Ngày 23/5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định Tổng thống Nga Vladimir Putin là quan chức Nga duy nhất mà ông sẵn sàng gặp để thảo luận về cách chấm dứt cuộc xung đột hiện nay.
Phát biểu trong video gửi tới Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos (Thụy Sĩ), Tổng thống Zelensky cho rằng khó có thể chấm dứt xung đột nếu không có sự tham gia đối thoại của Tổng thống Putin. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Ukraine thừa nhận khả năng tổ chức một cuộc đối thoại trực tiếp như vậy ngày càng ít.
Các nhà đàm phán Nga và Ukraine đã tiến hành nhiều vòng thảo luận để tìm cách chấm dứt xung đột nhưng đến nay vẫn bế tắc. Cuộc xung đột đã kéo dài 3 tháng và kéo theo những ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. Tuần trước, Tổng thống Zelensky cũng cho rằng sẽ không thể chấm dứt xung đột mà không có nỗ lực ngoại giao.
Cũng liên quan cuộc xung đột tại Ukraine, ngày 23/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết khoảng 20 quốc gia đã để nghị cung cấp hỗ trợ khí tài quân sự cho Ukraine tại hội nghị lần thứ hai của nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine diễn ra theo hình thức trực tuyến.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ngoài 20 nước cam kết hỗ trợ thiết bị quân sự còn có một số nước đề nghị hỗ trợ huấn luyện binh lính Ukraine. Hội nghị đầu tiên của nhóm này diễn ra ở một căn cứ quân sự của Mỹ tại Đức 4 tuần trước.
Theo kế hoạch, nhóm sẽ tổ chức hội nghị tiếp theo vào ngày 15/6 tới trong khuôn khổ cuộc họp cấp bộ trưởng các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels.
Cũng phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, ông Mark Milley, cho biết nước này chưa quyết định việc đưa binh lính trở lại Ukraine.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ thị rút quân đội Mỹ ra khỏi lãnh thổ Ukraine trước khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước này cuối tháng 2 để tránh nguy cơ đối đầu trực tiếp. Tuy nhiên, hiện nay, hoàn cảnh thay đổi trong đó có việc Mỹ mở lại Đại sứ quán tại Kiev đang làm dấy lên đồn đoán rằng Washington sẽ đưa quân trở lại Ukraine để bảo vệ cho các nhà ngoại giao nước này.
Phát biểu tại họp báo, tướng Milley cho biết dù có một số khâu chuẩn bị cho khả năng đưa binh lính Mỹ trở lại Ukraine nhưng kế hoạch này chưa được đưa lên cấp cao như ông hay Bộ trưởng Quốc phòng Austin xem xét. Hơn nữa, kế hoạch cuối cùng sẽ thuộc quyền quyết định của Tổng thống Biden. Vì vậy, hiện còn quá sớm để nói về việc đưa quân Mỹ trở lại Ukraine.
Trong diễn biến khác, ngày 23/5, Thủ tướng Ý Mario Draghi đã thuyết phục người đồng cấp Bulgaria, Kiril Petkov, ủng hộ đề xuất của Rome về việc thiết lập một mức trần giá khí đốt tự nhiên trong bối cảnh cuộc xung đột Ukraine đang khiến giá năng lượng tăng cao.
Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng hai nước cho biết vấn đề giá năng lượng là chủ đề thảo luận chính giữa hai nhà lãnh đạo Ý và Bulgaria trong cuộc hội đàm kéo dài 1 giờ đồng hồ tại Rome. Ngoài ra, hai bên còn thảo luận tình hình tại Ukraine, nỗ lực ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu do hậu quả của cuộc xung đột, triển vọng mở rộng Liên minh châu Âu (EU) và mối quan hệ hợp tác song phương giữa Ý và Bulgaria.
Giá khí đốt tự nhiên tăng vọt dẫn đến chi phí năng lượng, vận tải và sản xuất ở châu Âu cũng tăng cao.
Trước khi xảy ra cuộc xung đột này, Nga là nước cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất của châu Âu. Tháng 4 vừa qua, Ý đã bắt đầu đưa ra ý tưởng áp đặt mức trần giá bán buôn khí đốt tự nhiên để hạn chế những tác động của cuộc khủng hoảng đối với kinh tế.
Trung tuần tháng 4 vừa qua, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Confindustria của Ý, ông Carlo Bonomi, cho biết chính phủ Ý nên đơn phương áp đặt mức giới hạn này nếu EU không nhất trí. Cách đây gần một tháng, Bulgaria và Ba Lan đã trở thành hai quốc gia thành viên EU đầu tiên mà Nga cắt nguồn cung khí đốt với lý do hai nước này từ chối thanh toán các hợp đồng bằng đồng ruble.
H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)