Thứ Năm, 16/01/2025 01:47 SA
Căng thẳng Nga - EU đẩy giá dầu thế giới tăng hơn 5% phiên 11/5
Thứ Năm, 12/05/2022 17:23 CH

Một trạm xăng ở Washington, D.C. (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN

Giá dầu thế giới tăng hơn 5% vào ngày 11/5, sau khi dòng khí đốt của Nga sang châu Âu giảm và nước này có động thái trừng phạt một số công ty khí đốt châu Âu, làm tăng thêm sự bất ổn trên thị trường năng lượng thế giới.

 

Phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 5,05 USD (tương đương 4,9%) lên 107,51 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 5,95 USD/thùng (6%) lên 105,71 USD.

 

Yếu tố chính chi phối thị trường trong phiên này là thông tin luồng khí đốt của Nga chuyển đến châu Âu qua Ukraine đã giảm 1/4 sau khi Kiev ngừng sử dụng một tuyến đường trung chuyển chính, đổ lỗi cho sự can thiệp của lực lượng quân sự Nga. Đây là lần đầu tiên xuất khẩu qua Ukraine bị gián đoạn kể từ khi căng thẳng Nga-Ukraine bùng phát.

 

Bên cạnh đó, chính phủ Nga hôm 11/5 đã trừng phạt 31 công ty có trụ sở tại các quốc gia áp đặt lệnh trừng phạt đối với nước này. Những động thái trên làm dấy lên lo ngại rằng các gián đoạn tương tự có thể xảy ra ngay cả khi giá đã tăng vọt.

 

Liên minh châu Âu (EU) đã đe dọa cấm vận hoàn toàn dầu mỏ của Nga, mặc dù các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp tục. Do Nga đóng vai trò là nhà xuất khẩu dầu thô và nhiên liệu lớn nhất cho khối này, sự gián đoạn - dự kiến sẽ còn tồi tệ hơn - đã khiến thị trường trên khắp thế giới thắt chặt, đặc biệt là đối với các sản phẩm tinh chế như dầu diesel.

 

Ông Andrew Lipow, chủ tịch của công ty tư vấn năng lượng Lipow Oil Associates ở Houston, cho biết giá sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt nếu EU đạt được một thỏa thuận để từ bỏ việc mua dầu của Nga vào phần còn lại của năm nay.

 

Dữ liệu chính thức cho thấy việc ngừng cung cấp khí đốt của Nga qua một điểm trung chuyển quan trọng ở miền Đông Ukraine ngày 11/5 đã ảnh hưởng đến nguồn cung khí đốt tại Đức, vốn đã giảm 25%. Động thái này làm dấy lên lo ngại rằng căng thẳng Nga-Ukraine có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đối với châu Âu, nơi vốn đang phải "vật lộn" với giá năng lượng tăng cao và đang cố gắng tìm kiếm các nguồn thay thế cho khí đốt của Nga.

 

Cuối ngày 10/5, Kiev cho biết sẽ tạm ngừng các dòng khí đốt của Nga qua trung tâm phía đông Sokhranivka lúc 04 giờ 00 GMT ngày 11/5 lý do nhà máy này không còn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine. Tuy nhiên, Kiev cho biết Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga đã cắt nguồn cung cấp chỉ vài phút trước đó.

 

Các số liệu công bố ngày 11/5 cho thấy dòng chảy khí đốt qua Sokhranivka, điểm trung chuyển của một phần ba nguồn cung khí đốt của Nga tới châu Âu, đã giảm xuống 0.

 

Berlin cho biết việc giảm trung chuyển khí đốt đồng nghĩa với việc lượng khí đốt chảy đến Đức đã "giảm 25%" so với ngày 10/5, nhưng khẳng định sự thiếu hụt này đang được bù đắp bởi dòng chảy từ Na Uy và Hà Lan, và nguồn cung năng lượng của nước này đã được đảm bảo.

 

Sự cố gián đoạn khí đốt tại Sokhranivka là sự cố nghiêm trọng đầu tiên đối với việc cung cấp năng lượng của Moscow cho châu Âu kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine hôm 24/2. Trong một lưu ý, các nhà phân tích tại Capital Economics cho biết việc dừng hoạt động tại Sokhranivka "làm tăng quan điểm rằng châu Âu sẽ phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu khí đốt trong năm tới".

 

Trả lời phỏng vấn hãng tin AFP ngày 11/5, Svitlana Zalishchuk, cố vấn hàng đầu của công ty dầu khí quốc gia Ukraine Naftogaz, cho biết khối lượng khí đốt thông qua điểm kết nối Sudzha đã tăng 15%, nhưng cảnh báo rằng nó "không đủ" để bù đắp cho việc ngừng cung cấp tại Sokhranivka.

 

Bộ Kinh tế Đức cho biết Bộ này đang theo dõi sát sao tình hình, nhưng khẳng định an ninh năng lượng của nước này "tiếp tục được đảm bảo”. Về phần mình, điện Kremlin khẳng định Nga luôn hoàn thành một cách đáng tin cậy và các nghĩa vụ theo hợp đồng của mình.

 

Trong khi đó, theo Financial Times, Liên minh châu Âu (EU) sẽ chi 195 tỉ euro (204,18 tỉ USD) trong 5 năm tới để thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Số tiền dự kiến này được nêu trong dự án chuyển tiếp năng lượng tăng tốc do Ủy ban châu Âu (EC) soạn thảo. Văn kiện nhận định: “Việc giảm nhanh chóng sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga có thể thông qua quá trình chuyển đổi nhanh chóng sang năng lượng sạch”.

 

Để đạt được mục tiêu này, đến năm 2030, EU sẽ cần giảm tiêu thụ năng lượng 13% thay vì 9% theo kế hoạch. Điều này được cho là sẽ được thực hiện bằng cách tăng hiệu quả sử dụng năng lượng.

 

Một mục tiêu khác là tăng gấp đôi sản lượng năng lượng từ các nguồn tái tạo, nâng tỉ trọng tiêu thụ của châu Âu từ 22% năm 2020 lên 45% vào năm 2030. Mục tiêu được đề xuất trước đó là 40%. Châu Âu cũng đề xuất tập trung vào hydro xanh, mà lượng tiêu thụ ở EU năm 2030 có thể đạt 20 triệu tấn. Một nửa khối lượng này sẽ được nhập khẩu.

 

Dự án chuyển tiếp năng lượng nhanh dự kiến sẽ chính thức được công bố ngày 18/5.

ự án sẽ yêu cầu thay đổi một số chỉ thị của EU, bao gồm cả các yêu cầu nới lỏng đối với các dự án năng lượng tái tạo.

 

Trong diễn biến có liên quan, theo sắc lệnh của Chính phủ Nga công bố ngày 11/5, Moscow đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với hơn 30 công ty năng lượng của Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Singapore.

 

Phóng viên TTXVN tại Moscow cho biết trong danh sách của Chính phủ Nga có 31 doanh nghiệp, trong đó có EuRoPol Gaz (Ba Lan), Gazprom Germania và 29 công ty con của Gazprom Germania tại Thụy Sĩ, Hungary, Anh, Pháp, Bulgaria, vùng Benelux (gồm Bỉ, Hà Lan và Luxembourg), Mỹ, Romania và Singapore.

 

EuRoPol Gaz là chủ sở hữu tuyến đường ống dẫn khí đốt Yamal-châu Âu tại Ba Lan. Các biện pháp trừng phạt bao gồm lệnh cấm giao dịch và cấm tàu của các doanh nghiệp này vào các cảng của Nga. 

 

Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Rome, Thủ tướng Ý Mario Draghi tuyên bố yêu cầu của Moscow về việc khách hàng châu Âu phải trả tiền mua khí đốt bằng đồng ruble sẽ không dẫn đến sự gián đoạn nguồn cung.

 

Phát biểu trong chuyến thăm Mỹ, Thủ tướng Draghi cho biết ông có thể đưa ra tuyên bố lạc quan trên là do hiện chưa có tuyên bố chính thức về việc vi phạm lệnh trừng phạt, cũng không có quy định cụ thể rằng việc thanh toán bằng đồng ruble có vi phạm lệnh trừng phạt hay không. Trên thực tế, hầu hết các nhà nhập khẩu khí đốt đã mở tài khoản bằng đồng ruble với Gazprom.

 

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek