Ngày 25/4, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) thông báo một thiếu niên ở nước này đã phải nhập viện vì nghi mắc bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân. Đây là ca nghi ngờ mắc bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em đầu tiên được báo cáo ở Nhật Bản.
Ngày 20/4, MHLW cảnh báo các chính quyền địa phương về nguy cơ viêm gan cấp tính nặng ở trẻ nhỏ, đồng thời yêu cầu nhà chức trách cung cấp các dữ liệu liên quan tới các ca mắc bệnh viêm gan ở trẻ.
Sau đó, bộ đã nhận được báo cáo về trường hợp đầu tiên bị nghi nhiễm bệnh viêm gan cấp tính này. Bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính với cả adenovirus và SARS-CoV-2 và chưa có tiền sử cấy ghép gan.
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh viêm gan cấp tính nặng chưa rõ nguyên nhân ở trẻ nhỏ đã xuất hiện tại 11 quốc gia. Gần 170 trẻ em có dấu hiệu mắc bệnh, trong khi 1 trẻ đã tử vong do căn bệnh này.
Bà Meera Chand, Giám đốc phụ trách lâm sàng và các bệnh lây nhiễm mới nổi (thuộc Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh) - cho biết 5 trường hợp viêm gan bí ẩn đầu tiên được ghi nhận ở Scotland (Vương quốc Anh) vào ngày 31/3 vừa qua, khi "các bác sĩ lâm sàng nhạy bén phát hiện ra những dấu hiệu bất thường".
Theo bà Chand, những ca viêm gan không rõ nguyên nhân như vậy rất hiếm. Trung bình mỗi năm, các bác sĩ Scotland chỉ khám 4-5 trường hợp bệnh nhân mắc viêm gan không rõ nguyên nhân.
Tuy nhiên, theo báo cáo của WHO cuối tuần qua, tới nay Vương quốc Anh đã ghi nhận tổng cộng 114 ca viêm gan bí ẩn. Tây Ban Nha có số ca viêm gan bí ẩn ở trẻ em cao thứ hai (sau Anh) với 13 ca, tiếp theo là Israel với 12 ca và Mỹ với 9 ca.
Số lượng ca viêm gan bí ẩn ở mức thấp hơn cũng được ghi nhận tại Đan Mạch, Ireland, Hà Lan, Italy, Na Uy, Pháp, Romania và Bỉ.
Đa số các trường hợp mắc căn bệnh viêm gan bí ẩn này là trẻ em dưới 10 tuổi. Hầu hết các em trước khi mắc bệnh đều có thể trạng khỏe mạnh, trong khi viêm gan thường rất hiếm gặp ở trẻ em khỏe mạnh.
Trước khi cho thấy dấu hiệu bị viêm gan nặng, bệnh nhi thường có các triệu chứng gồm vàng da, tiêu chảy, nôn mửa và đau bụng.
Bà Maria Buti, Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu về gan của châu Âu (EASL) - cho biết "mối quan ngại lớn" là mức độ nghiêm trọng của bệnh. Hiện đã có 17 bệnh nhi (khoảng 10% trong số những trường hợp được xác nhận) bị viêm gan nặng đến mức cần ghép gan.
WHO đã loại trừ đi lại quốc tế là một yếu tố gây bệnh viêm gan bí ẩn. Theo bà Chand, không có nghiên cứu nào cho thấy mối liên hệ giữa việc sử dụng paracetamol với căn bệnh này, dù sử dụng quá liều hoạt chất này cũng có thể gây suy gan. Các chuyên gia cũng không cho rằng vaccine ngừa COVID-19 gây ra tình trạng trên, do hầu hết các bệnh nhi mắc viêm gan bí ẩn chưa đủ điều kiện để tiêm phòng.
Những phân tích trong phòng thí nghiệm đã loại trừ khả năng các bệnh nhi trên nhiễm các loại virus viêm gan A, B, C, E và D như các trường hợp thế giới đã biết, song lại phát hiện các em nhiễm một trong hai loại virus SARS-CoV-2 và adenovirus, trong đó có nhiều em nhiễm đồng thời cả hai loại virus này.
Theo WHO, adenovirus - loại virus phổ biến gây ra một loạt bệnh như cảm lạnh, viêm phế quản và tiêu chảy nhưng hầu hết không dẫn đến bệnh nặng - đã được phát hiện ở 74 trường hợp mắc viêm gan bí ẩn trên thế giới.
Trong khi đó, chuyên gia Chand cho rằng adenovirus có mặt trong cơ thể của 75% bệnh nhân tại Anh. Bà cũng đặt ra "giả thuyết hàng đầu" là virus adenovirus đã kết hợp với một yếu tố khác khiến virus này trở nên nguy hiểm hơn.
Ngoài ra, việc trẻ nhỏ trải qua 2 năm sống trong môi trường hạn chế tiếp xúc để ngừa COVID-19 đã khiến cơ thể các em không tạo được khả năng miễn dịch với adenovirus.
Tỉ lệ nhiễm adenovirus tại Anh đã giảm xuống trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, nhưng lại tăng cao hơn nhiều so với mức trước đó, kể từ khi các biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19 được dỡ bỏ.
Những phân tích trong phòng thí nghiệm đã loại trừ khả năng các bệnh nhi nêu trên nhiễm các loại virus viêm gan A, B, C, E và D như các trường hợp thế giới đã biết, song lại phát hiện các em nhiễm một trong hai loại virus SARS-CoV-2 và adenovirus, trong đó có nhiều em nhiễm đồng thời cả hai loại virus này.
WHO cho biết "sự gia tăng bất ngờ" của các ca nhiễm adenovirus gần đây cũng được ghi nhận ở một số quốc gia khác, bao gồm Ireland và Hà Lan.
Một giả thuyết khác cũng cho rằng sự kết hợp giữa adenovirus và SARS-CoV-2 hoặc yếu tố dịch tễ từng mắc COVID-19 đã làm phát sinh ca bệnh này. Có 19 trong số 169 ca được ghi nhận cùng nhiễm cả virus SARS-CoV-2 và adenovirus, trong khi 20 trường hợp chỉ mắc COVID-19.
Trong bối cảnh các cuộc điều tra và nghiên cứu về bệnh viêm gan bí ẩn đang được tiến hành, chuyên gia Buti cho rằng do các virus nói trên có thể truyền nhiễm, nên việc bảo đảm vệ sinh cá nhân, cũng như các biện pháp ngừa bệnh COVID-19 có thể giúp chống lại căn bệnh này. Ngoài ra, bà cũng kêu gọi các bác sĩ xem xét các dấu hiệu của bệnh vàng da.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)