Ngày 3/5, Đại sứ quán Mỹ tại Cuba bắt đầu nối lại hoạt động xử lý thị thực nhập cư hạn chế sau gần 5 năm tạm ngừng dịch vụ lãnh sự, sau cáo buộc về cái gọi là "vụ tấn công sóng âm" nhằm vào các nhà ngoại giao của Mỹ tại đảo quốc Caribe này.
Cơ quan đại diện của Mỹ tại La Habana thông báo sẽ ưu tiên những người nộp đơn thuộc diện IR-5, tức là cha hoặc mẹ của công dân Mỹ. Đây là bước đầu tiên mở đường cho quá trình mở rộng dịch vụ lãnh sự của Đại sứ quán Mỹ tại Cuba.
Trước đó, đại biện lâm thời Mỹ tại Cuba Timothy Zuniga-Brown hồi tháng 3 đã nêu rõ hoạt động lãnh sự "sẽ bắt đầu nối lại ở mức hạn chế một số dịch vụ cấp thị thực, như một phần trong quá trình dần mở rộng các chức năng của sứ quán".
Ông Zuniga-Brown cho biết trước mắt, giới chức ngoại giao Mỹ tại Cuba sẽ chỉ sắp xếp phỏng vấn những người đã xuất trình đủ hồ sơ xin thị thực, cũng như chỉ cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho các công dân Mỹ và cấp thị thực khẩn cấp.
Hồi tháng 9/2017, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo tình trạng các nhân viên của Đại sứ quán nước này tại La Habana gặp phải một loạt sự cố về sức khỏe, với các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, mất thính lực, giảm trí nhớ mà Washington cho rằng do các cuộc "tấn công bằng sóng âm" gây ra.
Mỹ đã rút phần lớn nhân viên ngoại giao về nước, đồng thời trục xuất 17 nhà ngoại giao Cuba khỏi Mỹ.
Trong 5 năm, người dân Cuba muốn nhập cảnh vào Mỹ buộc phải tới nước thứ ba như Colombia hoặc Guyana để nộp hồ sơ xin thị thực, điều này khiến gia tăng chi phí và rủi ro. Nhiều người đã lựa chọn di cư bất hợp pháp và đối mặt nguy hiểm tính mạng.
Theo TTXVN/Vietnam+