EBN (Hà Lan) và Nhà nước Hà Lan (10% cổ phần). Bộ trưởng Khí hậu và Năng lượng Hà Lan Rob Jetten cho biết trên mạng xã hội Twitter rằng quyết định của Gazprom không ảnh hưởng tới việc cung cấp khí đốt cho các hộ gia đình ở nước này.
Cùng ngày 30/5, theo hãng tin Sputnik, Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường Ba Lan Anna Moskwa cho biết nước này đã ngừng cung cấp nhiên liệu miễn phí cho Ukraine và bắt đầu thu tiền cho hoạt động này. Trả lời phỏng vấn, Bộ trưởng Moskwa nêu rõ vào thời điểm Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền Đông Ukraine, Ba Lan đã cung cấp nhiên liệu miễn phí cho Ukraine.
Hiện tại nguồn cung này đều là các chuyến hàng thương mại của tập đoàn dầu khí Ba Lan ORLEN và tốn nhiều chi phí vận hành do nước này phải xây dựng nhiều kênh vận chuyển mới. Bà nhấn mạnh Ba Lan đang vận chuyển nhiên liệu định kỳ với ưu tiên là thị trường nội địa.
Theo bà, các công ty nhiên liệu Ukraine đã thích ứng tốt với tình hình và đây cũng là thị trường tiềm năng của Ba Lan. Ngoài ra, bà Moskwa cho hay Ba Lan cũng muốn giới thiệu Ukraine với Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) tại cuộc họp sắp tới ở thủ đô Paris (Pháp), với hy vọng đưa Ukraine thành một quan sát viên của tổ chức này.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)