Các bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ngày 20/5 đã nhất trí về khoản viện trợ mới trị giá 9,5 tỉ USD cho Ukraine, trong đó, Mỹ sẽ cấp 7,5 tỉ USD, Đức cấp 1 tỉ USD và các nước G7 khác cấp 1 tỉ USD dưới hình thức cho vay và bảo lãnh.
Các quan chức phụ trách tài chính của G7 cho biết khoản viện trợ mới đã nâng gói hỗ trợ của các nước này cho Ukraine từ đầu năm đến nay lên khoảng 19,8 tỉ USD.
Ukraine ước tính nước này cần khoảng 5 tỉ USD mỗi tháng để trả lương cho nhân viên và duy trì hoạt động của chính phủ.
Bên cạnh gói viện trợ của G7, Liên minh châu Âu sẽ cấp cho Ukraine khoản vay trị giá 9 tỉ euro (9,5 tỉ USD). Ngoài ra, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cũng sẽ cấp các khoản vay trị giá 3,4 tỉ USD.
Ước tính của các nhà kinh tế về chi phí tái thiết Ukraine rất khác nhau trong khoảng từ 500 tỉ euro đến 2.000 tỉ euro, tùy thuộc vào thời gian diễn ra xung đột và mức độ thiệt hại.
Xung đột Nga - Ukraine đã buộc với các cường quốc phương Tây phải cân nhắc lại mối quan hệ hàng thập kỷ qua với Nga không chỉ về mặt an ninh mà còn về năng lượng, thực phẩm và các liên minh cung cấp toàn cầu từ vi mạch đến đất hiếm.
Các nhà hoạch định chính sách G7 cũng thảo luận về đà tăng lạm phát trên toàn cầu do xung đột tại Ukraine, vốn có thể khiến tăng trưởng kinh tế giảm tốc đáng kể và tạo ra nguy cơ về lạm phát đình trệ.
Trước đó, Bộ Tài chính Ukraine xác nhận nước này đã nhận được khoảng 530 triệu USD viện trợ của Mỹ và Anh từ quỹ do Ngân hàng Thế giới (WB) thành lập để hỗ trợ chính quyền Kiev. Thông báo của Bộ trên cho hay Mỹ đã quyên góp khoảng 500 triệu USD và Anh quyên góp 24 triệu bảng (30 triệu USD). Hai khoản tiền viện trợ hiện đã được chuyển đến ngân sách nhà nước của Ukraine.
Thông báo nêu rõ những khoản tiền này sẽ được sử dụng cho mục đích chi tiêu xã hội, nhân đạo và y tế khẩn cấp, cũng như hỗ trợ những người phải rời bỏ nhà cửa ở trong nước trong bối cảnh đang xảy ra xung đột Nga - Ukraine.
Cùng ngày, Thượng viện Mỹ đã phê duyệt gói viện trợ bổ sung gần 40 tỉ USD dành cho Ukraine và Nhóm Các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhất trí cung cấp cho Kiev các khoản hỗ trợ tài chính có tổng giá trị lên đến hơn 18 tỉ USD.
Trong khi đó, với 515 phiếu thuận, 32 phiếu chống và 11 phiếu trắng, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) về tự do hóa thương mại với Ukraine. EC đề xuất dỡ bỏ tất cả thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Ukraine cũng như hạn ngạch thuế quan trong 1 năm.
Thỏa thuận Liên kết giữa EU và Ukraine được áp dụng từ năm 2016 quy định giảm dần thuế quan đối với các sản phẩm công nghiệp, một số loại rau quả và nông sản. Tuy nhiên, một số mặt hàng này vẫn phải chịu thuế quan hoặc hạn ngạch thuế quan.
Theo TTXVN/Vietnam+