Hai nhà sản xuất dược phẩm của Mỹ là Moderna và Pfizer gần đây đã lần lượt công bố hiệu quả sinh miễn dịch sau khi tiêm thử nghiệm hai loại vắc xin ngừa COVID-19 của các hãng này cho trẻ dưới 5 tuổi.
Kênh truyền hình CNN ngày 24/5 đã đăng tải bài phỏng vấn TS Leana Wen, Giáo sư về chính sách và quản lý y tế tại Trường Y tế Công cộng Milken thuộc Đại học George Washington nhằm cung cấp các thông tin chi tiết về hai loại vắc xin nói trên.
TS Leana cho biết Pfizer và công ty công nghệ sinh học BioNtech của Đức ban đầu đã thử nghiệm 2 mũi tiêm với liều lượng 3 microgram ở nhóm trẻ từ 6 tháng-5 tuổi.
Liều lượng này chỉ bằng 1/10 so với liều tiêm vắc xin của người lớn (30 microgram), đồng thời ít hơn 1/3 so với liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi (10 microgram). Các nghiên cứu sơ bộ cho thấy hai mũi tiêm này an toàn, song không tạo ra đủ lượng kháng thể phòng bệnh.
Đó là lý do tại sao Pfizer/BioNtech bắt đầu nghiên cứu mũi thứ ba nhằm tăng cường "hàng rào" bảo vệ cho nhóm trẻ từ 6 tháng-5 tuổi, tương tự như các nhóm tuổi khác tiêm tối thiểu 3 mũi vắc xin.
Theo kết quả thu được sau một tháng tiêm thử nghiệm mũi ba vắc xin của Pfizer/BioNtech trên gần 1.700 trẻ ở độ tuổi này trong giai đoạn biến thể Omicron chiếm hầu hết các ca mắc COVID-19, lượng kháng thể sản sinh sau tiêm tương đương với lượng kháng thể ghi nhận ở nhóm tuổi 16-25.
Pfizer cũng cho biết thêm rằng mũi ba vắc xin ngừa COVID-19 của hãng đạt hiệu quả phòng COVID-19 có triệu chứng hơn 80% đối với trẻ từ 6 tháng - 5 tuổi. Tuy vậy, đây chưa phải là kết quả cuối cùng và hãng đang vẫn tiếp tục các thử nghiệm chuyên sâu hơn.
Liên quan tới vắc xin của Moderna, TS Leana nêu rõ hãng này đã thử nghiệm loại vắc xin với hai mũi cơ bản. Liều lượng tiêm là 25microgram, bằng 1/4 so với liều tiêm của người lớn (100 microgram).
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng hiệu quả bảo vệ của vắc xin này đối với trẻ từ 6 tháng-5 tuổi tương đương với hiệu quả bảo vệ ghi nhận ở các nhóm tuổi lớn hơn. Cụ thể, hai mũi vắc xin của Moderna đạt 51% hiệu quả phòng bệnh có triệu chứng ở trẻ từ 6 tháng đến dưới 2 tuổi. Tỉ lệ này là 37% đối với nhóm trẻ từ 2-5 tuổi.
Các nghiên cứu của Moderna cũng chỉ ra rằng vắc xin của hãng an toàn và cũng sinh phản ứng miễn dịch mạnh ở trẻ nhỏ tuổi, tương tự như đối với các nhóm tuổi lớn hơn.
Theo TS Leana, các kết quả nghiên cứu nói trên của cả Pfizer và Moderna đều vô cùng hứa hẹn. Bà cho biết hiện Moderna đã đệ trình lên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Mỹ (FDA) xem xét các kết quả thử nghiệm.
TS Leana cũng bày tỏ kỳ vọng Pfizer sẽ sớm thực hiện bước đi tương tự Moderna.
Trả lời câu hỏi về thời gian tiêm phòng, TS Leana cho biết thêm FDA vừa thông báo triệu tập một cuộc họp của ủy ban cố vấn vào ngày 15/6 tới.
Trong khuôn khổ cuộc họp này, các quan chức nhiều khả năng sẽ thảo luận về việc tiêm vắc xin của Moderna cũng như Pfizer cho các nhóm trẻ nhỏ tuổi nói trên.
Tùy thuộc vào kết quả cuối cùng, nếu các cố vấn khuyến nghị cấp phép cho hai loại vắc xin này, FDA có thể sẽ phê duyệt sử dụng khẩn cấp ngay sau cuộc họp và Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) của Mỹ sẽ sớm ban hành các hướng dẫn phù hợp.
Nếu thuận lợi, dự kiến, việc tiêm phòng cho trẻ có thể được tiến hành sớm nhất vào tuần bắt đầu từ ngày 20/6 năm nay.
Trong trường hợp cả hai loại vắc xin được cấp phép, các bậc phụ huynh sẽ có thêm sự lựa chọn giữa việc tiêm vắc xin loại ba mũi của Pfizer hoặc vắc xin loại hai mũi của Moderna.
TS Leana cũng cho rằng cha mẹ vẫn đóng một vai trò quan trọng giúp con cái họ tránh nguy cơ mắc COVID-19. Theo bà, có rất nhiều phương pháp có thể giúp giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh ở trẻ, chẳng hạn như tổ chức các hoạt động đông người ở không gian ngoài trời thay vì các không gian trong nhà.
Trường hợp các sự kiện diễn ra trong nhà, các bậc phụ huynh nên đề nghị mọi người xét nghiệm nhanh COVID-19 trước khi tới dự. Ngoài ra, theo TS Leana, việc đeo khẩu trang tại các không gian công cộng trong nhà cũng sẽ giúp hạn chế nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2.
Theo TTXVN/Vietnam+